Thêm một phiên đấu giá cổ phần nhà nước thất bại

Minh An - 15:06, 25/12/2017

TheLEADERPhiên đấu giá cổ phần Tổng công ty Sông Đà chỉ bán được 0,36% số cổ phần nhà nước mang ra đấu giá.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, chỉ có 790.900 cổ phần của Tổng công ty Sông Đà được bán thành công với giá bình quân 11.159 đồng trong phiên đấu giá sáng nay.

Như vậy, nhà nước chỉ bán được 0,36% số cổ phần mang ra đấu giá và chỉ thu về được 8,8 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ 51% cổ phần và bán đấu giá 48,82% cổ phần ra công chúng, tương đương 219,678 triệu cổ phần.

Cán bộ công nhân viên Tổng công ty Sông Đà sẽ được mua 822.000 cổ phần chiếm 0,18% vốn điều lệ.

Trước đó, Tổng công ty có kế hoạch bán 30% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên theo phương án cổ phần hóa cuối cùng, số cổ phần này được đưa ra đấu giá công khai.

Thêm một phiên đấu giá cổ phần nhà nước thất bại
Kết quả phiên đấu giá Tổng công ty Sông Đà

Tổng công ty Sông Đà có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, là đơn vị tổng thầu xây lắp và thi công các công trình giao thông, công nghiệp, dân dụng, điện, thủy lợi, tổ hợp các công trình ngầm; thi công và xử lý nền móng công trình; sản xuất truyền tải và phân phối điện; kinh doanh bất động sản.

Đến cuối năm 2016, tổng tài sản của Sông Đà là 31.901 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 586 tỷ đồng.

Sông Đà là nhà thầu lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng các công trình thủy điện tại Việt Nam trong các năm qua, ước tính 85% thị phần. Tuy nhiên tiềm năng phát triển các công trình thủy điện của Việt Nam không còn nhiều đồng thời quy hoạch điện quốc gia hướng đến việc tăng nguồn năng lượng tái tạo.

Trong định hướng phát triển sau cổ phần hóa, Tổng công ty đặt mục tiêu trở thành nhà thầu dẫn đầu trong xây dựng ở Việt Nam và ASEAN. Công ty cũng hướng đến là một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất và kinh doanh điện.

Sau khi cổ phần hóa, năm 2018, công ty đặt kế hoạch doanh thu 10.900 tỷ đồng và 430 tỷ đồng lợi nhuận. Năm 2019 doanh thu đạt 11.700 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng.

Đầu tháng 12, một đợt IPO công ty nhà nước khác cũng gặp thất bại là Becamex. Theo đó, chỉ có 6% số cổ phần Nhà nước mang ra đấu giá được bán thành công giúp Nhà nước thu về 588 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa Becamex sẽ IPO 23,63% vốn, tương đương 311,2 triệu cổ phần và bán cho nhà đầu tư chiến lược 25% cổ phần trong khi Nhà nước sẽ nắm giữ 51%.

Becamex là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản khu công nghiệp với 14 khu công nghiệp chủ yếu ở phía Nam, có tổng diện tích 10.500 ha chiếm khoảng 11% diện tích khu công nghiệp.

Với quy mô vốn điều lệ 13.170 tỷ đồng, bên cạnh lĩnh vực bất động sản - hạ tầng, Becamex IDC còn đầu tư vào nhiều lĩnh vực như đại học, bệnh viện, dược phẩm, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng…

Trong khi liên doanh VSIP mà Becamex sở hữu 49% vốn đóng góp phần lớn vào lợi nhuận của công ty thì mảng kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn. Dự án lớn nhất là Thành phố mới Bình Dương dù đã hoàn thiện hạ tầng nhưng chỉ thu hút được một lượng nhỏ cư dân về ở và tạo ra gánh nặng đầu tư lớn cho Becamex.

Với khối tài sản lớn, cổ phiếu Becamex được định giá 31.000 đồng/ cổ phần khi đấu giá. Tuy nhiên mức định giá này khiến nhà đầu tư e ngại trong khi hiệu quả kinh doanh và thanh khoản các tài sản của Becamex không cao.

Đến giữa năm 2017, tổng tài sản của công ty là 42.703 tỷ đồng, chủ yếu trong đó là hàng tồn kho bất động sản 18.722 tỷ đồng. Công ty cũng đang duy trì quy mô nợ vay ngắn và dài hạn gần 18.000 tỷ đồng.