Bảo vệ môi trường thời 4.0 (Phần 2): Nỗi trăn trở về những cánh rừng

Phạm Sơn - 11:22, 31/03/2021

TheLEADERCông nghệ viễn thám, dữ liệu vệ tinh đã được ứng dụng để theo dõi tình trạng rừng trên diện rộng, giảm nhẹ gánh nặng cho đội ngũ kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng.

Bảo vệ môi trường thời 4.0 (Phần 2): Nỗi trăn trở về những cánh rừng
Công tác tuần tra bảo vệ rừng nặng gánh lên vai đội ngũ cán bộ kiểm lâm. Ảnh: Báo Thanh niên.

Cứ mỗi đợt thiên tai, lũ lụt, câu chuyện về rừng lại trở thành chủ đề nóng của dư luận. Bởi một trong những nguyên nhân dẫn tới những mất mát, tổn thất và đau thương cho đồng bào chính là từ những cơn lũ quét, sạt lở đất, mà nguyên nhân sâu sa là diện tích rừng đang ngày càng bị thu hẹp.

Khi người dân vẫn chưa thực sự có ý thức bảo vệ rừng, cộng với một số kẻ xấu luôn mưu toan kiếm lợi bất chính từ thiên nhiên, gánh nặng công tác giám sát, tuần tra và bảo vệ rừng hàng trăm ngàn héc ta rừng tại mỗi địa phương dường trút hết lên vai những chiễn sĩ kiểm lâm.

Tính riêng tại tỉnh Bình Thuận, mỗi cán bộ kiểm lâm phải phụ trách khoảng 700 héc ta rừng. Nỗi nhọc nhằn cộng với sự nguy hiểm luôn rình rập khiến công tác giữ rừng luôn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Trước thực trạng đó, một phần mềm ứng dụng công nghệ số đã ra đời để cùng san sẻ gánh nặng ấy. Đó là hệ thống theo dõi diễn biến rừng (FMS) dựa trên nền tảng viễn thám và thông tin địa lý, sáng kiến của công ty Green Field.

Bảo vệ môi trường thời 4.0 (Phần 2): Nỗi trăn trở về những cánh rừng
Ông Hoàng Việt Anh, chuyên gia công nghệ thông tin địa lý và viễn thám của Green Field.

Chia sẻ về sáng kiến FMS, ông Hoàng Việt Anh, chuyên gia công nghệ thông tin địa lý và viễn thám của Green Field cho biết, nhờ vào thành tựu của công nghệ, việc tiếp cận thông tin dữ liệu và hình ảnh từ vệ tinh đã ngày càng trở nên dễ dàng hơn trước. Chính từ sự dễ dàng tiếp cận này, đội ngũ chuyên gia của Green Field đã nảy ra suy nghĩ sử dụng hình ảnh vệ tinh để theo dõi sự thay đổi của những cánh rừng.

Theo đó, thông qua công nghệ viễn thám, FMS tự động hóa công tác đánh giá sự “mất rừng”, từ đó xây dựng thành các bản tinh đánh giá và cung cấp cho các địa phương, chủ rừng cũng như các cá nhân và tổ chức liên quan để có kế hoạch kịp thời bảo vệ rừng.

Một trong những tính năng nổi trội của FMS, nhờ vào việc thu nhận ảnh vệ tinh kết hợp với thông tin về quy hoạch là đánh giá và phân loại các nguyên nhân gây ra mất rừng như khai thác để sản xuất, cây chết do khô hạn hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Từ đó, các bên có liên quan có thể đưa ra phương án xử lý hợp lý nhất.

Ứng dụng FMS đã được ứng dụng tại một số địa phương, hỗ trợ tích cực cho công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, theo ông Anh, giải được bài toán giám sát rừng mới chỉ là bước đầu, cần phải thực hiện thêm nhiều giải pháp khác để công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường thực sự đạt được hiệu quả cao.

Bên cạnh sáng kiến FMS, Green Field tiếp tục tiến hành các giải pháp khác như giải pháp IoT cho nông nghiệp, mô phỏng vùng ảnh hưởng của doanh nghiệp, triển khai trạm quan trắc môi trường nước, theo dõi và thông báo biến động tại vùng thủy điện, đều dựa trên ý tưởng về sử dụng công nghệ cao nhằm giảm bớt sức người, tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.

Các giải pháp của Green Field được sử dụng rộng rãi bởi các đối tác trong và ngoài nước, bao gồm Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và môi trường, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…

Đại diện Green Field mong muốn các cơ quan chính quyền, Nhà nước cần tích cực và cởi mở đối với việc nâng cấp hạ tầng công nghệ để tạo ra thêm nhiều dữ liệu, giúp các giải pháp công nghệ được ứng dụng hiệu quả và rộng rãi hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú trọng các công cụ số hóa, đặc biệt là trong các công đoạn liên quan đến dữ liệu để xây dựng nền tảng cho việc quản lý dựa trên công nghệ mới.