Châu Âu không còn là ‘con bệnh’ của nền kinh tế thế giới

Linh Lan - 16:54, 14/11/2017

TheLEADERKinh tế châu Âu đang dần quay trở lại thời kỳ hoàng kim.

Châu Âu không còn là ‘con bệnh’ của nền kinh tế thế giới
Ảnh: Getty Images

Khu vực đồng tiền chung gồm 19 quốc gia đang có mức tăng trưởng mạnh nhất trong vòng một thập kỷ qua. Các nhà kinh tế tại Tập đoàn tài chính Credit Suisse Group AG và Oxford Economics tuyên bố rằng khu vực đang tiến tới giai đoạn tăng trưởng với mức lạm phát thấp.

Trước đó, châu Âu vốn là khu vực bị trì trệ từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, dẫn đến các khoản nợ quốc gia khổng lồ, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục và tình trạng giảm phát nghiêm trọng đe doạ sự sống còn của liên minh tiền tệ khu vực.

Mặc dù chưa thể bù đắp hết những mất mát trong những năm đen tối, đồng thời mức năng suất vẫn còn yếu, tuy nhiên, sự phục hồi ít nhất cũng mang đến niềm hy vọng rằng những vết sẹo sẽ bắt đầu lành lại.

"Đây là mức tăng trưởng tốt nhất của khu vực đồng euro”, ông Nathan Sheets, cựu chuyên gia kinh tế quốc tế tại Cục Dự trữ Liên bang và Kho bạc Mỹ, nói.

Sự phát triển này còn rất nhiều tiềm năng để phát huy, theo bà Angel Talavera, nhà kinh tế tại Oxford Economics, London. Ủy ban châu Âu tuần trước đã đưa mức dự báo tăng trưởng năm 2017 lên 2,2% từ mức 1,7% vào tháng 5.

Trong một báo cáo vào hôm thứ Hai (13/11), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tăng trưởng ở khu vực châu Âu - bao gồm cả khu vực đồng euro cũng như các nền kinh tế đang phát triển ở Trung và Đông Âu, đang có một tác động lan tỏa tích cực đến phần còn lại của thế giới. Những triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế khu vực đã khiến IMF phải sửa đổi triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong tháng 10.

Đối với khu vực đồng euro, các nhà kinh tế được khảo sát đã tăng dự báo tăng trưởng của mình lên 8 lần trong năm nay. Dữ liệu được Bloomberg Economics đưa ra vào hôm thứ Ba (14/11) cho thấy khu vực này đã tăng trưởng 0,6% trong quý III, nhanh hơn xu hướng dài hạn.

Viễn cảnh tươi sáng cho khu vực đồng euro thể hiện sự tương phản rõ rệt với triển vọng kinh tế của nước Anh, nơi đang rơi vào tình trạng không rõ ràng xoay quanh ‘vụ ly hôn’ với Liên minh châu Âu, làm giảm đầu tư và làm đồng bảng Anh suy yếu.

Tuy nhiên, những vết thương vẫn đang gây tổn thương cho khu vực đồng euro. Mức tăng năng suất vẫn còn thua xa mức được ghi nhận vào đầu thiên niên kỷ và 1/4 những người trẻ không thể tìm được việc làm.

Bên cạnh đó, các vấn đề chính trị khác, như việc Catalonia đòi độc lập khỏi Tây Ban Nha, có thể sẽ gây ra những vết thương mới. Theo Chủ tịch ECB ông Mario Draghi, các cú sốc chính trị quốc tế là nguồn rủi ro chính.

Để bảo vệ nền kinh tế, ECB đã công bố sẽ tiếp tục mua nợ từ khu vực công và khu vực tư nhân trong năm tới và sẽ không tăng lãi suất trong một thời gian dài sau đó, nhằm tạo điều kiện cho một chính sách tiền tệ mở rộng.

Theo đó, việc làm tăng trưởng sẽ thúc đẩy tiêu dùng cá nhân, trong khi xuất khẩu được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ thương mại toàn cầu mạnh mẽ.

Phó chủ tịch ECB Vitor Constancio khẳng định: "Tất cả các chỉ số mới cho thấy sự tăng trưởng có thể mạnh mẽ hơn nữa và điều này sẽ không làm tôi ngạc nhiên”.

Chính sách tài khóa cũng đóng góp vào sự tăng trưởng này. Trong nhiệm kỳ thứ tư của Thủ tướng Angela Merkel, Đức đang xem xét tiến trình cắt giảm thuế.

"Có lý do chính đáng để tin tưởng rằng khu vực đồng euro sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2018”, các nhà kinh tế tại Credit Suisse nhận định.