Bình đẳng giới cho lực lượng lao động ổn định và gắn bó

Kiều Mai - 18:02, 07/03/2020

TheLEADERMức độ quan tâm cao và liên tục đến những vấn đề về giới giúp cải thiện trải nghiệm của người lao động nữ và là cách thức giữ chân người lao động trong khu vực sản xuất hàng loạt.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, 47 tuổi, còn giữ ký ức sống động về những ngày đầu làm công nhân may tại Công ty May 40, một doanh nghiệp nhà nước tại Hà Nội. Hồi đó là năm 1992 với ngày làm việc có thể kéo dài từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm.

“Thời gian đó thực sự khó khăn đối với chúng tôi,” chị Huyền nhớ lại.

27 năm sau, chị Huyền từ công nhân may đã trở thành quản đốc phân xưởng may của nhà máy tại Hà Nội nhưng đó chưa phải là thay đổi lớn nhất. Chính sách của công ty và kỳ vọng về công việc cũng rất khác biệt.

Từ khi Maxport trở thành chủ sở hữu của các nhà máy ở đây, chị Huyền cho biết không còn phải làm việc ngoài giờ suốt nữa và việc làm ngoài giờ sẽ được lên kế hoạch từ trước, giúp chị có thời gian chủ động chăm sóc gia đình.

“Vì vậy, chúng tôi cảm thấy có thể quản lý cuộc sống của mình. Khi đến nơi làm việc, chúng tôi có máy lạnh, vì vậy cảm giác dễ chịu hơn ở nhà. Môi trường làm việc thực sự rất tốt”, chị chia sẻ.

Đây không phải là kết quả tình cờ. Maxport Limited đã mua nhà máy này ở Hà Nội vào năm 2006 và kể từ đó nhà máy đã sản xuất cho các thương hiệu hàng đầu trên toàn cầu như Nike, Lululemon, Kathmandu và Spyder. Công ty, với ba nhà máy khác tại Việt Nam, có kế hoạch tham vọng về gia tăng lực lượng lao động và mở rộng tiếp cận thị trường toàn cầu.

Bình đẳng giới cho lực lượng lao động ổn định và gắn bó
Dây chuyền may tại công ty may Maxport Limited. Ảnh Dominic Chavez/IFC.

Tổng giám đốc kiêm nhà sáng lập Nicholas Stokes tin rằng sự hài lòng của 6.000 nhân viên Maxport mà 85% trong số đó là phụ nữ có vai trò tối quan trọng đối với chiến lược này.

Thừa nhận rằng việc sản xuất hàng loạt có thể “gây chán nản”, ông mô tả rằng “đó là công việc mà toàn những phụ nữ trẻ phải ngồi tại máy may tám hay chín tiếng mỗi ngày, làm công việc lặp đi lặp lại. Cuộc sống không thể chỉ đơn điệu như vậy.”

Để đẩy mạnh nỗ lực ban đầu nhằm tạo ra một nơi làm việc tốt đẹp hơn, Maxport đã làm việc cùng các chuyên gia của IFC vào giữa năm 2018 trong khuôn khổ một dự án toàn cầu về việc làm cho phụ nữ, hợp tác với chính phủ Canada.

Hiện Maxport là một trong bảy công ty duy nhất tại Việt Nam đạt được chứng nhận toàn cầu Lợi ích kinh tế từ bình đẳng giới (Economic Dividend for Gender Equality - EDGE) - một phương pháp đánh giá và chứng nhận doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn về bình đẳng giới phổ biến trên thế giới.

“Khi tôi tiếp xúc với những người khác trong ngành, tôi nhận thấy dường như chúng tôi đang làm mọi việc theo cách hơi khác biệt”, Stokes chia sẻ.

Tầm nhìn doanh nghiệp ở thị trường khan hiếm lao động

Maxport đã tạo ra một mô hình doanh nghiệp may mặc cho các đồng nghiệp cùng ngành tại Việt Nam – quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ ba thế giới. Ngành này cung cấp việc làm cho hơn 2,5 triệu lao động Việt Nam, chủ yếu là phụ nữ.

Bình đẳng giới cho lực lượng lao động ổn định và gắn bó 1
Giới nữ chiếm phần lớn lực lượng lao động tại Maxport. Ảnh: IFC.

Những nỗ lực của công ty cùng điều kiện làm việc ngày một tốt hơn có ý nghĩa quan trọng đối với Nguyễn Hà, một bà mẹ ba con đã làm công nhân may 15 năm nay.

“Maxport là công ty tuân thủ các quy định pháp luật và đảm bảo chúng tôi nhận được mọi quyền lợi mà chúng tôi xứng đáng được nhận”, chị Hà nói. “Tôi là người rất yêu thiên nhiên nên khi đến làm việc tại Maxport, tôi thấy môi trường xung quanh rất xanh, sạch và trong lành, một điều tôi rất thích". 

Bà Võ Thu Hằng, Giám đốc nhân sự của Maxport, cho biết: “Một số công ty giữ sổ bảo hiểm xã hội và sổ lao động của nhân viên, vì vậy người lao động có th gặp rủi ro mất quyền lợi nếu muốn chuyển việc. Nhưng ở Maxport, chúng tôi nghiêm chỉnh tuân thủ luật pháp và chúng tôi muốn tạo ra nơi làm việc tốt cho nhân viên. Chúng tôi muốn phát triển lực lượng lao động lên 10.000”.

Với mục tiêu này, công tác tư vấn về giới của IFC bắt đầu với việc đánh giá lực lượng lao động của Maxport. Theo kết quả đánh giá, trong khi công ty duy trì cân bằng giới hợp lý ở tất cả các cấp, thì tỷ lệ vắng mặt không lý do và nghỉ việc, dù thấp hơn so với các công ty khác trong ngành, vẫn tiêu tốn của công ty hơn 870.000 USD một năm.

Các cuộc họp nhân sự để giải thích mục tiêu của EDGE tới các cuộc khảo sát tại nơi làm việc, đã thu hút được sự tham gia của người lao động với “những câu trả lời dài cả trang giấy,” ông Stokes cho biết. Ông tin rằng việc tìm hiểu và giải quyết các lo ngại về giới giúp cải thiện nguồn nhân lực và là cách thức giữ chân người lao động trong ngành sản xuất hàng loạt.

Maxport cũng đang tham gia chương trình Việc làm tốt hơn Better Work Việt Nam – chương trình hợp tác đặc biệt giữa Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và IFC với mục tiêu cải thiện điều kiện làm việc trong ngành dệt may xuất khẩu thông qua các dịch vụ đào tạo và giám sát tiêu chuẩn lao động.

Ngoài ra, IFC cũng cung cấp tài trợ thương mại thông qua chương trình Tài trợ thương mại toàn cầu cho nhà cung cấp (GTSF), hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao các tiêu chuẩn môi trường và xã hội thông qua các cơ chế tài trợ vốn ưu đãi.

Chất lượng cuộc sống tốt hơn

Các chính sách lao động và các giá trị Maxport đề cao đã có tác động sâu sắc đến cuộc sống của nhiều người lao động. Đối với những phụ nữ như Hà và Huyền, sự chuyển đổi từ những ngày xa xưa của Công ty May 40 thành Maxport hiện nay đã giúp họ có thời gian và điều kiện tài chính để chăm sóc gia đình nhỏ.

“Khi còn làm việc cho Công ty May 40, chúng tôi cực kỳ bận và tôi thậm chí còn không nghĩ đến việc có con vào thời điểm đó, vì tiền lương không đủ”, chị Huyền cho biết. “Bây giờ tôi dễ dàng quản lý gia đình và làm việc.”

Vì 60% lực lượng lao động ở độ tuổi từ 18 đến 26, ông Stokes cho biết việc cung cấp dịch vụ trông trẻ có thể là bước tiếp theo. “Mục tiêu lâu dài của tôi là xây dựng một thành phố nhỏ trong nhà máy. Vì vậy sẽ có dịch vụ trông trẻ và các dịch vụ khác,” ông Stokes cho hay.