Bất động sản du lịch 'khát' nhân lực

Thu Phương - 13:45, 01/04/2019

TheLEADERNguồn cầu lớn song nhân sự trong các lĩnh vực bất động sản, du lịch, khách sạn hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng so với nhu cầu phát triển của thị trường.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Thạc Thắng, Giám đốc First Alliances chi nhánh Hà Nội - công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn tuyển dụng nhân sự thuộc một tập đoàn lớn của Nhật Bản.

Theo ông Thắng, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho du lịch, không chỉ là đầu tư vào các bất động sản, cơ sở lưu trú, hạ tầng giao thông mà còn phải đầu tư cho "cái hồn" của du lịch là con người. Đầu tư nhiều hơn cho con người, nguồn nhân lực phục vụ du lịch sẽ giúp ngành du lịch của Việt Nam trong tương lai phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Bất động sản du lịch 'khát' nhân lực
Ông Nguyễn Thạc Thắng, Giám đốc First Alliances chi nhánh Hà Nội.

Ông nhận định như thế nào về nhu cầu nguồn nhân lực trong các lĩnh vực bất động sản, dịch vụ du lịch, khách sạn hiện nay?

Ông Nguyễn Thạc Thắng: Có thể thấy, nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong các lĩnh vực bất động sản, du lịch, khách sạn hiện nay đang rất lớn. Điều này xuất phát từ hai thực tế.

Thứ nhất, về lĩnh vực bất động sản, với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, các chủ đầu trong nước và quốc tế đến Việt Nam đang đầu tư rất nhiều vào phát triển các dự án bất động sản, trong đó có bất động sản du lịch như condotel và biệt thự nghỉ dưỡng.

Dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đang rất lớn. Cùng với đó là các chính sách của Chính phủ cho phép người nước ngoài được mua bất động sản tại Việt Nam cũng góp phần tạo nguồn cầu giúp thị trường này phát triển.

Thứ hai, đối với ngành du lịch, trong những năm gần đây, khách du lịch trong nước và quốc tế của Việt Nam liên tục tăng mạnh. Mỗi năm, du lịch Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, từ 30 - 40%/năm.

Năm 2018, theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, Việt Nam đã đón khoảng 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 2,7 triệu lượt so với năm 2017. Lượng khách nội địa đạt 80 triệu lượt, tăng hơn 6,8 triệu lượt khách so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2017, lượng khách du lịch trong nước đạt trên 73 triệu lượt, lượng khách quốc tế đạt 12,9 triệu lượt, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2016. Năm 2019, du lịch Việt Nam dự kiến sẽ đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 700.000 tỷ đồng.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch đã kéo theo sự phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú, khách sạn phục vụ du lịch. 

Mặt khác, với chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao, khách du lịch quốc tế và trong nước đến các điểm du lịch ngày càng chi tiêu nhiều hơn. Cộng hưởng tất cả các yếu tố này dẫn đến nhu cầu các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng nhân sự trong các ngành nghề này rất lớn.

Nguồn cầu rất lớn, tuy nhiên nguồn cung về lao động lại chưa thể đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Thị trường nguồn nhân lực hiện đang rất thiếu các nhân sự cấp cao trong các ngành nghề như chủ đầu tư bất động sản, trưởng phòng kinh doanh, quản lý khách sạn, công ty du lịch. Rất nhiều các doanh nghiệp đang cần những nhân sự trong lĩnh vực này nhưng không phải công ty nào cũng tìm được nhân sự phù hợp.

Các lao động có trình độ chuyên môn thấp hơn như tạp vụ, buồng phòng, lao động làm việc bán thời gian cũng đang rất thiếu so với cầu. 

Thực tế mỗi năm có hàng trăm ngàn sinh viên mới ra trường, tại sao các doanh nghiệp vẫn thiếu nhân sự, thưa ông?

Ông Nguyễn Thạc Thắng: Như đã phân tích ở trên, nhân sự trong một công ty chia thành hai bộ phận chính: Nhân sự quản lý cấp cao và nhân viên bình thường.

Đối với các nhân viên bình thường, hầu hết các doanh nghiệp đều không yêu cầu quá khắt khe. Các nhân viên này chỉ cần làm theo đúng yêu cầu của công ty. Song, trên thực tế có thể do chất lượng đào tạo trong lĩnh vực dịch dụ, khách sạn, quản lý của các trường đào tạo chưa " đạt chuẩn", chưa chuyên nghiệp đến từ kỹ năng đến thái độ phục vụ. Điều này khiến cho phần lớn các công ty chưa tìm được lao động phù hợp. 

Bên cạnh đó, do tính chất ngành nghề, thông thường một khu du lịch mới xây dựng muốn đi vào hoạt động, cùng lúc các công ty phải tuyển dụng từ vài trăm đến hàng nghìn người. Hơn nữa, rất nhiều các dự án du lịch nghỉ dưỡng cùng tập trung trong một thành phố, khu vực khiến cho nhu cầu về nguồn nhân lực rất lớn. Việc tuyển dụng đã khó càng khó khăn hơn.

Tương tự, trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, khi triển khai một dự án cũng cần số lượng lao động rất lớn, không dễ để tìm nhân sự đáp ứng được hết các yêu cầu của công ty đưa ra.

Đối với các nhân sự quản lý cấp cao còn thiếu nhiều hơn nữa. Một khách sạn thông thường cần một quản lý điều hành và khoảng 20 nhân sự trưởng các bộ phận. Yêu cầu đối với các nhân sự này phải có trình độ chuyên môn cao, thực sự chuyên nghiệp. Do đó, để tuyển dụng được là không dễ dàng.

Một lý do khác khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn khó tuyển dụng nhân sự là hầu hết các dự án của họ đều nằm tại các địa phương đang phát triển mạnh về du lịch như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long, cách xa các trung tâm đào tạo nhân sự lớn là Hà Nội, TP. HCM. 

Trong khi đó, tại các khu vực này nguồn lao động trước đây phần lớn hoạt động sản xuất chứ không phải làm dịch vụ. Các hoạt động đào tạo cho lao động địa phương cũng chưa được chú trọng, khiến nguồn nhân lực tại chỗ không đáp ứng được yêu cầu, gây khó khăn cho tuyển dụng.

Đơn cử như một chủ đầu tư sân golf, khách hàng của First Alliances từng chia sẻ, khi đưa vào hoạt động một sân golf mới, họ cần tuyển đến 100 "caddie", yêu cầu cao từ 1m65, ngoại hình ưa nhìn. Tuy nhiên, tại khu vực đó và các vùng lân cận, người dân lại bị nói ngọng nên mặc dù nguồn nhân lực tại địa phương rất lớn nhưng lại rất khó chọn lựa những ứng viên đạt yêu cầu.

Cuối cùng sau ba tháng, công ty này chỉ chuyển được 10/100 nhân sự cần thiết. Họ đã buộc phải mang "caddie" từ các sân golf khác về để hoạt động, sau đó tuyển mới tại các địa phương dễ tuyển dụng hơn.

Ông có thể đưa ra những giải pháp cho các doanh nghiệp trong các trường hợp này?

Ông Nguyễn Thạc Thắng: Khi các công ty có nhu cầu hoặc gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự, First Alliances thường tư vấn cho họ hai bài toán: Đi mua nhân sự hoặc tuyển mới về đào tạo.

Với giải pháp thứ nhất, các công ty sẽ đi mời nhân sự có vị trí tương tự tại các công ty khác với mức lương đủ cao để họ chuyển luôn sang bên họ làm việc. Cách làm này sẽ rất nhanh đạt được mục đích nhưng nhiều khả năng sẽ chỉ là giải pháp ngắn hạn bởi các nhân sự đã ra đi vì lương cao thì sắp tới khi có chỗ khác trả lương cao hơn, họ có thể cũng sẽ đi tiếp.

Giải pháp thứ hai mang tính dài hạn hơn là các công ty sẽ phải tìm những người mới và đầu tư cho đào tạo. Có thể doanh nghiệp tự đào tạo hoặc liên kết với các trường để họ đào tạo trước theo yêu cầu của mình.

Để có nguồn nhân sự tốt nhất, các công ty nên kết hợp cả hai giải pháp tuỳ theo điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp.

Bất động sản du lịch 'khát' nhân lực 2
Phối cảnh biệt thự nghỉ dưỡng NovaHills tại Mũi Né - Bình Thuận.

Ông có nói đến tương lai của các ngành như bất động sản du lịch sẽ rất phát triển. Vậy với một nguồn nhân lực như hiện nay liệu có gây khó khăn cho thị trường và cần có giải pháp gì để giải quyết những vướng mắc này?

Ông Nguyễn Thạc Thắng: Thực tế cho thấy giá dịch vụ du lịch của Việt Nam so với nước khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines vẫn còn rất rẻ. Với mức giá này, chất lượng dịch vụ hiện nay cũng không đến nỗi quá tệ, có thể vẫn chấp nhận được.

Tuy nhiên, so với tiêu chuẩn 5 sao của thế giới hay với các cường quốc phát triển du lịch, rõ ràng Việt Nam cần phải làm tốt vấn đề về dịch vụ hơn rất nhiều.

Trong thời gian tới khi ngành du lịch ngày càng phát triển, yêu cầu của khách hàng về các dịch vụ phục vụ sẽ ngày càng cao, Việt Nam cần phải cố gắng hết sức để cải thiện chất lượng nguồn nhân sự, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Để làm được điều này cần đầu tư nhiều hơn cho du lịch. Không chỉ đầu tư cho các bất động sản, cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú mà còn phải đầu tư cho "cái hồn" của du lịch là con người. Đầu tư nhiều hơn vào con người, nguồn nhân lực phục vụ du lịch sẽ giúp ngành du lịch tương lai của Việt Nam ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, vấn đề là ai sẽ đầu tư? Nếu doanh nghiệp chờ sự đầu tư từ nhà nước thì sẽ rất lâu. Còn nếu doanh nghiệp tự bỏ tiền vào đào tạo sẽ rất tốn kém, khó khăn ban đầu song sẽ có thể đo đếm được hiệu quả thực chất và tạo được dấu ấn riêng của mình.

Mặt khác, doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương, liên kết với các trường để đào tạo nhân sự. Trước đây, chủ yếu nguồn nhân lực chất lượng cao đều tập trung hết ở thành phố lớn, nên cần phải đào tạo nguồn nhân lực tại ngay các địa phương, truyền thông về cơ hội việc làm, thăng tiến để họ ở lại các địa phương làm việc.

Xin cảm ơn ông!