Bài toán nguồn nhân lực cho chuyển dịch năng lượng

Hoàng Đông - 11:56, 23/09/2023

TheLEADERChuyển dịch việc làm theo hướng xanh hóa là yếu tố cấp thiết để đảm bảo thực hiện các mục tiêu bền vững và chuyển dịch năng lượng.

Bài toán nguồn nhân lực cho chuyển dịch năng lượng
Chuyển dịch năng lượng đòi hỏi nhu cầu lớn về lao động tay nghề cao. Ảnh: Hoàng Anh

Cam kết tại COP26 tác động mạnh mẽ đến chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Theo Quy hoạch điện VIII, tính đến năm 2045, năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 75% tổng các nguồn điện tại Việt Nam.

Điều này cũng đặt ra nhu cầu lớn đối với việc chuyển dịch lao động phục vụ cho chuyển dịch năng lượng. Ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học của Quốc hội cho biết, chuyển dịch việc làm xanh và tạo cơ hội công bằng trên thị trường lao động năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra điều này, TS. Guido Hildner, Đại sứ Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam, cho biết, để phục vụ cho chuyển dịch năng lượng, đạt tới kết quả gần 50% điện được sản xuất là năng lượng tái tạo như hiện nay, trong giai đoạn 2012 – 2020, số lao động trong ngành năng lượng sạch đã tăng gần 57%, đạt khoảng 5 triệu người.

Ông Guido Hildner cho biết, điều này đã mở ra cơ hội lớn cho thị trường lao động của Đức, từ đó đem lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế, bên cạnh việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của quốc gia châu Âu này.

Tuy nhiên, chuyển dịch sang việc làm xanh không phải là điều đơn giản, đặc biệt đối với ngành năng lượng tái tạo vốn yêu cầu một lượng lớn lao động có tay nghề, trình độ cao. Theo báo cáo Triển vọng chuyển dịch năng lượng đảm bảo công bằng xã hội tại Việt Nam, riêng 2021 và tương lai, khoảng 25% số việc làm phục vụ năng lượng gió và mặt trời là dành cho lao động có tay nghề cao.

Do đó, theo ông Guido Hildner, Việt Nam cần có những quyết sách mang tính lâu dài từ phía Nhà nước, huy động nguồn lực đầu tư và đổi mới sáng tạo để giải quyết nhu cầu lao động cho chuyển dịch năng lượng.

Năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo cần được quan tâm đặc biệt sao cho thích ứng kịp với xu thế chuyển dịch năng lượng.

Đồng quan điểm, phát biểu tại hội thảo "Chuyển dịch năng lượng công bằng - cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam", ông Thi đề xuất sự chủ động một cách có chiến lược trong việc hoạch định kế hoạch đào tạo, chuyển dịch nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng xanh.

Trên thực tế, vấn đề chuyển dịch năng lượng từ lâu đã dấy lên những cuộc tranh cãi về số phận của những người lao động đang làm việc tại các nhà máy điện than. Đây chính là lý do khiến vấn đề chuyển dịch năng lượng công bằng được đưa ra bàn thảo và trở thành một trong những điểm nhấn tại COP27 vừa qua.

Sau hội nghị COP27, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận "Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng" (JETP) trị giá 15,5 tỷ USD. Đây chính là cơ hội giúp Việt Nam chuyển dịch lao động từ ngành năng lượng truyền thống sang ngành năng lượng mới, qua đó đảm bảo cả mục tiêu môi trường và xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội, cho biết, Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định giải pháp phát triển nguồn nhân lực là một trong ba giải pháp chiến lược trong thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước theo hướng bền vững.

Xác định tầm quan trọng của chuyển dịch việc làm theo hướng xanh, bà Hà cho biết, với vai trò là một thành viên tham gia triển khai JETP, Bộ Lao động thương binh và xã hội sẽ xây dựng kế hoạch, giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực gắn với tiến trình chuyển dịch năng lượng.

Về phía Đại sứ quán Đức, ông Guido Hildner cho biết, Việt Nam và Đức đã có nhiều hợp tác liên quan đến đào tạo nhân lực thông qua các chương trình hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nghề kỹ thuật điện, điện tử, lắp đặt điện mặt trời áp mái…

Các chương trình này cũng dành sự quan tâm, ưu tiên hỗ trợ các nhóm yếu thế để tìm kiếm cơ hội việc làm trong xu thế phát triển bền vững.