Xuất khẩu khẩu trang y tế phải có giấy phép của Bộ Y tế

Nhật Hạ - 14:49, 29/02/2020

TheLEADERMặt hàng khẩu trang y tế chỉ được phép xuất khẩu với mục địch viện trợ, hỗ trợ quốc tế và có giấy phép xuất khẩu của Bộ Y tế.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.

Nghị quyết nêu rõ, Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước).

Quy định trên không áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và doanh nghiệp gia công khẩu trang y tế cho thương nhân nước ngoài đã ký hợp đồng gia công trước ngày 1/3/2020.

Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính ban hành hồ sơ, trình tự và thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 và hướng dẫn về tiêu chuẩn khẩu trang y tế.

Chính phủ giao Tổng cục hải quan phối hợp giám sát việc xuất khẩu khẩu trang y tế. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất có trách nhiệm báo cáo về năng lực sản xuất theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Xuất khẩu khẩu trang y tế phải có giấy phép của Bộ Y tế
Công nhân sản xuất khẩu trang tại công ty thành viên Vinatex

Trước đó, Bộ Y tế đã công bố danh sách 22 doanh nghiệp trên cả nước sản xuất khẩu trang y tế 3 lớp, 4 lớp với tổng công suất sản xuất dự kiến 2.107.000 chiếc/ngày. 

Ngoài ra, 2 doanh nghiệp khác có khả năng sản xuất 82.000 chiếc khẩu trang N95/ ngày (lọc 95% các hạt siêu nhỏ có kích thước đến 0,3μm). Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang sản xuất dưới công suất bởi không có nguyên liệu. 

Trong bối cảnh nhu cầu khẩu trang y tế, nước sát trùng tăng mạnh ở mùa dịch, Chính phủ đã quyết định miễn thuế với nguyên liệu sản xuất khẩu trang, nước sát trùng cũng như hoá chất phục vụ sản xuất các sản phẩm chống dịch. 

Theo thông tin từ Bộ Công thương, 2 loại nguyên liệu chính để sản xuất khẩu trang y tế là vải không dệt và màng lọc kháng khuẩn. Trong đó, trong nước đã sản xuất được vải không dệt và thời gian tới có thể tăng cường sản lượng nhưng không nhiều.

Riêng màng lọc kháng khuẩn, Việt Nam hiện phải nhập khẩu từ Trung Quốc đến khoảng 70%; 30% còn lại nhập từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Ai Cập, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu.

Tuy nhiên, hiện nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc không thể nhập do quốc gia này cấm xuất khẩu cả sản phẩm, nguyên liệu và máy móc sản xuất khẩu trang. Hàn Quốc và Nhật Bản rơi vào tình trạng khan hàng, không có nguồn cung để xuất khẩu; còn nhập từ châu Âu thì giá rất cao.

Do đó, nhiều doanh nghiệp đang liên hệ nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ nhưng cũng đang gặp khó khăn trong giao dịch và giá cũng tăng rất mạnh.