5 phẩm chất của doanh nghiệp kiên cường

Quỳnh Chi - 08:11, 23/08/2021

TheLEADERTheo Deloitte, những doanh nghiệp kiên cường có khả năng vượt qua xáo trộn cao gấp ba lần so với những tổ chức không có nền văn hóa này.

5 phẩm chất của doanh nghiệp kiên cường
Doanh nghiệp kiên cường có khả năng vượt qua khủng hoảng tốt hơn

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư được bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam đánh giá là một phép thử với độ khắc nghiệt ngày càng cao về sức chống chịu của các doanh nghiệp. Con đường dẫn các doanh nghiệp từ sống sót đến phục hồi và hưng thịnh trở nên gian nan, lâu dài hơn dự tính rất nhiều.

Sự gián đoạn trong hai năm qua có lúc dâng trào như những đợt sóng thủy triều lên, có lúc ồ ạt quét qua như một cơn bão. Đã không nhiều tổ chức có được sự chuẩn bị đầy đủ để đối phó với tình trạng hỗn loạn với một tổ hợp của nhiều yếu tố xảy ra suốt gần hai năm qua: đại dịch y tế toàn cầu, bất ổn xã hội và chính trị, hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt...

Trong khi đó, các tổ chức đã lên kế hoạch, đầu tư bài bản cho việc dự đoán và chuẩn bị cho gián đoạn và khủng hoảng thường ở một vị thế tốt hơn để có thể thích nghi, phục hồi và đứng vững.

Bà Thanh cho rằng, đợt dịch Covid-19 thứ tư chính là liều thuốc thử cho các nhà lãnh đạo kiên tâm, cũng là một “lò luyện”, qua đó khả năng lãnh đạo kiên tâm có thể được “chưng cất” và tinh chế tốt nhất. Đây còn là một phép thử hiệu quả đối với nhiều doanh nghiệp và đối với giá trị của các nhà lãnh đạo trong thời khủng hoảng.

Khảo sát về mức độ kiên cường của các tổ chức năm 2021 do Deloitte toàn cầu thực hiện trên 2.260 nhà lãnh đạo đã chỉ ra năm phẩm chất của một doanh nghiệp kiên cường gồm: luôn luôn chuẩn bị, biết thích nghi, biết hợp tác, có tín nhiệm và trách nhiệm.

Luôn luôn chuẩn bị

Theo ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, nhà lãnh đạo luôn phải tính trước vài nước, chuẩn bị các kịch bản xảy ra để có kế sách phù hợp. Những doanh nghiệp lên kế hoạch phản ứng cho từng tình huống và chuẩn bị kỹ càng có khả năng chống chịu với các yếu tố bất ngờ.

Nhiều doanh nghiệp dù không biết trước về Covid nhưng đã có sự chuẩn bị cho những xáo trộn bất ngờ bằng việc đầu tư vào lực lượng, công nghệ và chiến lược. 

Những chương trình mà các nhà lãnh đạo đã hoặc dự kiến triển khai có thể kể đến như: đầu tư vào công nghệ mới và hệ thống để giúp nhân viên làm việc từ xa; tạo điều kiện để nhân viên lựa chọn làm việc linh hoạt và cân bằng cuộc sống - công việc; triển khai các quy trình để doanh nghiệp có thể luân chuyển nhân sự sang các vai trò mới; thực hiện đào tạo huấn luyện để bổ sung kỹ năng mới; đa dạng hoá chuỗi cung ứng với nhiều nhà cung cấp;…

Trong những doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ để cho nhân viên làm việc từ xa trong số 2.260 nhà lãnh đạo trả lời Deloitte, 68% đã vượt qua đại dịch hiệu quả. Trong khi đó, chỉ 28% doanh nghiệp chưa chuẩn bị tự tin đã vượt qua đại dịch hiệu quả.

85% lãnh đạo có tầm nhìn xa, cân bằng mục tiêu ngắn hạn với dài hạn cũng đồng thời vượt qua được biến cố một cách hiệu quả. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

5 phẩm chất của doanh nghiệp kiên cường
Ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam

Biết thích nghi

Linh hoạt và khả năng thích ứng của đội ngũ nhân viên tạo sự thích nghi của doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp đã sớm đầu tư để tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên thông qua việc triển khai quy trình luân chuyển, tái đào tạo, hoặc tạo điều kiện làm việc linh hoạt có nhiều khả năng đã xây dựng tốt văn hóa kiên tâm trong doanh nghiệp.

Biết hợp tác

Ông Hoàng cho biết, khi đại dịch lên cao trào ở Mỹ, Manulife (Mỹ) nhận thấy cần tăng cường giao tiếp trong nội bộ. Họ tổ chức họp hằng ngày giữa các lãnh đạo và quản lý cấp cao. Sau một thời gian, tốc độ ra quyết định và giải quyết vấn đề nhanh hơn hẳn do thông tin thông suốt, có sự kết nối, tín nhiệm giữa lãnh đạo cấp cao gia tăng và lan tỏa xuống các phòng ban và nhân viên một cách tự nhiên.

Cũng nhờ vậy, công ty này đã tạo ra được văn hóa hợp tác hiệu quả giữa các bộ phận, hoạt động nhanh gọn, mọi thứ được triển khai ở tốc độ cao.

Các doanh nghiệp khác cũng dần nhận ra tầm quan trọng của việc kết nối và hợp tác hiệu quả. 59% doanh nghiệp đã xóa bỏ tâm lý cục bộ trước hoặc trong năm 2020 cũng cho biết đã vượt qua biến cố một cách vững chãi.

79% doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ làm việc từ xa và tạo điều kiện phối hợp giữa các bộ phận khi làm việc từ xa tỏ ra vững vàng trong biến cố và dễ xoay chuyển cục diện kinh doanh. Lãnh đạo Deloitte nhận định, làm việc từ xa và làm việc linh hoạt sẽ trở thành một xu hướng trong tương lai.

Có tín nhiệm và có trách nhiệm

Những doanh nghiệp đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng, cả về thể chất lẫn cảm xúc, sẽ xây dựng được tín nhiệm cao hơn và vượt qua biến cố một cách hiệu quả. Sự tín nhiệm còn thể hiện qua việc phát hiện, khắc phục và ngăn chặn nguy cơ an ninh mạng; triển khai tốt các công nghệ một cách có đạo đức.

Chủ tịch Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh nhấn mạnh, doanh nghiệp kiên cường và nhà lãnh đạo kiên tâm sẽ tập trung quay lại soát xét nâng tầm tín nhiệm của nhân viên với ban lãnh lạo. Tín nhiệm nên được xây dựng từ trong ra ngoài, từ nhân viên trước khi từ khách hàng, đối tác.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp càng có trách nhiệm với nhân viên và với cộng đồng, thể hiện qua chỉ số tôn trọng nhân viên cao và chỉ số cam kết về ESG (môi trường – xã hội – quản trị) thì càng có văn hóa doanh nghiệp kiên cường. Văn hóa đa dạng bao trùm tạo nên văn hóa kiên tâm, văn hóa kiên tâm thì doanh nghiệp kiên cường.

“Các doanh nghiệp nên xây dựng thêm sự tín nhiệm của nhân viên, khách hàng và sự hợp tác cả trong nội bộ và bên ngoài. Năm thành tố đều quan trọng và bổ sung cho nhau”, ông Hoàng nói.

Trong sự kiện Doanh nghiệp kiên cường - vững vàng trong thử thách" do Deloitte Việt Nam phối hợp với Viện thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức, ông Hoàng đã đưa ra tám đề xuất để xây dựng và củng cố tổ chức kiên tâm.

Một là có kịch bản đối phó với khủng hoảng. Hai là kiểm tra khả năng duy trì trước khủng hoảng một cách thường xuyên với các cấp lãnh đạo. Ba là tuyển người có tư duy cụ thể thay vì kỹ năng cụ thể. Những người có tư duy học hỏi, phản biện, tư duy mở thường dễ thay đổi và thích ứng linh hoạt.

Bốn là triển khai đào tạo và luân chuyển đê nhân viên học kỹ năng mới nhằm sẵn sàng đáp ứng với sự thay đổi. Năm là triển khai công nghệ để có thể thúc đẩy hợp tác nội bộ và với các đối tác. Sáu là đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức khác, cả trong kinh doanh lẫn ESG. Bảy là ưu tiên tạo dựng và củng cố tín nhiệm. Tám là xây dựng văn hoá doanh nghiệp đa dạng và bao trùm.