Danh tướng Trần Khánh Dư và triết lý thực dụng đỉnh cao

Đỗ Xuân Tùng* - 09:00, 01/05/2018

TheLEADERThực dụng nhưng hiệu quả, đó là cách mà Trần Khánh Dư tạo nên tên tuổi của mình - điều mà bất kì doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng thời nay.

Danh tướng Trần Khánh Dư và triết lý thực dụng đỉnh cao
Trần Khánh Dư, hiệu là Nhân Huệ vương, là một chính khách, nhà quân sự Đại Việt dưới thời đại nhà Trần

Đời nhà Trần tại Việt Nam là một giai đoạn phát triển rực rỡ, vì những cá nhân kiệt xuất liên tiếp xuất hiện và có nhiều cơ hội để thể hiện tài năng của họ trong thời kỳ này.

Tôi yêu thích và thấy nổi bật ở những mảng võ công, ngoại giao, tâm linh. Dù đó là Trần Nhật Duật, Trần Tung (Tuệ Trung Thượng Sỹ) hay Trần Khánh Dư thì họ cũng là những gương mặt không thể bị nhầm lẫn, là những đỉnh cao chói lọi trong lĩnh vực của riêng họ.

Bài này tôi dành để nói về Trần Khánh Dư và cách nhìn của ông.

Tôi cũng chỉ mới biết ông gần đây, qua một câu nói rất nổi tiếng của ông được Ngài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trích dẫn trong sách binh thư của mình:

“Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận.

Người giỏi bày trận thì không cần phải đánh.

Người giỏi đánh thì không thua.

Người giỏi thua thì không chết”.

Phân tích từng câu và đặt trong bối cảnh chúng ta mới thấy ý nghĩa của từng phần.

1. Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận

Vì tướng là đầu, quân là thủ túc, nếu đã cầm quân giỏi thì ngoài binh thư còn phải giỏi cả dụng nhân, biết ai tài hay yếu ở đâu và dùng vào lúc nào thì đắc địa. Thời phong kiến, đã đi theo minh chủ tức là toàn tâm toàn ý, coi họ như đức chúa Trời của mình, họ muốn mình lao vào chỗ chết thì mình cũng tuân theo.

Do vậy, nếu là người nắm được nhân tâm, thì có thể khiến cho quân bộ hạ không chỉ tuân mệnh mà còn biết rõ chủ tướng muốn gì và làm bằng được theo cách mà ông ta muốn. Thế mới thấy, nắm được nhân tình quan trọng nhất, dù cho ở trình độ nào! Như Lưu Bị chỉ cần làm dân chúng thấy mình nhân ái mà đi theo chứ đâu có cần phải nổi bật về mặt nào đó!

2. Người giỏi bày trận thì không cần đánh

Xét về cách đánh của gươm giáo từ trước thời có súng đạn, thế trận là rất quan trọng, Bày xong trận là đã đủ để xét bên nào thắng. Trận ở đây được hiểu là cách bố trí các bộ phận nhân mã theo quân thiết kỵ, khinh kỵ, bộ binh, cung tiễn phù hợp với diễn tiến từng trận. Bố trận đúng cách thì quân định nhìn vào đã thấy kinh hãi, tự thấy kém mà run sợ do vậy mà thua.

Hơn nữa khi sáp trận, bố trí thông minh đánh vào chỗ yếu, tránh được chỗ mạnh của địch cũng khiến cuộc chiến dần tạo ưu thế cho bên giỏi hơn, như khi Alexander Đại đế đánh với Hoàng đế Ba tư Darius, thế trận ô vuông giúp quân của ông dù ít hơn nhưng cầm cự lâu hơn, tạo đủ thời thế cho kỵ binh tấn công vào trung tâm của quân Ba Tư.

Giỏi bày trận thì đã thắng tới 50%, đó là ý nghĩa của câu này và nó chuẩn không chỉ trong binh bị mà còn cả trong làm ăn kinh tế thời nay, khi biết bổ nhiệm ai vào vị trí nào và có chiến lược cho họ tiến lên hay bảo vệ cho lợi ích và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Có thể nói, câu số 1 và số 2 trên đây tuy ngắn gọn nhưng lại cực kỳ ý nghĩa vì nó nói tới chiến lược chung để giành thắng của các tổ chức. Hai câu tiếp theo ở mức thấp hơn, có thể coi là ở mức chiến thuật trong chiến tranh.

3. Người giỏi đánh thì không thua

Chuyện này dễ dàng hơn nhiều, dù cho bố trận không được tốt, nhưng biết cách tận dụng kỹ năng hơn hẳn của bên mình để giành thắng lợi thì cũng đã là xuất sắc!

Nhưng riêng trong câu này thôi đã khiến người ta phải nghĩ và nghĩ kỹ thì thấy thêm ra được hàm ý sâu sắc của ông. Ở đây là phần “không thua” chứ không phải lúc nào cũng thắng! Trong một số trường hợp dù cho có giỏi hơn hẳn đối thủ nhưng lực không mạnh, quân không đông thì cũng đừng mong thế thắng, hoà là may rồi! Dân gian đã tổng kết một câu tương tự rất hay “Buôn tài không bằng dài vốn!”.

4. Người giỏi thua thì không chết

Càng ở mức chiến thuật càng thể hiện sự già dặn của một mãnh tướng! Không thể nói là không bao giờ thua trong đời, người giỏi còn có người giỏi hơn, tới Khổng Minh cuối đời mà còn thua cậu trai trẻ Khương Duy. Do vậy, việc được thua được coi là “việc thường ngày của nhà binh”.

Thua không mất tinh thần, thua vẫn giữ được một phần nhỏ để có thể “quy căn, phục mệnh” mà báo thù, lật ngược thế thua ở những lần đánh tiếp theo, đó mới là bậc chí nhân nhìn xa trông rộng. Câu nói của dân Mỹ “Mong chờ cái tốt đẹp nhất, chuẩn bị cho cái xấu nhất” cũng chỉ cao tới mức ấy mà thôi!

Khi có sự chuẩn bị kỹ càng cho cả chiến thắng và thua cuộc, người làm tướng có gặp cảnh mất hết quân chỉ sau một trận thì sẽ có phản ứng như Tào Tháo ở trận Xích Bích, cười ha hả, xoá bàn cờ làm lại. Câu này đúng với mọi việc trong thế gian, nhưng được cụ thể hoá bằng câu nói: “Tướng giỏi là tướng còn sống!”.

Có thể thấy, Trần Khánh Dư là một con buôn chính hiệu, ông thực dụng và có sẵn mọi phương án cho những việc mình làm, dù đó là làm kinh tế hay đi đánh giặc! Thời kỳ nhà Trần lịch sử thăng hoa nhờ những người như ông.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: Đỗ Xuân Tùng, Giám đốc Công ty Tư vấn và đào tạo Nhân Việt