Ai trong chúng ta cũng tin mình là ngọc thô, mong tìm được minh chủ để mài giũa

Đỗ Xuân Tùng* - 11:44, 30/03/2018

TheLEADERVề bản chất chúng ta luôn muốn tìm cho mình một minh chủ - một người lãnh đạo đáng kính nể để đi theo, học hỏi và hy vọng mình lớn lên dưới quyền uy và năng lực của họ.

Ai trong chúng ta cũng tin mình là ngọc thô, mong tìm được minh chủ để mài giũa
Đỗ Xuân Tùng, Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt

Ngay từ đầu, với định nghĩa ấy, chúng ta bản thân đã đặt mình vào một vị trí không hề thấp! Tự mình coi mình như một viên ngọc thô, mong muốn được minh chủ mài giũa mà thành ngọc 'xịn', bán có giá hơn. Mà dưới gầm trời này, có ai thực sự muốn mình bị coi thường đâu? Cho nên rằng thì là, xét cho cùng, chúng ta chọn minh chủ là theo sở thích cá nhân và sự tự tôn của chính mình!

Phỏng vấn khá nhiều ứng viên làm sales (bán hàng) và quản lý sales thì tôi rút ra, mẫu số chung của họ là tìm minh chủ có ĐỒNG THỜI các tiêu chí:

1. Có thành công vượt trội: được khẳng định bằng các thành tựu cụ thể về kinh tế, danh tiếng, tổ chức hay mức kiến thức và kỹ năng. Tức là người ta đi tìm và cần sếp đưa ra bằng chứng về việc sếp có giỏi thực sự không. Nhân viên “tuyển” sếp không phải vì sếp oai, mà vì mong rằng có thể ở gần những người như vậy để trở thành mạnh mẽ, giỏi giang hơn.

2. Sếp làm mẫu được trong lĩnh vực mà anh em muốn học hỏi: phải thật hoàn hảo, cần có điểm nổi trội và sếp chỉ cho anh em thấy là có cách để học và làm theo để thành công như. Người kém hoặc ít kinh nghiệm thì đi tìm mình chủ và nhìn ra dấu hiệu mà họ có thể học từ sếp cũng khá thô sơ. Đó là khi họ nghe và choáng với cái tên “Chuyên gia hàng đầu trong khu vực Xyz”

3. Có đủ cả Ân và Uy: là có cái quyền lực khiến họ vừa nể vừa phải dè chừng, nhưng lại vừa có sự gần gũi nhất định để họ thấy sếp có nối với họ bằng một mối dây tình cảm cụ thể. Ân này là tính ngoài tất cả những chế độ ưu đãi khác trong đối xử của công ty. Đôi khi Ân đó thông qua một hành vi cụ thể, nhỏ nhưng quan trọng với người nhân viên. Để bất kỳ khi nào, ngồi với bạn bè, là họ cũng có thể khoe: “Tao ngồi với ông ấy suốt” hoặc còn tự hào kể lể: “Sếp vừa mắng tao một trận, nhưng mắng hay và rất trúng!”.

4. Sếp luôn là người vươn lên và học hỏi: Cũng đúng thôi, sếp dạy nhân viên, thì đến lúc nào đó là hết những gì sếp biết chứ, làm sao mà dạy mãi cả đời mấy chục năm được? Sếp phải tự học thêm thì mới có thêm những thứ khác mà dạy nhân viên. VÀ nhân viên nhìn vào sự học của sếp để mà thấy mình còn kém xa lắm, còn phải học nhiều. Và cái cần học nhất là sự ham học!

5. Sếp là người tinh ý thậm chí là tinh quái: Giúp nhân viên nhìn ra điểm mạnh điểm yếu của mình, biết mình là ai, biết mình phải làm gì thì mới khá lên được. Sếp là người đi trước, do vậy hiểu rõ trên đường đi tới thành công sẽ gặp các thể loại hầm hố gì, thoát khỏi chúng ra sao, giúp nhân viên rút ngắn quãng đường đau khổ!

Tuy vạch ra những thứ tưởng khách quan như thế, nhưng xu hướng đáng buồn ngày nay, là khi tìm minh chủ, các ứng viên thường vì cái hào nhoáng của danh hiệu. Họ không tìm hiểu kỹ mà tự đánh lừa chính mình! Họ thích cách của sếp dỏm với một cái danh chung chung, khó hiểu kiểu “Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần P.S.O hay Tập đoàn S.H.I” hay “phụ trách dự án Làm giàu quốc gia” giai đoạn XYZ,..

Chưa kể, họ còn thích nhìn thấy vây quanh sếp là các biểu đồ, mô hình nhiều màu, những vision hay value statement rực rỡ và to tát! Chỉ khi vướng vào vấn đề cụ thể họ mới hiểu sếp của mình ở tầm nào!

Khó trách họ, đặc biệt với môi trường văn hoá như Việt Nam, tới giờ còn nhiều tàn dư của thời phong kiến trong tư duy của người dân. Và họ luôn đi “săn siêu nhân” chứ không chịu tìm ra “nét siêu nhân” trong những con người giản dị quanh họ.

Lý thuyết này, được tôi đúc rút ra từ những mẫu hình minh chủ mà tôi đã may mắn gặp trong đời

Tôi có cái may mắn đặc biệt trải nghiệm nhiều góc của cuộc sống theo nhiều cung bậc cao thấp khác nhau. Đôi khi ngồi tĩnh tại nghĩ lại mới thấy hoá ra trở thành người cực giỏi và cực tốt tính thì khó thật, nhưng trở thành người kém phấn đấu và xấu tính thì hầu như tôi không bao giờ có nguy cơ, đơn giản vì tôi có những người Minh chủ quá giỏi!

Cha tôi: Là người chỉ miệt mài học và làm công việc chuyên môn, cụ có một số chức vụ nhất định, nhưng cái nổi bật là dù ở chức vụ nào sự nổi bật của cụ là tính ưa học hỏi. Cái sự học hỏi ấy không phải vì bị bắt phải làm mà vì cụ yêu thích thực sự. Cụ có thể nói hàng giờ về những thứ mình thích tìm hiểu trong các kiến thức đó. Chưa kể là cụ cực ham thích việc áp dụng những kiến thức đó trong đời. Nhà tôi luôn có những thứ mà hàng xóm thấy kỳ lạ và thích thú. 

Thời sau bao cấp, khi chưa ai có bình nước nóng cụ đã cải biến cái nồi luộc bánh chưng thành một cái bình như vậy, vừa an toàn vừa đủ nước tắm cho cả nhà vào mùa đông. Khi chưa có phao cho bể để chống tràn, cụ tự chế ra một cái như vậy. Rồi nước tưới tự động cho vườn lan, rồi đồ gỗ trong nhà, sửa điện máy, cụ làm được tất…

Lúc về hưu, lớn tuổi rồi cụ vẫn thế, những kiến thức tôi học trong 2 năm thì cụ chỉ đánh vèo một cái trong chưa tới 2 tuần. Là Minh chủ bởi tuy con cụ không biết làm những thứ tôi có nói ở trên, nhưng tôi học được sự ham mê học hành của cụ, và luôn tò mò với cái mới, cũng như luôn muốn vươn lên. Giờ khi gặp nhau là ngay lập tức bố tôi và tôi sẽ kể cho nhau nghe vừa học hay nghe được điều gì mới và có ích!

Mẹ tôi: là người thông cảm với tôi mọi sự, nhưng là theo kiểu thấu hiểu chứ không phải vào hùa dạng bốc đồng. Mẹ dễ chấp nhận tôi ở mọi khía cạnh tích cực cũng như tiêu cực do mẹ hiểu điểm mạnh và yếu của tôi tới chân tơ kẽ tóc! Nhưng giống bố, mẹ truyền thông điệp yêu thương đó cho tôi chứ không muốn nói thẳng ra để rèn tôi. 

Bố tôi thường hay khen tôi một cách khá dễ dàng nhưng với mẹ, dù tôi biết bà rất yêu thương mình, chả mấy khi tôi được khen cái gì mà chỉ toàn thấy mình phải cố gắng hơn nữa. Chỉ một lần hồi sau đại học, khi đi làm rồi tôi nghe lỏm mới biết mẹ tự hào về tôi và quả thật lúc ấy tôi thấy vô cùng ngạc nhiên! Nhưng sau đó khi đã hiểu và biết đó là sự thật thì tôi thấy vô cùng tự tin!

Sư phụ võ của tôi: là người mà nếu nói tóm tắt lại thì tôi thấy có hai cái, tôn sung sự nỗ lực và cực kỳ tinh ý. Tôi không thể quên ông dậy sớm từ 3h để luyện khí, tới nơi còn đang co ro cúm rúm tôi đã thấy thầy tập từ bao giờ. Quan điểm của ông cũng hết sức thực dụng. Ông luôn muốn học thêm, nhưng với điều kiện là kiến thức và kỹ năng mới phải làm cho ông thấy hữu dụng hơn những gì mà ông đã từng gặp. 

Trong lúc vui vẻ nhất, ông không ngại chỉ ra điểm tôi nói sai, và khách quan thừa nhận những gì ông còn kém. Với học trò, ông áp dụng đúng kiểu khen trước mặt, chê khi chỉ có hai người! Chúng tôi bị ông biến đổi theo hướng tốt hơn một cách âm thầm, qua từng hành vi từng lối nghĩ mà không hay. Chỉ khi thầy tôi mất tôi mới chợt hiểu ra, người tạo ra tất cả các ảnh hưởng tích cực ấy giờ tôi không còn cơ hội để đền đáp!

Tổng biên tập một tờ báo: Tôi học được ở ông khả năng viết, tất nhiên rồi. Nhưng cái vẻ nhàn nhạt trong văn hay cách cư xử của ông còn là cái mà tôi thấy khó làm theo được. Tưởng như nhạt, nhưng đó là trạng thái giữ mình không để bị rơi vào hai trạng thái “bất cập” hay “thái quá”. Lúc nào ông cũng nhìn sự vật hiện tượng vào bản chất và kiệm lời trong mô tả. Không phải vì ông ít từ, mà đơn giản vì ông thấy mô tả tới đó là đủ độ, không thừa không thiếu. 

Tôi có cố gắng học theo cái lối văn ngắn và xúc tích đó của ông, nhưng quả thật khó. Mà lối văn đó nói không ngoa, nó ám cả vào lối sống và sinh hoạt của ông. Tôi không bao giờ quên từ động tác tới hành vi hay cách bố trí căn phòng làm việc của ông nó cũng đơn sơ giản dị như lối văn. 

Có thể tóm tắt lại, nếu làm việc tiếp với ông, tôi sẽ nằm trong không gian gây ảnh hưởng của ông vì đó là một không gian đồng nhất và có quy luật rõ ràng, rành mạch.

Để chốt lại bài viết, theo quan điểm cá nhân của tôi, Minh chủ vốn là người:

- Có đặc tính riêng rõ ràng, có nguyên tắc sống và làm việc không thể bị nhầm lẫn.

- Có khả năng gây ảnh hưởng tốt lên người sống và làm cùng

- Hiểu rõ đặc tính của người dưới quyền hay nằm trong phạm vi ảnh hưởng

- Chú tâm giúp người đó phát triển theo hướng tốt nhất trong khả năng của họ.

- Và trên hết, dù họ có cả điểm mạnh và yếu, họ là người có cá tính và đặc điểm phù hợp với kế hoạch phát triển bản thân của cấp dưới. Như thế, trước khi đi tìm Minh chủ, hãy tự tìm hiểu xem mình là ai đi đã!

*Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt