Nhiều hãng bia quốc tế muốn nắm giữ các công ty bia Việt Nam

Anh Duy - 14:34, 15/11/2017

TheLEADERTheo các nhà phân tích, không chỉ có các nhà sản xuất bia châu Á như ThaiBev, Asahi hay Kirin, các hãng bia quốc tế như Anheuser-Busch InBev, Heineken và Carlsberg cũng muốn mở rộng sự hiện diện của họ tại thị trường Việt Nam.

Theo ông Trevor Stirling – một nhà phân tích tại Bernstein, HabecoSabeco là hai trong số những công ty bia hấp dẫn nhất toàn cầu chưa bị kiểm soát bởi các nhà sản xuất bia quốc tế. Ông cũng ước tính rằng cổ phần của Nhà nước tại Sabeco và Habeco lần lượt ở mức 5,3 tỷ USD và 1,1 tỷ USD.

Trung bình mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ khoảng 4,1 tỷ lít bia và nhu cầu này ngày càng tăng lên cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Theo Berenberg, Việt Nam hiện là nước có lượng tiêu thụ bia đầu người lớn thứ 5 tại châu Á.

Bên cạnh đó, số liệu từ nghiên cứu của Nielsen cũng chỉ ra rằng, thị trường bia đóng chai của Việt Nam trị giá khoảng 2 tỷ USD mỗi năm, chiếm 23% trong tổng doanh số toàn thị trường tiêu dùng nhanh và luôn đạt mức tăng trưởng hai con số.

Bà Javier González Lastra, một chuyên gia phân tích tại Berenberg gọi Việt Nam là “thiên đường bia”. Bà đánh giá thị trường bia tại đây là “một trong những thị trường bia lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới”.

Nguồn: Berenberg

Hiện Sabeco là công ty bia có giá trị nhất với thị phần khoảng 40%. Trong khi đó, Heineken - công ty sở hữu 5% cổ phần của Sabeco thật sự đã hưởng lợi rất nhiều từ sự tăng trưởng bùng nổ ở tại Việt Nam và hiện là nhà sản xuất bia có doanh số bán lớn thứ hai.

Theo Canadean and Bernstein, dòng bia Tiger và các nhãn hiệu khác cũng được hưởng lợi rất lớn từ nhu cầu ngày càng tăng của người Việt đối với dòng sản phẩm bia cao cấp, giúp tăng thị phần từ 17% trong năm 2009 lên 23% vào năm 2015.

Theo ước tính của Andrew Holland, chuyên gia phân tích của Société Général, Việt Nam đóng góp tới 10% lợi nhuận cho Heineken và chỉ đứng sau Mexico.

Tại thị trường bia Việt Nam, hiện Habeco đang là công ty lớn thứ ba về doanh thu và 17% cổ phần của Habeco được sở hữu bởi hãng bia Carlsberg của Đan Mạch.

Việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco đã bị trì hoãn nhiều năm qua và gần đây đang được thúc đẩy mạnh mẽ để hoàn thành trong năm 2017 hoặc đầu năm 2018. Tháng 9 vừa qua, ông Lê Hồng Xanh, Giám đốc điều hành tại Sabeco cho biết đã có 7 nhà sản xuất bia đăng ký mua cổ phần của công ty này.

Quá trình cổ phần hóa sẽ đặt ra vấn đề lớn về kiểm soát và theo đó, nhà nước hiện muốn giữ 1/3 số cổ phần tại các hãng bia để giành được tiếng nói nhất định trong các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Phan Đăng Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam và là một chuyên gia tư vấn cũng như cựu chủ tịch của Sabeco cho rằng: “Hiện chính phủ muốn giữ tỷ lệ sở hữu 36% để nắm được quyền phủ quyết. Đây chỉ là giai đoạn đầu tiên của đợt thoái vốn còn về lâu dài, chính phủ sẽ bán hết cổ phần”.

Trong vụ mua lại cổ phần tại Habeco, Carlsberg được xem là đơn vị có vị thế thuận lợi nhất với tư cách là cổ đông chiến lược sở hữu các điều khoản ưu tiên. Tuy nhiên, những cuộc thỏa thuận về giá cổ phần hiện vẫn còn phức tạp và chưa đi đến hồi kết.

Đối với Heineken, mối lo ngại về cạnh tranh có thể ngăn cản việc tăng cổ phần của công ty này tại Sabeco. Trong khi đó, việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco lại được xem là một cơ hội cho AB InBev - đối thủ lớn của Heineken trong việc tăng cường sự hiện diện của công ty này tại Việt Nam, đặc biệt là trong phân khúc cao cấp đang bị chiếm ưu thế bởi Heineken.

Mặc dù thị trường bia Việt Nam thật sự rất hấp dẫn nhưng hiện vẫn còn nhiều vấn đề tại đây. Ông Holland của Société Général cho biết: “Với mức tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, chắc chắn thị trường bia Việt Nam sẽ giảm tốc khi thiêu thụ bình quân đầu người ngày càng tăng lên”. Và theo ông, mối nguy cơ rõ ràng nhất đối với ngành bia là sự gia tăng các quy định từ phía nhà nước khi lợi ích của chính phủ tại ngành công nghiệp này bị giảm đi.