Bảo vệ môi trường cần đặt ở trung tâm của các quyết định phát triển kinh tế

Nhật Hạ - 18:11, 14/04/2022

TheLEADERChính phủ định hướng phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Để hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 14/4.

Trong đó, các quan điểm được nhấn mạnh gồm ‘không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế’, ‘bảo vệ môi trường cần đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển’, ‘đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững’, ‘người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại, người hưởng lợi từ các giá trị môi trường phải trả tiền’.

Vì vậy, kinh tế sẽ được phát triển theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm đảm bảo an ninh môi trường.

Theo đó đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả tài nguyên, hướng tới đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế đồng thời giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Quá trình công nghiệp hóa được kiểm soát chặt chẽ theo hướng thân thiện với môi trường; thực hiện xanh hóa các ngành sản xuất công nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao, các khu công nghiệp sinh thái; khuyến khích sử dụng các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thân thiện với môi trường.

Ngành nông nghiệp được thúc đẩy phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp; hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và các loại kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Đô thị hóa bền vững, phát triển đô thị gắn với phát triển hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển không gian xanh, công trình xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, chống chịu với biến đổi khí hậu.

Các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh sẽ được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Các nội dung bảo vệ môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh thực hiện; kiểm soát ô nhiễm, phát triển các mô hình khu dân cư, tuyến đường... kiểu mẫu, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; duy trì và nâng cao chất lượng môi trường nông thôn.

Các dự án đầu tư mới sẽ được phân luồng theo mức độ tác động đến môi trường ngay từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư để kiểm soát trong suốt vòng đời hoạt động; đặc biệt chú trọng đối với nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao.

Cơ quan chức năng sẽ kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thông qua giấy phép môi trường dựa trên kết quả đánh giá tác động môi trường, quy hoạch bảo vệ môi trường, khả năng chịu tải môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường; áp dụng cơ chế thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phân loại theo mức độ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhóm cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, có lượng xả thải lớn được kiểm soát nghiêm ngặt. Thực hiện lộ trình áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT) đối với các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và các chất nguy hại khó phân hủy (PTS) được kiểm soát chặt chẽ. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý dứt điểm.