Gia nhập CPTPP: Thách thức lớn vẫn là bài toán thuận lợi hóa thương mại

Đặng Hoa - 09:18, 21/03/2018

TheLEADERTham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt những cam kết đã ký, đặc biệt trong việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan; đồng thời tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và công bằng.

Gia nhập CPTPP: Thách thức lớn vẫn là bài toán thuận lợi hóa thương mại
Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi tham gia CPTPP.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được 11 nước thành viên, trong đó có Việt Nam, ký kết vào ngày 8/3 vừa qua được các chuyên gia dự báo sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế của Việt Nam.

Theo đó, hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy tự do hóa lớn hơn về dòng vốn đầu tư, tạo điều kiện cho hoạt động thương mại xuyên quốc gia và bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ cho các thành viên. 

Bên cạnh đó, tham gia CPTPP sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà chúng ta đang có lợi thế; đồng thời giúp Việt Nam cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch.

Tuy nhiên, để có thể tận dụng được những nguồn lợi ấy, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức ở trên nhiều phương diện.

Trao đổi với TheLEADER, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là tận dụng được những cơ hội mà CPTPP mang lại đồng thời tối thiểu hóa được những tác động bất lợi.

Gia nhập CPTPP: Làm sao để biến thách thức thành cơ hội
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Ông Thành cho biết, tham gia CPTPP đòi hỏi tính tuân thủ rất lớn, đặc biệt, Chính phủ cần phải thay đổi khuôn khổ pháp lý nhằm thích ứng với những đòi hỏi cam kết mới mặc dù chi phí và công sức bỏ ra không hề nhỏ trong bối cảnh sự dịch chuyển của các nguồn lực, đặc biệt là chuyển dịch về vốn, có thể gây ra những rủi ro cho nền kinh tế vĩ mô.

Việt Nam càng ngày càng mở cửa với việc ký kết nhiều hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, cái gì cũng có hai mặt của nó. Tham gia vào một hiệp định lớn như CPTPP, những ngành được hưởng lợi là những ngành chúng ta có lợi thế như dệt may, da giày, nông sản thủy sản... 

Nhưng biến lợi thế ấy thành khả năng, lợi thế so sánh và biến lợi thế so sánh thành khả năng cạnh tranh cao, có lợi thế so sánh đậm lại không hề đơn giản.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo CPTPP có khả năng sẽ kéo theo tăng FDI và tiếp tục mở rộng các ngành dịch vụ. Theo đó, sẽ có sự chuyển hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh hơn sang các ngành công nghiệp thượng nguồn của các ngành được hưởng lợi nhiều như dệt, may mặc và da để tận dụng CPTPP.

Tuy nhiên, việc FDI tăng lên trong các ngành công nghiệp thượng nguồn không phải là không đi kèm chi phí. Do vậy, WB khuyến nghị Việt Nam cần đưa ra những chính sách khôn ngoan để lựa chọn công nghệ tiên tiến và dòng vốn FDI thân thiện với môi trường để tối ưu hóa tác động của hiệp định này.

Đối với những ngành mà chúng ta chưa có lợi thế hoặc không có lợi thế so sánh chẳng hạn như ngành chăn nuôi và một số ngành công nghiệp nặng, chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng, tham gia CPTPP không có nghĩa là thua cuộc vì nếu biết cách tối thiểu hóa tác động tiêu cực, biết học hỏi và nâng cao nguồn chất lượng nhân lực thì chúng ta vẫn có thể tìm được những phân khúc trong những lĩnh vực này để có được lợi thế kinh doanh và phát triển bền vững. 

Ông cho biết trên thực tế, các doanh nghiệp Việt cũng đang tìm cách để đi đúng hướng như vậy.

Lấy ví dụ ngành chăn nuôi là ngành Việt Nam không có lợi thế so sánh, ông Thành cho rằng nếu biết đánh vào những phân khúc đặc sản, đặc biệt và nâng cao chất lượng sản phẩm thì vẫn có thể có được giá trị gia tăng cao, vẫn có thể có được lợi thế quy mô nhờ thị trường.

Tham gia hiệp định CPTPP, Việt Nam sẽ phải thực hiện những cam kết đã ký về thuế suất, đặc biệt trong việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan. Ông Thành cho biết về cơ bản, thuế sẽ ngay lập tức giảm về 0% theo hướng đa chiều, nghĩa là Việt Nam mở cửa thị trường cho các nước thì các nước cũng phải mở cửa cho Việt Nam.

"Cũng có một số lĩnh vực các nhà đàm phán khéo hơn bằng việc đưa ra giai đoạn 3-5 năm để thuế đổ về 0% chẳng hạn như mức thuế đối với ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ về 0% trong giai đoạn 10 năm; tức là có một thời gian để chuyển đổi tốt hơn, học hỏi tốt hơn và giảm thiểu chi phí tốt hơn", ông Thành nhìn nhận.

Về vấn đề thuế sau khi Việt Nam tham gia CPTPP, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội (Hanoisme) cũng cho rằng, hiện nay sẽ phải có sự cân bằng giữa các nền kinh tế. 

Theo đó, điều quan trọng nhất là cần tìm hiểu về hàng rào thuế quan, các định chế của các quốc gia khi bước vào thị trường trong khối CPTPP nhằm tập trung phát triển các ngành nghề có lợi thế.

Khi thuế về 0%, các doanh nghiệp trong nước có nguy cơ thua ngay trên sân nhà do hàng hóa nước ngoài nhập vào với chất lượng tốt và giá rẻ. Do đó, muốn tồn tại và chiếm lĩnh thị trường, các doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, VSATTP, quy chuẩn kỹ thuật... và có chiến lược phù hợp tùy theo lĩnh vực kinh doanh.

“Chúng ta không thể va vào một tảng đá lớn như vậy mà thay vào đó cần phải biết cách đứng trên vai người khổng lồ; phải biết liên kết hợp tác và thương mại hóa các dòng sản phẩm khi vào thị trường đó”, ông Anh nhìn nhận.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, chính phủ Việt Nam cũng sẽ phải đẩy nhanh thực hiện những cam kết, đặc biệt về tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, công bằng và minh bạch.

Gia nhập CPTPP: Làm sao để biến thách thức thành cơ hội 1
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

"Nếu áp yêu cầu của CPTPP về thủ tục thông quan cho hàng hóa là 48 tiếng đồng hồ trong khi quá trình này hiện tại của Việt Nam là mười mấy ngày và vẫn còn rất nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, thì làm sao Việt Nam có thể tận dụng lợi ích của xuất nhập khẩu nếu như thông quan dài như vậy, làm sao Việt Nam có thể tránh được sự trừng phạt của các nước liên quan nếu Việt Nam không thực hiện được việc thông quan đúng hạn" bà Lan đánh giá.

Theo bà Lan, việc thuận lợi hóa thương mại sẽ là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong bối cảnh gia nhập sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do. Chẳng hạn WTO mặc dù đã được ký từ lâu nhưng Việt Nam vẫn chưa tháo gỡ nổi những điều kiện kinh doanh không cần thiết, cứ gỡ cái này lại mọc lên cái kia.

Có cùng quan điểm, đại diện Hanoisme cho biết, khi tham gia CPTPP, các chính sách của Việt Nam cần phải thay đổi để phù hợp với các cam kết đã ký, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, vừa thu hút đầu tư. Đặc biệt, cần có những thay đổi trong chính sách về hỗ trợ nguồn vốn, cần giảm lãi suất để cho vay, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo WB, kinh nghiệm sau khi gia nhập WTO cho thấy, Việt Nam không thể tận dụng ngay lập tức lợi ích của việc gia nhập WTO để thu hút và tiếp nhận dòng vốn FDI lớn do thiếu năng lực để tạo điều kiện cho các công ty có liên kết toàn cầu tham gia chuỗi giá trị cao do chi phí hậu cần cao và cơ sở hạ tầng đường xá, điện, cảng biển, dịch vụ hậu cần còn yếu kém cũng như các vấn đề phía sau biên giới.

“Nếu Chính phủ không đẩy mạnh tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng thì sẽ dần làm hạn chế quy mô của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không phát triển được do không tạo được chuỗi giá trị liên kết”, đại diện Hanoisme nhận định.

Gia nhập CPTPP: Làm sao để biến thách thức thành cơ hội 2
ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hanoisme.

Bên cạnh đó, ông Mạc Quốc Anh cho rằng công tác nguồn nhân lực cũng là một thách thức vì cần đáp ứng được tình hình cạnh tranh để thu hút lực lượng doanh nghiệp tập trung ở các ngành mũi nhọn như dệt may, da giày, các ngành nông nghiệp, thực phẩm sạch... 

Đồng thời, công tác thông tin, hướng dẫn thực hiện nghị định vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt tại các cấp cơ sở như cấp tỉnh thành, huyện, phường, xã.

“Các hiệp hội và doanh nghiệp cần chuyển từ thụ động sang chủ động trong việc tiếp cận các nguồn thông tin đặc biệt là thị trường trong khối CPTPP. Nếu có thể tạo nên một chuỗi giá trị liên kết trong nội khối với quy mô 500 triệu dân, các doanh nghiệp Việt có thể lớn mạnh và đủ tầm để cạnh tranh một cách công bằng và sòng phẳng”, lãnh đạo Hanoisme khuyến nghị.