Doanh nghiệp châu Âu 'mong đợi từng giờ' Chính phủ sửa đổi Nghị định 38

Hà Chính - 09:10, 23/01/2018

Đối thoại với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các doanh nghiệp châu Âu đánh giá dự thảo mới nhất sửa đổi Nghị định 38 về an toàn thực phẩm là “cực kỳ thuận lợi” và nếu Nghị định có hiệu lực ngay thì “không biết nói thế nào để cảm ơn Chính phủ”.

Doanh nghiệp châu Âu 'mong đợi từng giờ' Chính phủ sửa đổi Nghị định 38
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị đối thoại. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 22/1, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tổ chức hội nghị đối thoại về các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đây là hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lần thứ 4 được Hội đồng tổ chức và là lần đầu tiên của năm 2018.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cũng cho biết trong năm 2017, Việt Nam tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng. Cả nước có 126 ngàn doanh nghiệp thành lập mới, khi các bộ ngành, địa phướng cắt giảm, đơn giản hóa trên 5 nghìn thủ tục hành chính, cắt giảm, sửa đổi nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Sửa đổi Nghị định 38: Sẽ có hiệu lực ngay

Bộ trưởng cũng cho biết ngay trong sáng nay, 22/1, ông đã chủ trì một cuộc làm việc với các bộ ngành và hiệp hội doanh nghiệp về sửa đổi Nghị định 38 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm.

Theo đó, sẽ có những thay đổi toàn diện về thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, như cho các doanh nghiệp công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; không còn việc kiểm tra chồng chéo giữa các cơ quan; áp dụng tối đa việc quản lý rủi ro trên cơ sở việc tuân thủ của doanh nghiệp; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; và áp dụng công nhận kết quả đánh giá của các nước khác.

“Như vậy, chúng tôi sẽ chỉ kiểm tra khoảng 5% số lô hàng nhập khẩu và hàng hóa sẽ được phân thành luồng xanh (doanh nghiệp không phải kiểm tra chuyên ngành, không phải làm thủ tục), luồng vàng, luồng đỏ. Tức là có thể giảm tới 90-95% số thủ tục các doanh nghiệp phải thực hiện”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin và cho biết Nghị định sẽ được trình Chính phủ tại phiên họp ngày 2/2 tới đây.

Cũng theo bộ trưởng, với tinh thần chủ động, quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế, quyết tâm cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, ngày 15/1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 08, theo đó cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh, tương đương 55% điều kiện kinh doanh do Bộ Công thương quản lý. Và sau dịp Tết nguyên đán, Thủ tướng sẽ chủ trì một hội nghị về logistics nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 1/10/2016, Văn phòng Chính phủ đã thiết lập hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp và cho tới nay, khoảng 1.000 kiến nghị đã được xử lý, giải quyết.

Với quyết tâm như trên của Chính phủ, năm 2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá tăng 14 bậc. Với phương châm 10 chữ của năm 2018 là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành, địa phương và nhất là Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng trong việc cải cách.

“Tại hội nghị hôm nay, chúng tôi rất mong được nghe ý kiến phản hồi của các đại biểu đại diện cho trên 1.000 doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam về các rào cản trong sản xuất, kinh doanh, đề xuất, hiến kế cho Chính phủ Việt Nam”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ và đề nghị các bộ ngành, cơ quan lắng nghe các ý kiến, trả lời doanh nghiệp một cách thỏa đáng theo tinh thần cầu thị, tiếp thu.

Doanh nghiệp châu Âu “mong đợi từng giờ’ Chính phủ sửa đổi Nghị định 38
Đại diện các doanh nghiệp châu Âu tham dự Hội nghị. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Hội nghị, 11 ý kiến từ đại diện các doanh nghiệp đã nêu ra hàng loạt vấn đề liên quan tới việc công nhận và thi hành các phán quyết trọng tài, tránh đánh thuế hai lần, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đấu thầu thuốc vào các cơ sở y tế, việc nhập khẩu các thiết bị y tế, thủ tục đầu tư nước ngoài trong ngành dược, quy định về thuốc bảo vệ thực vật, chính sách với ngành ô tô…

Các ý kiến cũng đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh. Ông Vũ Quốc Tuấn từ Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng của Eurocham cho rằng bản sửa đổi Nghị định 38 mà Bộ trưởng Mai Tiến Dũng vừa thông báo là “cực kỳ thuận lợi”, theo thông lệ quốc tế.

“Doanh nghiệp mong đợi việc ban hành Nghị định mới này không phải từng ngày mà từng giờ. Nếu Nghị định sau khi ký mà hiệu lực ngay lập tức thì phải nói là không biết nói thế nào để cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng và ngài Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng. Mong Chính phủ nhanh chóng phê duyệt và ban hành Nghị định mới này nhằm tháo gỡ rào cản thủ tục cho doanh nghiệp phát triển”, ông Tuấn nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết việc ban hành Nghị định mới sẽ được thực hiện theo trình tự rút gọn. “Hôm nay chúng tôi sẽ hoàn thiện dự thảo, từ ngày mai sẽ xin ý kiến các thành viên Chính phủ và dự kiến sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành”, Bộ trưởng thông tin thêm.

Gỡ vướng về thủ tục nhập khẩu ô tô

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông vận tải) đã trả lời doanh nghiệp.

Liên quan tới Nghị định 116 về sản xuất, kinh doanh ô tô, ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ GTVT cho biết hiện Thông tư hướng dẫn Nghị định này đang được trình lãnh đạo Bộ thông qua. Cơ quan soạn thảo đã họp kỹ với các doanh nghiệp, hiệp hội để theo đúng tinh thần Nghị định 116 và làm rõ các vướng mắc. Tuy nhiên, do có nhiều nội dung tương đối phức tạp, cần rà soát kỹ nên hiện chưa công bố dự thảo Thông tư, dự kiến sẽ công bố trong tuần này.

Doanh nghiệp châu Âu “mong đợi từng giờ’ Chính phủ sửa đổi Nghị định 38 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Eurocham. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng hỏi thêm về vấn đề rất được các doanh nghiệp quan tâm là về “giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài”, ông Hà cho biết dự thảo Thông tư đã quy định rất rõ. Theo đó, giấy này sẽ được cấp bởi các cơ quan, tổ chức được pháp luật nước ngoài công nhận, thừa nhận, gồm cả trường hợp pháp luật nước ngoài cho phép doanh nghiệp sản xuất ô tô tự chứng nhận chất lượng, tự chịu trách nhiệm.

Về một vướng mắc khác là quy định kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu, ông Hà cho hay dự thảo Thông tư mới cũng sẽ có các quy định theo hướng cắt giảm các hạng mục, quy trình kiểm định, phù hợp với xe nhập khẩu.

Tới đây, đại diện Tiểu ban Ô tô - xe máy của Eurocham cho hay họ rất mong đợi việc ban hành thông tư mới này.

Tạo rào cản sẽ bị ‘thổi còi’

Kết luận buổi đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ quan điểm của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính với từng vấn đề mà các doanh nghiệp kiến nghị, trong đó nhiều kiến nghị được Hội đồng đồng ý, thống nhất. Nhiều vấn đề trên thực tế đang được các cơ quan xem xét, giải quyết.

Hội đồng tiếp thu toàn bộ các kiến nghị, tiếp tục tổng hợp các vấn đề được nêu để báo cáo Thủ tướng, Chính phủ giao các bộ ngành liên quan xem xét, xử lý với trách nhiệm cao nhất và tinh thần cải cách mạnh mẽ.

“Ví dụ, việc chậm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 116 là việc không đáng có, doanh nghiệp đang rất cần. Nhưng quan trọng nhất là quy định phải đi vào thực tiễn, đừng tạo rào cản, xin cho, nếu cứ co kéo về Bộ là các cơ quan khác sẽ báo cáo Thủ tướng “thổi còi”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tham gia đối thoại chuyển tải tới các doanh nghiệp khác về những quyết tâm, nỗ lực và các giải pháp của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.