Canada chần chừ, kế hoạch thông qua TPP-11 vào tháng 3 gặp thách thức

Minh Hoàng - 14:26, 22/01/2018

TheLEADERNgoài việc bị Tổng thống Mỹ Donald Trump 'quay lưng' vào năm ngoái, thỏa thuận của 11 thành viên mới lại vấp phải sự kháng cự từ Canada.

Canada chần chừ, kế hoạch thông qua TPP-11 vào tháng 3 gặp thách thức
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi tại cuộc họp báo TPP vào ngày 11/11/2017.

Các bộ trưởng thương mại sẽ nhóm họp tại Tokyo trong tuần này để đẩy nhanh quá trình thực hiện thỏa thuận thương mại TPP.

Ngoài việc bị Tổng thống Mỹ Donald Trump 'quay lưng' vào năm ngoái, thỏa thuận của 11 thành viên mới lại vấp phải sự kháng cự từ Canada.

Các nước thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay còn được gọi là TPP 11, đã đạt được các thoả thuận cơ bản vào tháng 11/2017, bên lề Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam.

Tuy nhiên, Canada đang làm tiến trình này chậm lại bằng cách viện cớ bảo vệ các ngành công nghiệp văn hoá, như điện ảnh, truyền hình và âm nhạc và tuyên bố sẽ không ký kết thỏa thuận mà các thành viên khác hy vọng sẽ kết thúc vào tháng 3.

Điều này phủ bóng đen lên cuộc họp của các quan chức thương mại từ các quốc gia thành viên trong tuần này tại Tokyo và đặt ra câu hỏi về những lợi ích kinh tế của một hiệp ước không có Canada.

Rajiv Biswas, kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại IHS Markit nói: "Tác động kinh tế tổng thể của CPTPP sẽ bị giảm đáng kể nếu Canada, một nước thuộc nhóm G7, trì hoãn đưa ra quyết định".

Sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm ngoái, Nhật Bản đã giữ vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy một hiệp định thay thế.

Cùng với Australia và Mexico, Tokyo đã vận động thúc đẩy hiệp định nhằm loại bỏ rào cản thương mại và thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp đối với cả 11 quốc gia thành viên với tổng giá trị thương mại của cả khối đạt 356 tỷ USD vào năm 2016.

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho biết: "Ưu tiên của chúng tôi là cả 11 quốc gia thành viên sẽ tham gia, nhưng trọng tâm của chúng tôi là làm cho thoả thuận TPP mới có hiệu lực càng sớm càng tốt".

Các cuộc đàm phán ở Tokyo bắt đầu vào thứ Hai (22/1) dự kiến sẽ bàn luận về những khác biệt kỹ thuật về các quy tắc lao động và sở hữu trí tuệ nhưng không kết luận rằng các nước thành viên sẽ nhanh chóng tiến tới ký kết hiệp định.

Canada, nước có nền kinh tế lớn thứ hai trong khối sau Nhật Bản, cũng không hài lòng về quy tắc yêu cầu xuất xứ cho ô tô. Trong khi đó, Việt Nam cũng không muốn đáp ứng các điều khoản về cải thiện quyền cho lực lượng lao động, mặc dù Hà Nội vẫn khá 'mặn mà' với hiệp định.