Ai có quyền khiếu kiện thành viên hội đồng quản trị?

Lam Giang - 13:14, 30/09/2019

TheLEADERĐó là cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng.

Ai có quyền khiếu kiện thành viên hội đồng quản trị?
Trình tự thủ tục khởi kiện thực hiện tương ứng theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự.

Theo quy định tại Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, vi phạm nghĩa vụ người quản lý công ty theo quy định tại Điều 160 của Luật Doanh nghiệp 2014;

Thứ hai, không thực hiện đúng các quyền và nhiệm vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời quyết định của hội đồng quản trị;

Thứ ba, thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao trái với quy định của pháp luật, điều lệ công ty hoặc nghị quyết của đại hội đồng cổ đông;

Thứ tư, sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

Thứ năm, lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

Và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.

Trình tự thủ tục khởi kiện thực hiện tương ứng theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự. Chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty sẽ tính vào chi phí của công ty, trừ trường hợp thành viên khởi kiện bị bác yêu cầu khởi kiện.

Cổ đông có các quyền gì?

Với việc đầu tư vào cổ phiếu, các nhà đầu tư trở thành cổ đông và được hưởng một số quyền gắn liền với các cổ phiếu này. Các quyền này chính là các lợi ích mà họ nhận được từ khoản đầu tư.

Đối với hầu hết các cổ đông, quyền quan trọng nhất là quyền được phân chia một phần lợi nhuận của công ty thông qua cổ tức nhận được hàng năm.

Các quyền khác cũng quan trọng, đặc biệt là trên khía cạnh bảo vệ và gia tăng giá trị của khoản đầu tư. Các quyền này bao gồm quyền bỏ phiếu bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên hội đồng quản trị, phê chuẩn việc sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty và thay đổi vốn điều lệ, thông qua báo cáo tài chính hàng năm và quyền tiếp cận với các thông tin về công ty và các hoạt động của công ty.

Thông qua các quyền này, các cổ đông đảm bảo rằng ban lãnh đạo của công ty không sử dụng các khoản đầu tư của họ một cách sai trái cho mục đích riêng của mình.

Tại Việt Nam, các quyền của cổ đông được quy định cụ thể tại Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014, ngoài ra tùy theo mỗi công ty có thể quy định thêm những quyền khác trong điều lệ công ty được đại hội đồng cổ đông thông qua tuy nhiên phải đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật.