Bia Sài Gòn đặt mục tiêu lãi 4.500 tỷ đồng

Trần Anh - 09:13, 10/04/2022

TheLEADERBan lãnh đạo Sabeco đưa ra mục tiêu cao chủ yếu dựa vào điểm sáng trong phục hồi ngành sản xuất kinh doanh bia khi hoạt động du lịch, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống được kích cầu.

Bia Sài Gòn đặt mục tiêu lãi 4.500 tỷ đồng

Tài liệu họp ĐHCĐ mới đây của Tổng công ty cổ phần Bia Rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đề ra doanh thu và lợi nhuận năm nay lần lượt 34.790 tỷ và 4.580 tỷ đồng, tăng lần lượt 32% và 17% so với năm 2021, quay lại xấp xỉ mức trước khi Nghị định 100 ban hành.

Ban lãnh đạo Sabeco đưa ra mục tiêu cao chủ yếu dựa vào điểm sáng trong phục hồi ngành sản xuất kinh doanh bia khi hoạt động du lịch, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống được kích cầu. Bia Sài Gòn cũng đặt kỳ vọng vào sự bình ổn trong mảng sản xuất, kinh doanh khai thác thị trường nội địa với sức mua của hàng chục triệu dân nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Đặt mục tiêu tích cực, song ban lãnh đạo Bia Sài Gòn vẫn nhận định ngành bia tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi 2 vấn đề là đại dịch và những quy định khắt khe của Chính phủ. Trong khi Covid-19 gây thiệt hại ngắn hạn, luật phòng chống tác hại rượu bia lại có phạm vi ảnh hưởng lâu dài.

Cụ thể, ngành sản xuất kinh doanh bia vẫn gặp những thách thức do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, khan hiếm hàng hóa, tắc nghẽn giao thông và cước phí vận tải tăng cao. Song song đó, thị trường tiêu thụ tiếp tục đối mặt khó khăn do Nghị định 100 và Nghị định 24 đặt ra các quy định khắt khe hơn với tiếp thị, quảng cáo bia. 

Ngoài ra, đồ uống có cồn tại Việt Nam đang chịu ba loại thuế gồm thuế nhập khẩu (khoảng 5-80% tùy loại hiệp định thương mại), thuế giá trị gia tăng (10%) và thuế tiêu thụ đặc biệt (đã tăng từ 50% lên 65% từ năm 2018).

Sabeco dự đoán nhu cầu tiêu thụ các dòng bia cận cao cấp sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, xu hướng người tiêu dùng chuyển dịch sang các phân khúc thấp hơn do thu nhập bị ảnh hưởng bởi đại dịch, có thể ảnh hưởng đến doanh thu năm 2022. Công ty cũng lường trước kịch bản bị cạnh tranh gay gắt bởi các đơn vị sản xuất bia trong cuộc chiến giành thị phần.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng, đồ uống nằm trong nhóm ngành có cơ hội tăng trưởng lợi nhuận. Đơn vị này dự đoán tiêu thụ đồ uống, đặc biệt là đồ uống có cồn sẽ không bị gián đoạn bởi các đợt giãn cách như năm 2021. Hơn nữa, tiêu thụ đồ uống nhiều khả năng sẽ tiếp cận lại gần mức trước Covid-19 khi du lịch quốc tế đến Việt Nam đã chính thức nối lại từ 15/3. 

Mặc dù vậy, biên lợi nhuận gộp của ngành sẽ giảm do giá của các nguyên vật liệu đều đang ở mức cao, trong đó có mạch nha, hương liệu, đường, nhôm và nhựa.