Trung Quốc và những 'kế hoạch' bất động sản tỷ đô tại Việt Nam

Hồ Mai - 08:00, 19/09/2017

TheLEADERHầu hết các dự án lớn đều nằm tại khu vực phía Nam, có vị trí đắc địa gần sân bay, cảng biển, các khu đất vàng.

Làn sóng đầu tư bất động sản của các nhà đầu tư Trung Quốc vào thị trường Việt Nam trải rộng trên khắp các phân khúc, từ nhà ở, văn phòng cho thuê, khu công nghiệp đến bất động sản du lịch. Trong đó, hầu hết các dự án lớn đều nằm tại khu vực phía nam, có vị trí đắc địa gần sân bay, cảng biển, cũng như các khu đất vàng.

Giữa tháng 4/2017, Tập đoàn China Fortune Land Development (CFLD) đã thực hiện giao dịch mua lại cổ phần trong dự án Đại Phước Lotus của VinaCapital với giá 65,3 triệu USD. Đại Phước Lotus là dự án khu dân cư có tổng điện tích 198,5 triệu ha thuộc khu vực tỉnh Đồng Nai, giáp ranh TP. HCM.

Đại Phước Lotus nằm tiếp giáp với quận 2 và quận 9 của TP. HCM với các tuyến giao thông quan trọng như quốc lộ 51A nối quốc lộ 1 với TP. Vũng Tàu, cao tốc Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành kết nối sân bay Long Thành tương lai.

CFLD là tập đoàn chuyên phát triển những thành phố công nghiệp tại Trung Quốc, có mặt ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Indonesia, Ấn Độ, Mỹ, Việt Nam. Tập đoàn này thuộc sở hữu của nhà tỷ phú Trung Quốc Wang Wenxue (50 tuổi), với khối tài sản theo ước tính của Forbes là hơn 7 tỷ USD.

Phối cảnh dự án Đại Phước Lotus. Ảnh Diaoconline.vn

Công ty TNHH Phát triển bất động sản CFLD Việt Nam (CFLD Việt Nam) thuộc Tập đoàn CFLD từng cho biết, trong chiến lược phát triển của mình, công ty sẽ xây dựng hàng chục thành phố công nghiệp, chủ yếu ở Đông Nam Á và Việt Nam là điểm đến quan trọng.

Từ tháng 1/2016, CFLD đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Thời điểm đó, trong chiến lược đầu tư ngoài lãnh thổ Trung Quốc, CFLD bắt đầu triển khai ở Indonesia (xây dựng 3 thành phố công nghiệp), sau đó là ở 5 quốc gia khác gồm Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ và Mỹ.

Sau khi thăm dò thị trường Đồng Nai, tháng 9/2016, CFLD đã ký thỏa thuận ghi nhớ với Tổng công ty cổ phần Tín Nghĩa (đến cuối năm 2016, Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai nắm 50% vốn điều lệ, trong số các cổ đông còn lại có Tập đoàn Thành Thành Công) để xây dựng thành phố công nghiệp mới (NIC - New Industry City) với Khu công nghiệp Ông Kèo. Đây là hai dự án có vị trí liền kề với sân bay quốc tế Long Thành sẽ hình thành trong tương lai. 

Một tập đoàn bất động sản đến từ Hồng Kông là Hong Kong Land đã thâu tóm 64% cổ phần dự án nhà ở nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII). Khu đô thị mới Thủ Thiêm tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn đối diện quận 1, với tổng diện tích 657 ha. 

Phối cảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh NDH

Hiện Hongkong Land có tỷ lệ góp vốn trên 50% tại 3 dự án và doanh nghiệp trong nước là tòa nhà Central Building, Công ty TNHH Quốc tế Đoàn Kết và Công ty TNHH Nassim JV (chủ đầu tư dự án căn hộ cao cấp The Nassim Thảo Điền).

Từ năm 2015, Hongkong Land quay trở lại Việt Nam bằng thương vụ bằt tay với SonKim Land cùng phát triển dự án cao cấp The Nassim tại quận 2.

Vào năm 2009, “khu đất vàng” 164 Đồng Khởi, quận 1 được đưa ra đấu thầu và đã thu hút gần 70 nhà đầu tư xin tham gia, trong đó có liên doanh nhà đầu tư HongKong Land. Tháng 7/2013, UBND TP. HCM đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư với việc chỉ định HongKong Land và Sumitomo & Development thực hiện dự án này. Mặc dù vậy, HongKong Land đã để lại “tiếng xấu” khi thoái lui khỏi dự này do không đủ năng lực triển khai giữa lúc thị trường đi xuống những năm 2008-2009.

Alpha King Real Estate Development JSC, một doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam nhưng có giám đốc là người gốc Hoa, tạm trú tại khách sạn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, được cho là đã mua lại dự án phức hợp Saigon One Tower. Đây là cao ốc đã đình trệ nhiều năm tại khu trung tâm TP. HCM, chủ đầu tư là Saigon M&C. Các cổ đông chính là của công ty này là Alpha King Investment Limited (trụ sở tại Hong Kong) giữ 93,3%, hai cá nhân người Hoa nắm mỗi người 3,3%.

Dự án này được dự kiến sẽ tái khởi động xây dựng và hoàn thành vào năm 2018, là một tổ hợp chung cư, văn phòng và thương mại cao cấp với điểm nhấn là một quán bar ngoài trời lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, trong khi dự án chưa được rục rịch triển khai thì mới đây Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã ra văn bản về việc thu giữ tài sản bảo đảm là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ. 

Một dự án tỷ đô khác có sự góp mặt của nhà đầu tư Trung Quốc phải kể đến là dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp có casino trị giá 4 tỷ USD tại Hội An (Quảng Nam). Được cấp giấy phép từ năm 2010 nhưng dự án casino 4 tỷ USD tại Quảng Nam đã phải trì hoãn tới năm 2016 mới khởi công do những khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác đầu tư.

Dự án này có vị trí gần sân bay quốc tế Đà Nẵng, cách không xa phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn cũng như khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Phối cảnh dự án resort phức hợp của Suncity và Chow Tai Fook tại Hội An. Ảnh: Suncity

Ban đầu, liên doanh dự án được VinaCapital thành lập vào năm 2007 với sự tham gia của Tập đoàn Genting Berhard của Malaysia. Tuy nhiên, tập đoàn này rút lui khỏi dự án ngay sau đó. Tới năm 2015, VinaCapital đã bắt tay cùng tập đoàn Chow Tai Fook (Hong Kong) và tập đoàn The Suncity Group (Macau) tái khởi động.

Thị trường địa ốc Trung Quốc được cho là đang trải qua thời kỳ lắng đọng sau đợt phát triển kéo dài vì chính phủ Trung Quốc bắt đầu thắt chặt luật lệ đầu tư để tránh nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản. Do đó, các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư ở các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Có thể thấy làn sóng đầu tư bất động sản của nhà đầu tư Trung Quốc vào thị trường Việt Nam trải rộng trên khắp các phân khúc, từ nhà ở, văn phòng cho thuê, khu công nghiệp đến bất động sản du lịch. Trong đó, hầu hết các dự án lớn đều nằm tại khu vực phía nam, có vị trí đắc địa gần sân bay, cảng biển, cũng như các “khu đất vàng”...