Điều gì khiến các nhà cung cấp linh kiện Việt Nam được Samsung, Canon ưu ái?

Quỳnh Như - 11:05, 22/03/2018

TheLEADERMặc dù hiện tại ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử Việt Nam vẫn còn non kém so với Trung Quốc, Thái Lan nhưng tiềm năng phát triển là vô cùng lớn nhờ sự ưu ái từ các nhà sản xuất và lắp ráp lớn trên thế giới như Samsung, Canon, Mitsubishi...

Điều gì khiến các nhà cung cấp linh kiện Việt Nam được Samsung, Canon ưu ái?
Bảng mạch của chiếc điện thoại Bphone được sản xuất ở Việt Nam.

Các thống kê cho thấy, khoảng 77% lượng linh kiện ngành công nghiệp điện tử hiện vẫn được nhập khẩu từ nước ngoài. Các nhà cung cấp nội địa các sản phẩm linh kiện điện, điện tử chuyên dụng cùng linh kiện điện, điện tử cơ bản chỉ chiếm tỷ lệ khá thấp: lần lượt là 16% và 1,8%.

Trong khi đó, ví dụ như ngành linh kiện nhựa - cao su và cơ khí, các nhà cung cấp nội địa cung cấp khoảng gần 30%.

Nguyên nhân khiến ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) điện tử đi nhanh hơn các ngành khác là nhờ sự có mặt của các nhà sản xuất lớn đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản như Samsung, Canon, Mitsubishi… 

Theo TS. Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), tương lai của ngành CNHT điện tử rất sáng: "Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa lớn mạnh như kỳ vọng, ví dụ chúng ta mới sản xuất được bảng mạch trên 2 lớp chứ từ 6 đến 7 lớp là chưa làm được…, nhưng khách hàng khắp nơi trên thế giới từ Nga, Mỹ hay Nhật vẫn kéo đến".

Trong những cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp nước ngoài lớn, bà Bình thường đưa ra câu hỏi: Việt Nam chỉ có từ 30 đến 40 nhà cung cấp đủ yêu cầu, chúng tôi không thể kiếm ở đâu ra nhiều hơn, vậy tại sao các bạn không đến Trung Quốc hoặc Thái Lan? 

Tín hiệu đáng mừng ở chính câu trả lời nhận được từ những doanh nghiệp này đó là: Việt Nam là thị trường mới, "có cái ngờ nghệch và thật thà" mà họ thích và Việt Nam cũng có những tiềm năng tốt hơn rất nhiều so với Thái Lan hoặc Trung Quốc.

Do đó, theo bà Bình, nếu Việt Nam sản xuất tốt, thì không sợ không có cơ hội xuất khẩu hoặc tăng quy mô thị trường. Khi VASI làm hội chợ năm 2017, số lượng thành viên tăng gấp 3 lần so với năm 2016, từ 10 doanh nghiệp tham gia lên 30. VASI cũng chỉ phải tài trợ 1/3 số doanh nghiệp, chứ không phải toàn bộ như thời điểm 2016.

Theo lãnh đạo VASI, muốn tăng quy mô thị trường, kiếm được nhiều đơn hàng, đầu tiên, các doanh nghiệp cần phải biết đến các quy trình chọn nhà cung cấp của các doanh nghiệp đầu ra trong nước cũng như quốc tế.

Quy trình chọn nhà cung cấp của các doanh nghiệp đầu ra trong nước bao gồm ba chữ quan trọng nhất là QCD (Chất lượng – giá cả - thời gian giao hàng). Chất lượng chính là xem công nghệ và quy trình sản xuất, thiết bị và phương pháp kiểm tra chất lượng, hệ thống quản lý sản xuất và chất lượng, các biện pháp khắc phục và phòng ngừa.

Giá cả bao gồm tính cạnh tranh về giá, cấu trúc giá, minh bạch về giá và sự linh hoạt. Thời gian giao hàng sẽ nhìn tới khả năng quản lý chuỗi cung ứng, bộ phận đóng gói – logistic, quản lý kế hoạch sản xuất và giao hàng. 

Hiện tại, nhiều nhà sản xuất, ngoài QCD cũng rất quan tâm đến chữ E (môi trường), như Canon Việt Nam.

Còn nếu các doanh nghiệp quyết tâm tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, quy chuẩn còn khắt khe hơn rất nhiều. Yêu cầu bắt buộc: hàm lượng hóa chất, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn sản phẩm phải đúng quy chuẩn, tương ứng với các tiêu chuẩn như CE/UL, REACH, RoHS. 

Các yêu cầu chung bao gồm: phải có hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, năng lượng tức phải có LEAN, 6 Sigma, ISO 9001, ISO 14001, ISO 5001, IATF. Khuyến khích: CSR, phát triển bền vững với SA 8000, OHSAS 18001.

Một khảo sát năm 2016 của Trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SIDEC), có thể thấy các doanh nghiệp chúng ta đã nhận thức khá rõ vai trò của các giấy chứng nhận, khi 44,2% đã đạt các tiêu chuẩn quản lý như 5S, LEAN, 6 Sigma; 64,1% có giấy chứng nhận quản lý chất lượng như ISO 9000, ISO 9001; 16% có giấy chứng nhận quản lý môi trường như ISO 14000, ISO 14001.

"Để có thể chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có chiến lược phát triển cụ thể, chủ động kết nối với các nhà sản xuất đầu ra cũng như doanh nghiệp cùng mảng. Về sản xuất, phải chú trọng ba chữ QCD, cập nhật liên tục các tiêu chuẩn quốc tế, luôn chú tâm cải tiến/đổi mới công nghệ, quản lý", bà Bình khẳng định.

Cũng theo vị lãnh đạo VASI, về thương mại, nhất định doanh nghiệp phải giỏi ngoại ngữ, ít nhất là tiếng Anh, đầu tư thích đáng cho các công cụ bán hàng và thông tin phải chi tiết, cụ thể, hữu ích.