Ngưỡng khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân từ 5 triệu/tháng chưa hợp lý

Thu Phương - 08:00, 23/01/2018

TheLEADERMột số chuyên gia kinh tế cho rằng, phương án tính thuế thu nhập cá nhân hiện hành của Bộ Tài chính với ngưỡng khởi điểm tính thuế từ 5 triệu đồng/tháng là chưa hợp lý.

Thu nhập tính thuế của người lao động bằng tổng thu thu nhập trong tháng trừ đi các khoản giảm trừ (trong đó, bản thân người nộp thuế được giảm trừ 9 triệu đồng, người phụ thuộc được giảm 3,6 triệu đồng/người) và các khoản bảo hiểm bắt buộc như BHXH, BHYT.

Ngưỡng khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân từ 5 triệu/tháng chưa hợp lý
Các biểu thuế thu nhập cá nhân hiện hành và 2 phương án sửa đổi theo đề xuất của Bộ Tài chinh.

Theo biểu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành, áp dụng thu thuế cho phần tiền thu nhập tính thuế từ 5 triệu đồng/tháng.

Ví dụ, một người có tổng thu nhập khoảng 16 triệu đồng/tháng và không có người phụ thuộc. Như vậy, 16 triệu đồng là khoản thu nhập chịu thuế của người lao động. Vì không có người phụ thuộc nên người này chỉ được giảm từ bản thân 9 triệu đồng cùng với 10,5% tổng thu nhập để đóng các loại bảo hiểm. 

Thu nhập tính thuế của người lao động trong ví dụ trên là 5,32 triệu đồng, theo biểu thuế của Bộ Tài chính, người lao động này sẽ phải nộp thuế TNCN ở bậc 1 với mức áp thuế 5% cho phần thu nhập này.

Ngưỡng khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân từ 5 triệu/tháng chưa hợp lý 1
TS. Bùi Tất Thắng

Nhìn nhận về mức tính thuế TNCN hiện hành, TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho rằng, mức tính thuế TNCN đối với thu nhập tính thuế từ 5 triệu/tháng là chưa hợp lý. 

Theo ông Thắng, mức áp thuế này quá thấp so với mặt bằng giá cả và mức sinh sống hiện nay của người dân. Điều này có thể dẫn đến những ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người lao động. 

Thuế TNCN và các sắc thuế khác đang được Bộ Tài chính dự kiến lên kế hoạch tăng chỉ tính toán trên cơ sở tăng nguồn thu mà không dựa trên việc nuôi dưỡng nguồn thu ổn định trong lâu dài cho nền kinh tế.

Việc tăng thuế cần lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia và trong dư luận, cân nhắc thật kỹ các yếu tố có thể tác động đến nền kinh tế, sức khoẻ của doanh nghiệp và cuộc sống người dân, ông Thắng cho biết.

Đồng quan điểm về vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nên điều chỉnh ngưỡng khởi điểm tính thuế là 10 triệu đồng/tháng là phù hợp. 

Bên cạnh đó, ông Long cho rằng, về mức chiết trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc nên bao gồm con chưa đến tuổi trưởng thành, bố mẹ già không còn sức lao động, không nên quy định số lượng các đối tượng phụ thuộc. Có như vậy mới tạo ra sự đồng tình của xã hội đối Luật thuế TNCN.

Đồng thời, biểu thuế lũy tiến từng phần 5 bậc nên quy định khoảng cách rộng ở các bậc thấp nhằm giúp người nộp thuế ở bậc thấp được hưởng lợi, giúp giả gánh nặng thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương của những người thu nhập thấp.

Mặt khác, để tránh việc chống thất thu thuế từ hiện tượng khai man thu nhập, gian lận thuế, theo ông Long, nên thay đổi mức thuế suất theo biểu thuế lũy tiến sao cho khoảng cách giữa các mức không quá chênh lệch. 

Mức tính thuế thu nhập cá nhân từ 5 triệu/tháng là chưa hợp lý 1
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Vị chuyên gia này đề xuất biểu thuế suất lũy tiến nên thay đổi thành 6 bậc: Mức thuế suất 5% cho các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập tính thuế 10 triệu/tháng; mức thuế suất 9% cho các đối tượng thu nhập từ 10 - 15 triệu/tháng; 

Mức thuế suất 13% cho các đối tượng thu nhập từ 15 - 30 triệu/ tháng; mức thuế suất 18% cho các đối tượng thu nhập từ 30 - 45 triệu/tháng; mức thuế suất 24% cho các đối tượng thu nhập từ 45 - 70 triệu/tháng, mức thuế suất 30% cho các đối tượng thu nhập trên 70 triệu/tháng.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Long, quy định hiện hành của Luật Thuế TNCN nêu rõ trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá tiêu dùng để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Trong khi đó, thực tế, các năm qua CPI đều tăng từ hơn 4 - 6%/năm (riêng năm 2015 CPI tăng chỉ 0,63%). Sau 4 năm từ 2013 - 2016, chỉ số CPI đã tăng tổng cộng 15,5%. CPI năm 2017 là 3,53%, do đó CPI cộng dồn tăng đến 19,03%. Như vậy, ước tính đến giữa năm 2018 thì CPI đã vượt mức 20% và khi đó, Chính phủ phải có phương án điều chỉnh.

Do đó, Bộ Tài chính cần bổ sung rõ trong luật như khi CPI tăng từ 20% trở lên, mức giảm trừ gia cảnh sẽ được điều chỉnh tăng tương ứng tối thiểu 20%. Lạm phát của Việt Nam hằng năm là điều tất yếu nên khi tính thuế TNCN phải căn cứ vào đó để đảm bảo đời sống thực tế của người lao động không bị ảnh hưởng, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định.

Góp ý về dự thảo Luật thuế TNCN của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho rằng, đối với mức thuế suất từng bậc, Bộ Tài chính cần có nghiên cứu đánh giá tác động của việc thay đổi biểu thuế, đảm bảo góp phần tăng tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị Bộ Tài chính cần bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo sự công bằng đối với người lao động có thu nhập thấp như quy định “Đối với thu nhập vãng lai thì khấu trừ theo thuế suất 10% đối với thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên từng lần chi trả”, người lao động có thu nhập chưa đến mức chịu thuế sẽ bị thiệt trong trường hợp bỏ quyết toán cuối năm.