Citigroup: Các thị trường mới nổi giờ đã 'trưởng thành'

Minh Hoàng - 11:18, 12/12/2017

TheLEADERTheo các nhà phân tích chính trị hàng đầu của Citigroup, thị trường mới nổi (EM) không còn là 'người mới' trong khu vực đầu tư nữa.

Citigroup: Các thị trường mới nổi giờ đã 'trưởng thành'
Các tòa nhà chọc trời ở khu vực trung tâm Jakarta, Indonesia, một quốc gia thuộc nhóm "thị trường mới nổi". Ảnh: Didier Marti/Getty Images.

Trong báo cáo mới nhất về chiến lược toàn cầu, bà Tina Fordham, Trưởng nhóm phân tích chính trị toàn cầu của Citygroup tập trung vào triển vọng đối với các thị trường mới nổi.

"Các thị trường mới nổi đã có sự thể hiện tốt trong năm 2017 và sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2018", bà nói.

"Mặc dù EM sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, tuy nhiên khả năng chống lại các cú sốc đang chứng tỏ rằng khu vực này đã trưởng thành", bà nói thêm.

EM đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong giai đoạn các chương trình nới lỏng định lượng (QE) bắt đầu từ năm 2008 và 2009 bởi các ngân hàng trung ương ở khu vực đồng euro và Cục dự trữ liên bang Mỹ. Các nhà đầu tư đổ tiền vào EM với mục đích tìm kiếm lợi nhuận cao hơn trong bối cảnh lãi suất thấp. 

Mặc dù các nền kinh tế chủ chốt đang cắt giảm các chương trình QE của họ, vốn là một yếu tố quan trọng đằng sau quyết dịnh của các nhà đầu tư đến EM, nhưng bà Fordham và các đồng nghiệp tại Citi nói rằng, các thị trường mới nổi đang có dấu hiệu hồi phục và trưởng thành hơn, xứng đáng có được sự quan tâm của thị trường toàn cầu.

"EM với mức tăng trưởng vượt trội vẫn sẽ là một chủ đề xuyên suốt của thế giới trong thời gian gần đây và điều này sẽ tiếp tục kéo dài vào năm 2018. Với lợi ích kỳ vọng hấp dẫn hơn các thị trường phát triển và khả năng chịu đựng các cú sốc tốt hơn, EM đã phát triển nhanh chóng và ngày càng được chú ý hơn", báo cáo cho biết.

Bà Fordham nói rằng, các yếu tố thúc đẩy dòng tiền vào EM trong năm 2017 vẫn sẽ được giữ vững, bao gồm cả việc các đồng tiền của EM không bị định giá quá cao, tài khoản vãng lai vẫn ổn định và dự trữ ngoại hối tăng mạnh.

Bên cạnh những triển vọng kinh tế, các thị trường phát triển rõ ràng cũng còn nhiều việc cần giải quyết.

Các rủi ro toàn cầu do Citi đề cập đến 'đa dạng' từ chính trị đến kinh tế, với các rủi ro chính đến từ việc các ngân hàng trung ương lớn đang thắt chặt chính sách tiền tệ mở rộng của họ.

Đối với EM, còn có những rủi ro bên ngoài khác, ví dụ như suy thoái ở Trung Quốc có thể gây tổn hại đến tăng trưởng đầu tư và xuất khẩu, và "những rủi ro đặc thù" của từng nước như các cuộc bầu cử hay xung đột địa chính trị.