'Uber, Grab tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn xã hội'

Thu Phương - 08:39, 24/01/2018

TheLEADERTheo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, Uber, Grab tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn xã hội khi hiện có rất nhiều tài xế đình công, phản đối do chính sách bất ổn của các công ty này. Trong khi đó, do không được quy định là taxi nên hiệp hội không thể đứng ra giải quyết.

'Uber, Grab tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn xã hội'
Đề xuất Grab, Uber cần có có quy định về logo giá cước.

“Cuộc chiến” giữa taxi công nghệ Uber, Grab và truyền thống đang dấy lên nhiều tranh cãi trong dư luận suốt thời gian qua. Không ít ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý đang quá lỏng lẻo trong việc cấp phép, quản lý loại hình vận tải này dù hoạt động tương tự taxi truyền thống. 

Trong khi taxi truyền thống phải “gánh” trên vai nhiều nghĩa vụ, trách nhiệm thì taxi công nghệ hiện không phải chịu bất kỳ ràng buộc nào. Theo nhiều chuyên gia, điều này đang gây nên sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các đơn vị vận tải này.

Cụ thể, theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP. HCM Tạ Long Hỷ, taxi truyền thống đang phải gánh chịu rất nhiều bất công.

Tại Hội thảo "Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: Vấn đề và kiến nghị", ông Tạ Long Hỷ cho rằng, những hệ lụy trong việc thực hiện thí điểm loại hình hợp đồng vận tải điện tử theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT, đã dẫn đến những "sự thật đau lòng". 

Chỉ có hai ông chủ taxi nước ngoài là Uber và Grab, trong vòng hai năm đã có thể làm rung chuyển, khuynh đảo gần như hoàn toàn thị trường taxi Việt Nam, làm đảo lộn mọi kế hoạch, quy hoạch vận tải của các địa phương, thường xuyên lấn át thị trường, đẩy nhiều hãng taxi truyền thống đi đến phá sản, giải thể. 

"Thị trường taxi Việt đã và đang bị các công ty này núp bóng phần mềm công nghệ, xâm lấn và thao túng trong suốt 3 năm qua. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất non trẻ và cần sự che chở, bao bọc của Nhà nước thông qua những chính sách có tính thực tiễn và khuyến khích cao. Bằng không, họ sẽ thua ngay trên chính sân nhà", Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP. HCM phân trần.

Theo ông Hỷ, xét trên nhiều góc độ đều thấy loại hình vận tải mà Uber, Grab đang triển khai tương đồng với taxi. Còn việc kết nối qua phần mềm hay tổng đài, thanh toán bằng tiền mặt, thẻ hay tài khoản chỉ là phương tiện, không thể làm thay đổi bản chất kinh doanh taxi, không nên lấy phương tiện (kết nối và thanh toán) để thay thế bản chất vận tải taxi của loại hình này.

Do đó, theo ông Hỷ, phải định danh Uber, Grab chính là taxi. "Định danh sai thì không thể có chính sách đúng, không thể góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển mà ngược lại sẽ gây rối loạn thị trường, tạo nên các xung đột xã hội không đáng có với nhiều hệ lụy khôn lường cho xã hội, doanh nghiệp và người lao động", Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP. HCM khẳng định.

Ông Hỷ cũng cho rằng, coi hoạt động của Uber, Grab là taxi để quản lý như taxi có thể tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh, công bằng bình đẳng, không còn xung đột giữa taxi hiện đại (đang được nhiều ưu đãi) và taxi truyền thống. 

Đồng thời, các địa phương sẽ không còn tình trạng khó quản lý hoại hình vận tải này do số lượng bùng nổ, quy hoạch vận tải bị phá vỡ, gây mất kiểm soát, các cơ quan chức năng cũng dễ nhận diện hơn các loại xe này khi lưu thông.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội: 'Uber, Grab tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn xã hội' 1
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội

Khẳng định đang có sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa taxi truyền thống và loại hình xe chở khách ứng dụng công nghệ mới, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng, taxi truyền thống đang phải tuân thủ 13 điều kiện kinh doanh ngặt nghèo như: Bãi đỗ, giấy phép tần số, lô gô, bảng giá, đồng phục, chứng chỉ tập huấn, bảo hiểm xã hội, không được đi vào đường cấm, niên hạn xe taxi chỉ được 8 năm.

Trong khi đó, xe chở khách dùng ứng dụng Uber, Grab không cần bất cứ điều kiện ràng buộc gì và tùy ý gia tăng số lượng xe. Taxi truyền thống bị kiểm soát giá cước, nhưng xe Uber, Grap lại không bị quản lý, tùy ý tăng giá vào giờ cao điểm. 

Bên cạnh đó, từ năm 2011 tới nay, taxi bị khống chế tăng số lượng phương tiện thì cơ quan quản lý lại buông lỏng với xe Uber, Grab. Thực tế số lượng xe Uber, Grab hoạt động ở Hà Nội nhiều hơn số xe đăng ký.

Uber, Grab liên tục đưa ra các chương trình cạnh tranh trái pháp luật nhằm triệt tiêu taxi truyền thống, tiến tới độc quyền thị trường. Đáng nói hơn là có hàng trăm khách hàng bị Uber, Grab bắt chẹt giá, bị tài xế chửi mới, doạ đuổi khách dọc đường nhưng vẫn không được giải quyết thoả đáng, ông Hùng cho hay.

Mặt khác, cũng theo Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, Uber, Grab còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho xã hội khi hiện có rất nhiều tài xế đình công, bãi công do chính sách bất ổn của các công ty này và nguy cơ phải "giải cứu" do cung vượt quá xa so với cầu.

Tuy nhiên, tất cả các nguy cơ tiềm ẩn trên của loại hình vận tải này đều rất khó giải quyết thoả đáng. Bởi nếu như đối với taxi truyền thống có hiệp hội taxi và các cơ quan quản lý đừng ra bảo vệ quyền lợi cho khách hàng và các tài xế thì đối với Uber, Grab, do hiện vẫn "không phải là taxi" nên đây đơn thuần là mâu thuẫn giữa cá nhân và doanh nghiệp, không có bên thứ ba giải quyết những mâu thuẫn này.

Do đó, ông Hùng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các địa phương dừng việc gia tăng các phương tiện tham gia thí điểm loại hình hợp đồng vận tải điện tử. 

Đồng thời, sửa đổi các quy định về việc niêm yết và quản lý chất lượng đối với loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ kinh doanh thí điểm theo hướng phương tiện phải dán logo với kích thước tối thiểu 20*30cm trên hai cánh cửa xe, trên nóc gắn hộp đèn có tên đơn đơn vị vận tải. Các doanh nghiệp này phải đăng ký với Sở Giao thông vận tải nơi cấp phù hiệu để dán tem cho các phương tiện của mình.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải xử phạt đối với các hành vi vi phạm của Uber, Grab. Trong trường hợp các doanh nghiệp này cố tình không tuân thủ luật pháp việt Nam thì đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động.