Xuất khẩu thủy sản được dự báo tăng vọt trong quý II

Nhật Hạ - 16:04, 09/05/2022

TheLEADERTiếp nối đà tăng kỷ lục trong quý I, xuất khẩu thuỷ sản được dự báo quý II sẽ đạt 2,8 – 3 tỷ USD, tăng khoảng 36 - 38% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu thủy sản được dự báo tăng vọt trong quý II
Thị trường chính của cá tra vẫn là Trung Quốc và Mỹ

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục mang về hơn 1,1 tỷ USD trong tháng 4/2022 với mức tăng trưởng mạnh mẽ 47% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng, xuất khẩu thủy sản chạm mốc kỷ lục 3,65 tỷ USD, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Đáng chú ý, riêng tôm và cá tra đạt 2,31 tỷ USD. Đây là điểm sáng nhất trên bức tranh xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến nay. 

Trong tháng 4/2022, xuất khẩu cá tra tăng gấp hơn 2 lần với doanh thu 297 triệu USD. Nhờ đó, tính luỹ kế 4 tháng đầu năm 2022, ngành cá tra thu về nguồn ngoại tệ trên 950 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ và đã đạt đến khoảng 60% so với mục tiêu xuất khẩu cả năm 2022 (1,6 tỷ USD).

Thị trường chính của cá tra vẫn là Trung Quốc và Mỹ, chiếm tỷ trọng lần lượt là 32% và 24,5%. Cả hai thị trường đều ghi nhận tăng trưởng 3 con số trong 4 tháng đầu năm nay. Cụ thể, Trung Quốc tăng 161% đạt 306 triệu USD, Mỹ tăng 128% đạt hơn 232 triệu USD.

“Tôm và cá tra Việt Nam đều tăng trưởng mạnh tại các thị trường nhờ nhu cầu cao và giá xuất khẩu tốt. Sau 2 năm kiềm chế vì dịch Covid, nhu cầu tại các thị trường hồi phục và bùng phát mạnh, nguồn cung tại các thị trường không đủ đáp ứng, lạm phát giá gia tăng. Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine càng làm cho nguồn cung thuỷ sản toàn cầu thêm bất ổn, nhất là các sản phẩm cá thịt trắng”, Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định.

Các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã chớp được những cơ hội vàng để gia tăng xuất khẩu và chốt được những hợp đồng giá cao hơn nhiều so với năm 2021.

Một số doanh nghiệp thủy sản lớn đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý I/2022 như CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) lãi ròng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước, Nam Việt (ANV) lãi ròng gấp 3 lần, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (IDI) lãi ròng gấp 10 lần, CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) lãi tăng 37%...

'Bức tranh tươi sáng' của thủy sản Việt 2022

Tại thị trường Mỹ, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm, cá tra và các mặt hàng chủ lực khác đều ghi nhận tăng trưởng cao vọt 74% so với cùng kỳ năm trước khi thu về 842 triệu USD, nhất là mặt hàng cá tra.

Sự đột phá này đến từ các nguyên nhân: sản lượng cá da trơn của Mỹ giảm; lạm phát cao; thuế chống bán phá giá giai đoạn POR17 có lợi cho nhiều doanh nghiệp cá tra; số doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu sang Mỹ tăng; giá xuất khẩu cá tra trung bình sang Mỹ đạt đỉnh.

Riêng với ngành hàng tôm, VASEP nhận định, hiện nay tình hình lạm phát tại Mỹ tăng mạnh nhưng với các chính sách ổn định kinh tế của Mỹ thì nhu cầu tôm dự kiến vẫn tăng mạnh trong năm nay.

Với nhu cầu của thị trường trong thời gian tới, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm Việt Nam cũng đã nhanh chóng lên kế hoạch sản xuất, đáp ứng các hợp đồng đặt hàng.

Về thị trường Trung Quốc, hiệp hội này cho biết Covid bùng phát mạnh và chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc khiến cho xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này gặp ách tắc khi nhiều cảng nhập khẩu bị đóng cửa và việc kiểm tra Covid-19 trên hàng đông lạnh ngày càng khắt khe.

Tuy nhiên, do nhiều nhà máy tại Trung Quốc bị đóng cửa, sản xuất bị đình trệ nên thị trường này cũng thiếu hụt nguồn cung thuỷ sản cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của Trung Quốc đang gia tăng thu hút nhiều hơn số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang đây bất chấp những thách thức trên.

Xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc tháng 4 tăng gấp hơn 2 lần đạt 216 triệu USD. Luỹ kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này ước đạt 578 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước. Riêng mặt hàng cá tra chiếm 53% xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này.

Xuất khẩu thủy sản sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số trong 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục chiếm trọng lực chính, quyết định tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong những tháng tới. 

Dự báo xuất khẩu thuỷ sản quý II/2022 sẽ đạt 2,8 – 3 tỷ USD, tăng khoảng 36 - 38% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngành thủy sản năm 2022 được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng đột phá. Điều này được thể hiện qua các kế hoạch kinh doanh 'tham vọng' của các doanh nghiệp thủy sản lớn với mục tiêu doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.

Như 'nữ hoàng cá tra' Vĩnh Hoàn đã kỳ vọng doanh thu thuần 13,000 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ, dự kiến đem về 1,600 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm 2022, tăng 45%. Đây là kế hoạch cao nhất kể từ khi công ty được niêm yết vào năm 2007.

Lợi nhuận sau thuế của CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I năm nay ước tính tăng hơn 6 lần lợi nhuận năm 2021 lên trên 900 tỷ đồng; trong đó, mảng cá tra fillet vẫn mang lại khoản lợi lớn nhất 666 tỷ đồng.