Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về mạng xã hội

Minh An - 09:23, 18/11/2017

TheLEADERNói về báo chí và mạng xã hội, theo Phó Thủ tướng, tinh thần chung của Chính phủ là chúng ta tạo điều kiện để phát triển mạnh nhưng đi đôi với quản lý thật tốt.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về mạng xã hội
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Quốc Hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có phần phát biểu tại Quốc hội trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn hôm 17/7.

Dẫn một loạt số liệu, Phó Thủ tướng nói, hiện nay trên thế giới có 7,5 tỷ người, trong đó 52% đã dùng mạng internet và 42% số người đã dùng mạng xã hội.

Ở Việt Nam chúng ta theo số liệu mới đây nhất là hiện nay có 67% số người Việt Nam dùng internet và khoảng 60% số người dùng mạng xã hội.

Hiện nay ở Việt Nam phần lớn khi nói về lĩnh vực này gần như thị trường là của các công ty nước ngoài, mạng xã hội theo đánh giá 95% thị phần là của nước ngoài. Thứ hai là công cụ tìm kiếm thì tới 98% là Google. Thứ ba về thư điện tử cũng 98% là Yahoo và Gmail. Tiếp đến về thương mại điện tử cũng 80% thị phần của nước ngoài. Tỷ lệ tốt nhất là trò chơi điện tử được 60%.

Như vậy, suy ra là thị trường quảng cáo trực tuyến các công ty nước ngoài, điển hình là Facebook và Youtube chiếm 80%, riêng số tiền của 2 công ty này năm vừa rồi là 350 triệu đôla.

“Chúng ta phải có thái độ kiên quyết hơn, ở các nước đều làm cả”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trung Quốc rất đặc biệt họ làm hoàn toàn mạng trong nước, nhưng như Bộ trưởng Trương Minh Tuấn có nói một số nước người ta quản lý tốt. Ví dụ như Nga thì facebook chỉ đứng thứ 5, Nhật Bản facebook đứng thứ 6 và Hàn Quốc facebook đứng thứ 7, đương nhiên là có công cụ pháp luật.

Một số nước cố gắng tạo ra các nhà cung cấp khác, tránh độc quyền hoặc người ta dùng các biện pháp kỹ thuật để chặn, lọc làm chậm lại khi cần thiết.

Cái gì tốt thì ưu tiên phát huy, cái gì không tốt phải ngăn chặn đúng pháp luật, đúng xu thế trên thế giới, không vi phạm các cam kết.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam

Theo Phó Thủ tướng, điều quan trọng cuối cùng đó là tuyên truyền, giáo dục, điển hình ở Đức, như một đại biểu đã nêu, một mặt người ta dùng pháp luật, nhằm vào các công ty nước ngoài hay lấy thông tin cá nhân của từng người dân, hay có các thông tin để phân biệt đối xử gây thù địch thì người ta ra điều luật.

Liên minh Châu Âu đã bắt tất cả các hãng lớn phải ký với cam kết với Liên minh Châu Âu phải thực hiện những điều đó.

Ở Đức người ta giáo dục chỉ có 37% số người dân Đức dùng mạng xã hội vì người ta ý thức được lên mạng xã hội là mất thông tin cá nhân.

Ở Thái Lan 83% số người Thái Lan dùng Internet so với 67% của mình, tức là họ còn nhiều hơn. Nhưng trước những đe dọa ảnh hưởng đến chính trị và kinh tế trong nước Chính phủ Thái Lan cũng có những biện pháp rất cương quyết.

Phó Thủ tướng khẳng định lại rằng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ ngành cần phải có một thái độ rõ ràng, dứt khoát và kiên quyết hơn, hoàn toàn phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế và các cam kết của Việt Nam nhưng phải đảm bảo.

“Chúng tôi tạo điều kiện phát triển nhưng phát triển kinh tế đồng thời phải đảm bảo ổn định chính trị, trật tự xã hội, phải đảm bảo phát triển văn hóa và con người Việt Nam, phải đảm bảo tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, không được xuyên tạc, bôi xấu, chia rẽ và gieo rắc những thông tin đi ngược lại chủ trương của Đảng, Nhà nước và văn hóa của Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Trước đó, trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề mạng xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói, bên cạnh những lợi ích về kết nối con người, chia sẻ kiến thức, sự phát triển của mạng xã hội mang lại những tác hại không nhỏ.

“Những thông tin bôi nhọ, những thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo ngày càng phát triển nhiều hơn”, Bộ trưởng nói

Nhiều người nói rằng mạng xã hội phát triển như vậy thì có nên sử dụng mạng xã hội nữa không?

Theo Bộ trưởng, chúng ta phải nhìn nhận rõ ta phải coi mạng xã hội là một phương tiện, một công cụ cho người dùng, như một con đường chúng ta đi trên con đường đó. Còn trách nhiệm của người sử dụng, bởi vì trên con đường đó có rất nhiều hạng người, có người tốt, có người xấu, thậm chí có kẻ cướp nên đừng coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu mà phải coi ý thức của người sử dụng mạng xã hội như thế nào là một vấn đề.

Hiện nay, ở Việt Nam khoảng 53 triệu người sử dụng Facebook, sử dụng Internet, tức là gần 70% người dân Việt Nam. Trong đó có một bộ phận, khoảng 1-2 triệu người mà năng lượng đen, năng lượng xấu của họ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường mạng xã hội.

“Việc ném đá nhau, nói xấu nhau, chì chiết, làm đủ cách hại lẫn nhau trên mạng xã hội rất nhiều là một thực trạng”, Bộ trưởng cho biết.

Nếu nói tốt ở trên mạng xã hội thì nhiều người, ít người vào và ít người quan tâm. Nhưng một lời lẽ xúc phạm nhau trên mạng xã hội và bất kỳ lý do gì cũng có thể xúc phạm nhau trên mạng xã hội đang là vấn đề nhức nhối.

Thậm chí, từ năm 2014 đến nay ít nhất có 5-6 trường hợp tự tử vì mạng xã hội, vì nội dung bôi nhọ trên mạng xã hội, tình trạng ném đá tập thể trên mạng xã hội.

Bộ trưởng cho biết, gần 5.000 clip ở trên youtube đã bị gỡ bỏ do có nội dung xâm hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước, Nhân dân xâm hại đến quyền của cá nhân.

“Chúng tôi đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài, tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng đồng thời khi đã hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.