Thời khắc "bơi hay chìm" của Việt Nam khi bỏ "phao" thuế quan ASEAN

Linh Lan - 14:12, 03/01/2018

TheLEADERCác biện pháp hội nhập sâu rộng này mang đến cả sự phấn khích và lo lắng cho các chính phủ, các nhà quản lý doanh nghiệp và cả người lao động.

Mặc dù gia nhập sau nhưng nhóm nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã tham gia sâu rộng và cam kết đầy đủ đối với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Là những thành viên gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á muộn nhất, bốn quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam bắt đầu tiến hành cắt giảm thuế nhập khẩu đối với đa số các mặt hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN khi AEC được thành lập vào cuối năm 2015.

Tuy nhiên, với việc AEC đẩy mạnh quá trình hội nhập bằng việc quyết định cắt giảm các rào cản thuế quan và phi thuế quan và nới lỏng các quy định đầu tư, nhóm 4 nước này, trong đó có Việt Nam phải cam kết đầy đủ theo các yêu cầu của cộng đồng, theo đó, tất cả các mặt hàng (ngoại trừ một số mặt hàng nhạy cảm) chính thức có mức thuế suất bằng không vào thứ Hai (1/1/2018).

Những cảm xúc trái chiều

Các biện pháp hội nhập sâu rộng này mang đến cả sự phấn khích và lo lắng cho các chính phủ, các nhà quản lý doanh nghiệp và cả người lao động.

"Tôi có nhiều hy vọng hơn là lo lắng", ông Lê Nguyên Hòa, Phó Chủ tịch HĐQT NutiFood, cho biết.

"Hội nhập thương mại sẽ tạo ra một khu vực tự do cho hoạt động kinh doanh, loại bỏ mọi rào cản phi thuế quan và mở ra những cơ hội mới để tiếp cận một thị trường lớn hơn, đồng thời tạo ra nhiều thách thức và cạnh tranh", ông nói thêm.

Trần Văn Tú, một người lái xe taxi ở TP.HCM cũng mang nhiều hy vọng hơn lo lắng: "Người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn để sử dụng các sản phẩm nhập khẩu với giá cả phải chăng, thay vì phụ thuộc vào các sản phẩm của Trung Quốc".

Tuy nhiên, nhiều người dân Việt Nam cũng không giấu được cảm giác căng thẳng. Anh Phạm Tấn Vũ, nhân viên phòng kiểm soát chất lượng của công ty chế biến thực phẩm Cholimex, cho biết: "tôi lo lắng nhiều hơn hy vọng, bởi khi thị trường mở cửa, các sản phẩm từ các nước khác trong khu vực sẽ tràn ngập thị trường, chẳng hạn như các sản phẩm từ Thái Lan".

Trong quá trình hình thành AEC, 10 nước thành viên ASEAN đã đồng ý hủy bỏ thuế quan, ngoại trừ các mặt hàng nhạy cảm như gạo. Khi AEC chính thức được thành lập cách đây hai năm, 6 quốc gia ASEAN đầu tiên - Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia và Brunei - ngay lập tức đã thông qua các quy định cắt giảm thuế suất này.

Thị trường ô tô Việt kém vui?

Thời khắc "bơi hay chìm" của Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập 1
Một nhà máy sản xuất ôtô ở tỉnh Vĩnh Phúc. Việc bãi bỏ thuế quan đã đưa ngành ô tô Việt đến một bước ngoặt quan trọng. Ảnh: Reuters.

Theo Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), 4 nước gia nhập sau, trong đó có Việt Nam được phép duy trì mức thuế đối với một số sản phẩm nhất định đến tháng 1/2018. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2015, nhóm 4 nước này cũng đã hoàn tất việc gỡ bỏ thuế cho 91% tất cả các mặt hàng.

Đối với các mặt hàng thuộc diện ân hạn, thuế quan đối với các nước trong khu vực chủ yếu là từ 5% trở xuống. Vì vậy, sự kết thúc của thời gian này không có nghĩa là giá nhập khẩu sẽ giảm đáng kể trên toàn thị trường. Tuy nhiên, có một ngoại lệ rõ ràng: đó là thị trường ô tô ở Việt Nam.

Thời khắc "bơi hay chìm" của Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập 2

Ông Koji Sako, nhà kinh tế học cao cấp của Viện nghiên cứu Mizuho, cho biết: "Ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế quan trong thời gian này đối với 4 quốc gia tham gia ASEAN có thể sẽ không đáng kể, nhưng ngược lại, thị trường ô tô ở Việt Nam có thể bị ảnh hưởng rất nhiều".

Việt Nam, thị trường với hơn 300.000 xe ô tô được bán ra mỗi năm, sẽ phải bãi bỏ mức thuế 30% đối với mặt hàng xe ô tô.

Việt Nam cũng có thể sẽ phải nhập thêm nhiều xe từ Thái Lan và Indonesia, nơi được các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đặt các nhà máy lớn. Theo một đại lý ô tô lớn tại Hà Nội, giá bán lẻ xe nhập khẩu tại Việt Nam dự kiến sẽ giảm ít nhất 10 - 20%.

Với tâm lý chờ giá giảm mới mua, nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã trì hoãn việc mua xe ô tô từ trong năm 2017. Doanh số bán ô tô mới giảm 10% trong năm xuống còn 245.000 chiếc trong giai đoạn từ tháng 1-11/2017.

Các nhà sản xuất trong nước đang lên kế hoạch để chống lại dòng chảy ồ ạt từ nước ngoài bằng các lộ trình cắt giảm giá của riêng mình.

Nhà sản xuất ô tô nội địa lớn nhất - Trường Hải Auto - dự định giảm giá (từ 170 - 926 USD) một số mẫu xe sản xuất theo hợp đồng cho hãng Kia Motors của Hàn Quốc và Mazda Motor của Nhật Bản, bắt đầu vào dịp Tết Nguyên đán, rơi vào khoảng giữa tháng 2/2018. 

Trong khi đó, Toyota cũng dự kiến sẽ giảm giá bán các mẫu xe bán chạy của mình, bao gồm Vios và Camry, với mức giảm từ 1.000 - 2.500 USD.

Để tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước, chính phủ Việt Nam đã quyết định cắt giảm 10 - 30% thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu. Tính đến thứ Hai (1/1/2018), những khoản thuế này không còn áp dụng cho các bộ phận cho xe 9 chỗ, xe với dung tích 2 lít hoặc các loại xe nhỏ hơn - những loại ô tô chiếm tới 70% số ô tô mới được bán trong nước.

Trong một động thái khác, chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 116 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô. 

Nghị định chính thức có hiệu lực vào ngày đầu tiên của năm 2018 này yêu cầu các nhà nhập khẩu ô tô phải nộp giấy chứng nhận chất lượng từ các cơ quan vận tải ở các nước xuất xứ.

Các nhà sản xuất nước ngoài có nghĩa vụ chứng minh khả năng thu hồi sản phẩm bị lỗi. Trước đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã kiến nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, và các cơ quan khác rà soát và trì hoãn việc thực thi Nghị định này trong vòng 6 tháng vì sẽ khiến nhập khẩu ô tô trở nên khó khăn hơn.

Ai đang thích ứng?

Thời khắc "bơi hay chìm" của Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập 3

Tuy nhiên, các cơ hội đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam không chỉ giới hạn trong ngành công nghiệp ô tô. Với tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Vào tháng 12, công ty bia của Thái Lan - Thai Beverage (Thai Bev) đã chính thức mua lại 53,65% cổ phần của Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE:SAB) trong một thương vụ trị giá 4,8 tỷ USD.

Các công ty Thái Lan đã và đang là nhà đầu tư tích cực tại Việt Nam. Central Group, một nhà bán lẻ lớn, đã mua lại siêu thị Big C và Nguyễn Kim. Tập đoàn Siam Cement, một công ty sản xuất vật liệu xây dựng lớn của Thái, cũng dự định đẩy mạnh các dự án M&A tại Việt Nam.

Dấu mốc AEC khiến các nhà đầu tư nội tăng tốc

Thời khắc "bơi hay chìm" của Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập 4

Tất nhiên, các công ty Việt Nam không chỉ giữ vị trí phòng ngự. Họ cũng đang tích cực mở rộng thị phần.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã mở nhà máy sản xuất đầu tiên của mình tại một khu công nghiệp ở Phnom Penh, Campuchia vào tháng 5/2016. Vinamilk cũng mở rộng hoạt động tại Thái Lan và Myanmar.

Tập đoàn Viễn thông Quân đội Việt Nam (Viettel) cũng đã tiến vào thị trường Myanmar vào tháng 1/2017 sau khi mở rộng hoạt động sang Lào và Campuchia.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, nhà phát triển bất động sản tại Việt Nam, đã xây dựng một khu phức hợp ở Yangon, Myanmar vào năm 2015.

Nền kinh tế năng động của nhóm 4 nước đến sau sẽ mang lại hơi thở mới cho AEC khi mà các nền kinh tế khác trong khu vực như Singapore, Malaysia và Thái Lan đang phải vật lộn với mức tăng trưởng chậm chạp, dân số già và thiếu hụt lao động.