Tuần sau Bộ Công thương trình phương án bán cổ phần Sabeco

Minh An - 22:30, 12/10/2017

TheLEADERTheo kế hoạch Nhà nước sẽ bán 53.59% cổ phần tại Sabeco, giá trị khoảng 4,2 tỷ USD.

Văn bản đề ngày 10/10 của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, phương án bán vốn nhà nước tại Sabeco sẽ được trình lên Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trước ngày 20/10 (thứ 6 tuần sau).

Tuần trước, tại cuộc họp Chính phủ, Bộ Công thương được giao chủ trì và phối hợp với các bộ liên quan thống nhất phương án bán cổ phần nhà nước tại Sabeco, công ty bia lớn nhất Việt Nam.

Theo kế hoạch Nhà nước sẽ bán 53.59% vốn tại Sabeco. Bộ Công thương đang là đại diện phần vốn nhà nước tại công ty này với 89,6% vốn điều lệ. Sau khi bán, tỷ lệ sở hữu còn lại sẽ giảm xuống 36%, là mức sở hữu đảm bảo cổ đông Nhà nước vẫn có quyền phủ quyết tại ĐHCĐ của công ty.

Chưa rõ phương án bán vốn tại Sabeco được thực hiện một lần hay nhiều lần. Có thể, Bộ Công thương sẽ bán ra tương tự như trường hợp SCIC bán cổ phần Vinamilk theo các đợt khác nhau.

Giá trị thị trường của 53,59% cổ phần tại Sabeco là rất lớn, khoảng 4,2 tỷ USD. Một thương vụ quy mô lớn như thế chưa từng diễn ra trên thị trường tài chính Việt Nam.

Vốn điều lệ của Sabeco được xác định là hơn 6.400 tỷ đồng khi cổ phần hóa năm 2008 và được giữ nguyên từ đó đến nay. Trong 10% cổ phần được bán ra khi cổ phần hóa, Heineken đang nắm giữ 5%.

Gần đây, nhiều tập đoàn ngỏ ý quan tâm đến việc mua cổ phần tại Sabeco sau khi Chính phủ Việt Nam đặt quyết tâm thoái vốn khỏi công ty bia này trong năm nay. Trong đó có hãng bia Carlton & United Breweries (công ty con của AB Inbev - Bỉ), Kirin (Nhật Bản), Thai Beverage...

Kể từ khi Nhà nước công bố thoái vốn hồi đầu năm, cổ phiếu của Sabeco đã tăng mạnh. Đến hôm 12/10, giá cổ phần Sabeco là 266.000 đồng, tăng 35% kể từ đầu năm. Vốn hóa thị trường của cổ phiếu này hiện đã lên 7,7 tỷ USD.

Cuối tháng 9, ông Akiyoshi Koji, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Asahi Group (Nhật Bản) nói với Bloomberg rằng, giá cổ phiếu Sabceo quá đắt. Chỉ số P/E (giá trên thu nhập mỗi cổ phần) của Sabeco là 35 lần so với 16 lần của Asahi, 21 lần của Carlsberg và 20 lần của Heineken.

Asahi là một trong số các đối tác từng quan tâm đến việc mua cổ phần của Sabeco.

Sabeco mới tung ra thị trường sản phẩm bia mới - Saigon GOLD.

Năm ngoái Sabeco đạt doanh thu khoảng 30 nghìn tỷ đồng (1,4 tỷ USD) và lợi nhuận sau thuế khoảng 4.600 tỷ đồng. So với năm 2015, doanh thu của Sabeco tăng 10% và lợi nhuận sau thuế tăng 28%.

Nửa đầu năm 2017, công ty này đạt 15.751 tỷ đồng doanh thu và 2.566 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Theo dữ liệu của Bloomberg Intelligence, Sabeco hiện chiếm 40 thị phần bia tại Việt Nam với hai nhãn hiệu chủ lực là bia 333 và bia Sài Gòn. Năm ngoái, trong khi sản lượng bia trên thế giới giảm năm thứ 3 liên tiếp thì thị trường Việt Nam tăng trưởng 11,2% so với năm 2015. Sabeco đặt mục tiêu đạt doanh thu trên 34 ngàn tỷ đồng trong năm nay.

Cùng với Sabeco, Bộ Công thương cũng được giao đàm phán bán cổ phần của Hebeco cho Carlsberg. Ngày 15/11 tới đây là hạn chót để bộ này báo cáo kết quả đàm phán với hãng bia Đan Mạch.

Hiện Carlsberg đang nắm giữ 17,5% cổ phần của Habeco và mong muốn nắm giữ 51% cổ phần tại Habeco. Công ty bia nổi tiếng tại thị trường phía Bắc này đang nắm giữ khoảng 18% thị phần thị trường bia Việt Nam.