Xuất khẩu thủy sản khó hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD

Kiều Mai - 15:35, 07/08/2023

TheLEADERTheo Vasep, dù trong kịch bản thuận lợi nhất, xuất khẩu thủy sản 2023 sẽ chỉ đạt mức 9 tỷ USD, giảm 15 – 16% so với năm ngoái.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) mới đây đã đưa ra hai kịch bản cho triển vọng xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm 2023.

Trong kịch bản thuận lợi, xuất khẩu thủy sản 5 tháng còn lại có thể đạt khoảng trên 4 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 đạt trên 9 tỷ USD, tương đương giảm 15 – 16% so với năm 2022.

Ở kịch bản kém lạc quan hơn, Vasep dự báo xuất khẩu 5 tháng cuối năm chỉ có thể đạt 3,5 – 3,7 tỷ USD. Tính cả năm 2023, dự báo xuất khẩu thủy sản mang về 8,5 - 8,7 tỷ USD.

Thậm chí, xuất khẩu hải sản có thể sẽ xấu hơn nữa, nếu kết quả thanh tra chương trình chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo quy định và không khai báo) của đoàn thanh tra EU vào tháng 10 tới không đạt được kỳ vọng tháo gỡ thẻ vàng.

Vasep nhận định, có ba yếu tố sẽ quyết định kịch bản lạc quan trong nửa cuối năm, trước hết là diễn biến kinh tế các thị trường lớn dự báo khả quan hơn, cộng với thực tế nhu cầu nhập khẩu của các thị trường như Mỹ và Trung Quốc đang có xu hướng tăng trở lại, khi lượng tồn kho đang vơi dần, và chuẩn bị đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và năm mới.

Yếu tố thứ hai là nội lực của doanh nghiệp và cộng đồng sản xuất chuỗi cung ứng thủy sản được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các điều kiện sản xuất kinh doanh, để giữ được nguồn cung nguyên liệu ổn định, đảm bảo có sẵn nguồn hàng khi thị trường có nhu cầu.

Cuối cùng, yếu tố giúp bức tranh xuất khẩu thủy sản lạc quan là các sản phẩm xuất khẩu có nguồn cung ổn định và có giá thành giảm, giá bán cạnh tranh trước các nước khác.

Xuất khẩu thủy sản khó hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD
Dù ở kịch bản nào, sự sụt giảm trong xuất khẩu thủy sản cũng đến từ hai ngành chủ lực là cá tra và tôm. Ảnh: Hoàng Anh/TL.

Ở chiều ngược lại, kết quả sẽ kém lạc quan khi thị trường đã có tín hiệu phục hồi, nhu cầu tăng trở lại, nhưng hàng thủy sản của Việt Nam vẫn khó cạnh tranh về giá và nguồn cung với các nước khác như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan.

Cùng với đó, các vấn đề của ngành chưa có giải pháp tháo gỡ trước mắt cũng như lâu dài, như giá thành sản xuất cao vì các chi phí đầu vào như thức ăn nuôi và con giống cao, thiếu vốn để duy trì đầu tư nuôi các vụ tới, hay tình trạng bà con bỏ ao, dẫn đến thiếu nguyên liệu đáp ứng đơn hàng nửa cuối năm.

Dù ở kịch bản nào, sự sụt giảm trong xuất khẩu thủy sản cũng đến từ hai sản phẩm chủ lực là cá tra và tôm. Trong đó, dự báo giá trị tôm xuất khẩu sẽ đạt khoảng 3,5 – 3,6 tỷ USD trong triển vọng lạc quan, giảm 16 – 18% so với năm ngoái. Với cá tra, Vasep dự báo sẽ giảm tới 28% so với năm 2022, đạt 1,7 – 1,8 tỷ USD.

Tại hội nghị về cá tra mới đây tại Cần Thơ, Phó tổng thư ký Vasep Tô Tường Lan, cho biết, tình hình 7 tháng đầu của năm 2023 cho thấy chưa có dấu hiệu phục hồi nào rõ ràng cho thị trường xuất khẩu cá tra những tháng tiếp theo. Đáng chú ý, giá cá tra xuất khẩu vẫn đi theo chiều ngang.

Về thị trường, Vasep nhận định, các thị trường chính sẽ mang về doanh thu ít hơn so với năm 2022, trong đó xuất khẩu sang Mỹ và Hàn Quốc sẽ giảm khoảng 1/4, sang EU sẽ giảm gần 1/5.

Thị trường Trung Quốc vẫn là kỳ vọng lớn nhất cho doanh nghiệp thủy sản hiện nay, khi giao thương đang dần trở lại bình thường.

“Hy vọng nửa cuối năm, kinh tế Trung Quốc ổn định hơn, thu nhập và tiêu dùng của người dân tăng dần, thị trường thích nghi bối cảnh mới. Khi đó, xuất khẩu thủy sản có cơ hội phục hồi lại, với dự đoán giá trị sang Trung Quốc và Hồng Kông tương đương năm ngoái, khoảng 1,8 tỷ USD”, Vasep cho biết.