Xe máy điện đang thay đổi bộ mặt ngành giao vận

Việt Hưng - 17:40, 27/08/2023

TheLEADERXu hướng "chuyển phát xanh" nhận được nhiều sự ủng hộ từ chuyên gia, nhà sản xuất xe máy điện và các doanh nghiệp hàng đầu hiện nay.

Những chiếc xe máy điện chở khách trên đường phố đã dần quen thuộc với mọi người với sự gia nhập của các ứng dụng gọi xe như Grab, Gojek, GSM. 

Ngoài những mẫu mã xe như hiện tại, thị trường thời gian tới đây sẽ còn xuất hiện thêm những mẫu xe máy điện như một chiếc "tủ lạnh di động". Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, CEO Selex Motors gọi đây là giải pháp vận chuyển hàng đông lạnh bằng xe 2 bánh đầu tiên trên thị trường.

Theo ông Nguyên, thay vì phải sử dụng đá ướt hoặc đá khô để giữ lạnh, xe máy điện Selex Camel 2 sử dụng pin của xe giúp làm lạnh liên tục tại mức nhiệt độ có thể điều chỉnh được, từ -20 tới 10 độ C và có thể tích từ 18 - 115 lít.

"Đây sẽ là giải pháp hiệu quả với các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B, sản xuất và giao vận thực phẩm đông lạnh, dược phẩm, hoặc phục vụ hoạt động kinh doanh lưu động như: cafe, kem, hoạt động dã ngoại", ông Nguyên nói.

Xe Selex Camel 2 nằm trong chiến lược xanh hóa xe hai bánh của Selex Motors, với nhiều cải tiến như khả năng lội nước ngập 1m, trang bị số lùi, thiết kế nhỏ gọn, có thể tháo lắp yên xe để chở hàng với quãng đường tối đa lên tới 150km/1 lần sạc đầy.

Sản phẩm của Selex Motors nhận được sự hưởng ứng của hai đối tác quan trọng là Công ty cổ phần Giao Hàng Tiêu Chuẩn và Công ty cổ phần Giải pháp thương mại ABA (ABA Cooltrans).

Giao Hàng Tiêu Chuẩn là một “tân binh" đầy tham vọng trong thị trường chuyển phát nhanh, đã ký hợp đồng đặt mua 500 xe điện với Selex Motors nhằm đón đầu xu hướng "chuyển phát xanh" trong ngành vận chuyển.

Còn ABA Cooltrans là nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh số 1 tại Việt Nam, đã ký kết hợp tác với Selex Motors để đưa vào thí điểm 100 xe máy điện trong năm nay, hướng tới mục tiêu triển khai 1.000 xe máy điện trên toàn quốc trong 3 năm tới.

Xe máy điện đang thay đổi bộ mặt ngành giao vận
Mẫu xe máy điện được ví như một chiếc "tủ lạnh di động"

Đánh giá về xu hướng "chuyển phát xanh", ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Lazada Logistics cho rằng việc đưa xe máy điện tham gia thị trường giao vận Việt Nam góp phần giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường, mà vẫn đem lại hiệu suất giao vận tối ưu.

Theo tính toán của sàn thương mại điện tử này, giao hàng bằng xe điện không chỉ giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu so với các phương tiện truyền thống, mà chi phí bảo trì cũng thấp hơn so với các dòng xe máy xăng phổ thông.

Ngoài ra, việc di chuyển bằng xe điện cũng đem lại nhiều lợi thế cho hoạt động kinh doanh và vận hành của doanh nghiệp. Đơn cử như với thiết kế thùng hàng lớn, chứa được nhiều hàng hơn, từ đó đẩy nhanh tiến độ giao hàng, tiết kiệm thời gian quay về kho lấy hàng cho các nhân viên.

Bên cạnh đó, việc quản lý vận hành cũng trở nên dễ dàng cho doanh nghiệp khi có sẵn hạ tầng các trạm đổi pin tự động, được quản lý thông minh, ứng dụng công nghệ IoT.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia từ Học viện Tài chính đánh giá việc sử dụng xe máy điện cho mục đích giao hàng là xu hướng tốt và có ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng phát triển kinh tế xanh trong tương lai.

Theo ông Thịnh, hiện nhà nước cũng có chính sách, chủ trương phát triển năng lượng xanh đối với ngành giao thông vận tải khi phấn đấu đến 2050 là 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh, đồng thời, hoàn thiện hạ tầng sạc điện để cung cấp năng lượng xanh trên toàn quốc.

Tuy nhiên để thúc đẩy sự phát triển này một cách nhanh chóng, vị chuyên gia cho rằng cần có thêm nhiều cơ chế, ưu đãi và tính toán cân đối nguồn năng lượng để đảm bảo cho hoạt động của lĩnh vực xe điện.

Bên cạnh đó cũng cần có các ưu đãi về thuế sử dụng phương tiện điện, ưu tiên mặt bằng cho việc xây dựng nhà máy pin, các trạm sạc, về nơi đỗ, địa bàn lưu thông… hay những ưu đãi liên quan đến nguồn vốn cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy điện, sản xuất bộ lưu trữ điện, các điểm sạc.

Xe máy điện đang thay đổi bộ mặt ngành giao vận 1
Xe máy điện đang thay đổi bộ mặt ngành giao vận

Thực tế, các doanh nghiệp vận tải Thái Lan, Đài Loan và Indonesia đều đang đẩy mạnh các phương án phát triển xe điện và có lộ trình chuyển đổi 100% cho tới năm 2035. Tại Trung Quốc, hầu hết tài xế Meituan - nền tảng giao đồ ăn lớn nhất nước này đang dùng xe đạp, hoặc xe máy điện.

Tại Đông Nam Á, áp lực ô nhiễm của ngành vận tải trong nền kinh tế số ngày càng lớn, buộc doanh nghiệp cũng phải vào cuộc. Báo cáo E-conomy 2022 của Google, Temasel, Bain & Company cho hay, các hoạt động vận tải, giao đồ ăn và thương mại điện tử sẽ làm gia tăng phát thải CO2 từ mức 6 tấn của năm ngoái lên 20 tấn năm 2030.

Riêng lĩnh vực vận tải trực tuyến (dịch vụ vận chuyển hàng và người phát sinh từ các yêu cầu đặt qua ứng dụng), báo cáo cho rằng có thể giảm 20-30% phát thải bằng cách chuyển sang dùng xe điện, kết hợp với tối ưu hóa lộ trình lái xe.

Tuy nhiên, việc áp dụng xe điện vào hoạt động giao nhận không phải không có mặt trái. Chẳng hạn, theo Global Logistics Network, lý do khiến nhiều doanh nghiệp chưa vội áp dụng xe điện vào hoạt động kinh doanh là vì chi phí cao. Dù giá pin đã giảm trong khoảng một thập kỷ qua, song chi phí nói chung với xe điện vẫn là tương đối cao.

Ngoài ra, những vấn đề liên quan tới trạm sạc cũng có thể gây gián đoạn hoạt động kinh doanh vận tải - giao nhận, một yếu tố đặc biệt quan trọng trong ngành này. 

Bên cạnh đó, việc triển khai xe điện còn chậm và chủ yếu mới dừng lại ở các loại xe thương mại nhẹ, dẫn tới việc chưa đủ sản phẩm phù hợp với hoạt động của các đơn vị.