Xu hướng phát triển công nghệ tích hợp trên xe hơi

Phạm Sơn - 18:14, 08/01/2022

TheLEADERTự động hóa, hệ điều hành gia tăng trải nghiệm người sử dụng là những công nghệ mới đang được nhiều hãng xe tập trung phát triển để nâng cao giá trị cạnh tranh.

Xu hướng phát triển công nghệ tích hợp trên xe hơi
Tích hợp công nghệ là xu thế quan trọng trong kỷ nguyên xe điện.

Hãng xe Toyota vừa gây ấn tượng mạnh khi trở thành nhà sản xuất xe hơi bán chạy nhất nước Mỹ năm 2021, đánh dấu lần đầu tiên vị trí này thuộc về một tập đoàn nước ngoài. Đại diện Toyota cho biết, nhờ vào việc quản lý chuỗi cung ứng tốt hơn, hãng có đủ sức để vượt mặt các đối thủ trong bối cảnh khủng hoảng chip toàn cầu.

Tuy nhiên, vượt qua đối thủ General Motors và đạt vị trí số 1 về doanh số ở Mỹ không phải mục tiêu của Toyota, theo lời ông Jack Hollis, Phó chủ tịch cấp cao của Toyota Bắc Mỹ. Trong bối cảnh hiện tại, doanh số bán hàng xe số, theo đại diện Toyota đã “không còn là sự bền vững”.

Theo Nikkei Asia Review, tập đoàn này vừa công bố kế hoạch phát triển một nền tảng phần mềm riêng trên xe ô tô, xử lý từ những tác vụ cơ bản cho đến tính năng nâng cao, ví dụ như chế độ tự lái. Kế hoạch này được tập trung hoàn thiện thông qua việc tăng cường tuyển dụng đội ngũ chuyên gia phần mềm.

Arene, tên của hệ điều hành được phát triển riêng bởi Toyota, dự kiến sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 2025. Theo Toyota, hệ điều hành này được mở cho các nhà sản xuất khác và được cập nhật trực tuyến thường xuyên.

Toyota không phải tập đoàn tiên phong trong việc phát triển hệ điều hành xe hơi. Những đối thủ như Volkswagen, Tesla hay General Motors cũng đang đầu tư vào công nghệ này.

Trong đó, nổi bật nhất là Tesla với tham vọng tạo ra một phương tiện tự lái hoàn toàn (cấp độ số 5). Đây cũng là mục tiêu nghiên cứu phát triển của một số tập đoàn công nghệ như Huawei, Apple, Google.

Trong bối cảnh cuộc đua xe điện đang nóng lên, cuộc đua tích hợp công nghệ trên xe hơi cũng thu hút không kém. Thực tế, theo các chuyên gia quốc tế, ngành xe hơi đang trải qua cuộc cách mạng mang tên CASE (connected – kết nối; autonomous – tự hành; shared and services – chia sẻ và giá trị; electrified – điện khí hóa).

Theo hãng nghiên cứu Lux Research, đến năm 2030, phần mềm và các thiết bị điện tử, công nghệ sẽ chiếm khoảng 50% chi phí của một chiếc xe. 

Các ứng dụng công nghệ đặc biệt quan trọng khi xe điện trở nên phổ biến, đặc biệt là ứng dụng theo dõi tình trạng pin và nguồn điện của xe ô tô. Công nghệ giúp xe điện vận hành với hiệu suất tối đa, giảm thiểu lo ngại của người dùng về quãng đường di chuyển hay sự an toàn của pin sạc.

Những tính năng như trí tuệ nhân tạo (AI), cập nhật phần mềm từ xa, quản lý xe qua điện thoại thông minh cũng là những công nghệ nổi bật, được ứng dụng trên một số sản phẩm xe điện như xe VF e34 của VinFast. 

Tập đoàn Vingroup, cùng với tập đoàn Phenikaa đã phát triển thành công 2 mẫu xe điện tự hành cấp độ 4 đầu tiên tại Việt Nam, cấp độ tự hành cao nhất được phát triển thành công trên toàn thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Một số sản phẩm xe điện của VinFast cũng đã được tích hợp hệ thống tự hành cấp 2 và cấp 3.

Sự thay đổi chiến lược của các hãng xe hơi được cho là sẽ tác động sâu sắc tới những nhà cung ứng tiềm năng là nhóm doanh nghiệp về công nghệ, ví dụ như Foxconn hay Intel.