Bài toán nào cho du lịch: Số lượng hay chất lượng?

Thu Phương - 10:55, 06/12/2018

TheLEADERNhu cầu lớn trong khi cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chưa thể đáp ứng đang là những lực cản kìm hãm sự phát triển du lịch của Việt Nam.

Không dám đưa khách đi Sapa, Hạ Long vì quá tải

Bầu không khí tại Diễn đàn Cấp cao du lịch 2018 tổ chức tại Hà Nội hôm qua đã nóng lên khi một khách mời bất ngờ đặt câu hỏi: "Liệu Việt Nam có nên tiếp tục thu hút thêm khách du lịch?"

Vấn đề được nêu ra trong bối cảnh ngành du lịch đang đặt mục tiêu đầy tham vọng trong việc thu hút khách du lịch quốc tế. Cụ thể, Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020, tăng trưởng mạnh so với con số xấp xỉ 13 triệu lượt của năm ngoái. 

Bài toán nào cho du lịch: Số lượng hay chất lượng?
Khu nghỉ dưỡng JW Marriott trên đảo Phú Quốc

Mặc dù lượng khách quốc tế tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây nhưng Việt Nam vẫn tụt hậu rất xa so với Thái Lan nên nhiều chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục gia tăng lượng khách mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Hà Đức Mạnh, Giám đốc Công ty Du lịch thân thiện Việt Nam lại cho rằng, với quá nhiều những vướng mắc trong phát triển du lịch như hiện nay, Việt Nam cần xem lại chiến lược phát triển du lịch.

"Chúng ta tiếp tục kêu gọi du khách đến nhiều hơn để làm gì khi số lượng người quay lại chỉ 10%. Đã đến lúc không nên tiếp tục chạy theo số lượng, thu hút thêm du khách đến Việt Nam mà nên quan tâm đến chất lượng khách du lịch", ông Mạnh khẳng định.

Ông Mạnh tiết lộ, thời gian gần đây doanh nghiệp của ông không dám đưa khách đến Sapa, Hạ Long nữa vì quá đông. Các điểm du lịch của Việt Nam giàu tài nguyên thiên nhiên, vị trí tuyệt vời nhưng đang bị khai thác quá mức, khiến du khách không thực sự hài lòng, có ấn tượng không đẹp và không muốn quay trở lại.

Qua đó, ông Hà đề xuất thay đổi chiến lược phát triển du lịch theo hướng không nên chạy theo số lượng làm mục tiêu tăng trưởng mà cần nhấn mạnh vào chất lượng. Làm thế nào để gia tăng tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GDP, kết hợp du lịch với bảo vệ môi trường, công tác quản lý chứ không chỉ là sự gia tăng số lượng đơn thuần.

Thừa nhận những yếu tố cản trở du lịch Việt Nam, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, nhưng ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch công ty tư vấn Grant Thornton đưa ra một góc nhìn khả quan hơn về du lịch khi cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đón được nhiều du khách hơn. 

Nhưng ông cho rằng không thể tăng số lượng khách trong ngày một ngày hai, bởi Thái Lan cũng phải mất đến hơn 20 năm để phát triển hạ tầng và tăng trưởng khách du lịch đạt hơn 30 triệu lượt khách như hiện tại.

Ông cho rằng, việc Việt Nam tăng trưởng từ 12,9 triệu lượt khách quốc tế năm 2017 lên khoảng 16 triệu lượt năm 2018 là tín hiệu khả quan.

Mặt khác, cũng theo vị lãnh đạo này, cầu của khách sạn năm 2017 tăng nhanh hơn cung là tin tốt với các nhà vận hành. Trong tương lai, lượng cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng do lượng khách quốc tế tăng trưởng lớn hơn so với mục tiêu đề ra năm 2018.

"Trong 7, 8 năm tới, Việt Nam sẽ thu hút 30 triệu lượt khách, nhưng chúng ta phải sẵn sàng về cơ sở hạ tầng. Nếu có sự phối hợp tốt để đầu tư vào hạ tầng du lịch, Việt Nam có khả năng tăng nhiều hơn và có thể chỉ mất 7 năm để đạt lượng khách như Thái Lan hiện tại", ông Kenneth Atkinson nhận định. 

Cởi nút thắt 

Tuy nhiên, để tăng được số lượng khách quốc tế cũng không hề đơn giản và một trong số những hạn chế mà du lịch Việt Nam gặp phải là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường. 

Nói rõ hơn về "nút thắt" cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch, TS. Lương Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc VietStar Airlines bày tỏ nhiều trăn trở; trong đó, hạ tầng sân bay là một trong những thách thức lớn đối với đề án phát triển du lịch Việt Nam trong tương lai.

Phát triển du lịch
TS. Lương Hoài Nam

Theo ông Nam, việc phát triển sân bay cần phải được lưu tâm, cần những động thái tháo gỡ kiên quyết bởi nếu không, hạ tầng sân bay sẽ kìm hãm phát triển du lịch.

Ông Nam chỉ ra rằng, từ năm 1975 đến nay, Việt Nam chỉ xây mới hoàn toàn và đưa vào hoạt động duy nhất sân bay Phú Quốc và sắp tới là sân bay Vân Đồn. Các sân bay khác hầu hết đều được cải tạo từ sân bay quân sự với khả năng mở rộng hạn chế.

Đến nay, Việt Nam mới có 21 sân bay, công suất được 75 triệu khách mỗi năm. Đáng nói, "công suất 21 sân bay này cộng lại mới chỉ bằng được một sân bay ở Bangkok. Đây là những con số rất đáng lo ngại. Năm 2017, hệ thống sân bay phục vụ 95 triệu khách trên thực tế và dự kiến năm nay sẽ là 105 triệu khách. Đó là lý do các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài luôn nằm trong tình trạng quá tải, tắc nghẽn giao thông, tạo hình ảnh xấu cho ngành du lịch Việt Nam", ông Nam khẳng định.

Bên cạnh đó là hạn chế về cơ sở hạ tầng lưu trú vì theo ông Kenneth Atkinson, Hà Nội có 67 khách sạn hạng sang với hơn 10.000 phòng. Năm 2017, Hà Nội đón 4,9 triệu lượt khách quốc tế và gần 19 triệu lượt khách nội địa. 

"Tiện ích lưu trú của thành phố đã được nâng cao nhưng số lượng vẫn còn ít", nhà tư vấn nước ngoài này nhận định.

Tương tự, tại TP. HCM hiện có 641 khách sạn đang hoạt động, bao gồm 10 khách sạn 5 sao, 26 khách sạn 4 sao. Các khách sạn này lúc nào cũng trong tình trạng hết công suất. Thị trường khách sạn tại các địa phương đang phát triển nóng về du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc cũng đang rất hạn chế, gây khó khăn cho việc đẩy mạnh phát triển du lịch, ông Kenneth nhận xét.

Một điểm nghẽn khác là nguồn nhân lực. Theo ông Phạm Hồng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh, hiện tập đoàn này đang phải "vơ bèo gạt tép để tìm nhân sự ngành khách sạn".

"Với 60 khách sạn, chúng tôi có tới 16.000 nhân viên. Có thời điểm, chúng tôi mở liền 12 khách sạn cùng lúc, nhu cầu nhân lực là rất lớn. Trong khi đó, để tuyển dụng lực lượng lao động là điều vô cùng khó khăn. Những nhân sự mới ra trường hiện nay phần lớn là chưa có kinh nghiệm, còn tồn tại một số yếu điểm như kén chọn, thiếu tính kiên nhẫn, nhiệt huyết nhưng lại không muốn làm những công việc phổ thông, điều này rất khó để phát triển nguồn nhân lực", ông Dũng chia sẻ.

Bên cạnh đó là các vấn đề vướng mắc khác liên quan đến phát triển du lịch cũng được các chuyên gia chỉ ra như làm thế nào để thúc đẩy quảng bá, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển du lịch bền vững.

 Đối với một số bất cập khi nói về tính bền vững trong du lịch như môi trường, vịnh Hạ Long bị ô nhiễm từ các cửa xả và tàu thuyền hay Sapa gặp một số vấn đề về xây dựng ảnh hưởng đến cảnh quan, ông Kenneth nhấn mạnh, Việt Nam cần tập trung giải quyết một số vấn đề đó là chọn đúng phân khúc, đa dạng hóa thị trường, nguồn khách du lịch.

Bên cạnh đó, đồng quan điểm với ông Mạnh, ông Kenneth cũng cho rằng, du lịch Việt Nam cần tập trung vào chất lượng chứ không chỉ số lượng; tận dụng cơ hội từ những nền kinh tế mới, kênh phân phối mới; bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa việc phá vỡ cảnh quan.

Về giải pháp cho sự quá tải hạ tầng, đặc biệt là các sân bay tại Việt Nam, ông Nam đưa ra giải pháp xã hội hóa hạ tầng sân bay tại Việt Nam. "Nhà nước không làm được hoặc làm chậm thì nên để các doanh nghiệp tư nhân làm, như sân bay Vân Đồn thời gian vừa qua cũng đã được xây dựng một cách rất nhanh chóng."

Ông Nam cho rằng, Nhà nước cần tin tưởng hơn ở khối tư nhân, để họ tham gia vào việc xây dựng và khai thác ngành hàng không, xây mới sân bay để đẩy nhanh tốc độ phát triển ở lĩnh vực này; qua đó, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo mọi điều kiện hơn nữa cho phát triển du lịch.