Bình Thuận 'lắc đầu' với 2 dự án điện tỷ đô

Nguyễn Cảnh - 15:43, 10/02/2021

TheLEADERĐề xuất của doanh nghiệp về 2 dự án năng lượng trị giá gần 5 tỷ USD đều không nhận được đồng thuận từ sở ngành, địa phương tỉnh Bình Thuận.

Bình Thuận 'lắc đầu' với 2 dự án điện tỷ đô
Chồng lấn quy hoạch, không đủ khả năng đấu nối truyền tải lên lưới điện, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp là lý do khiến 2 dự án tỷ đô không vượt qua vòng thẩm định của Sở công thương tỉnh Bình Thuận.

Quý III/2020, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đắk Nông đề xuất tới tỉnh Bình Thuận về dự án điện gió công suất 1.000 MWP (nằm hoàn toàn trên biển tại xã Hòa Thắng, diện tích mặt nước sử dụng 2.000ha, tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD) và dự án điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phan Rí Thành, Hòa Thắng và thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình (diện tích khoảng 1.205ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD).

Tuy nhiên, theo Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, cả 2 dự án này đều chưa thực hiện được và chưa đủ điều kiện để báo cáo tỉnh xem xét quyết định chủ trương đầu tư.

Với dự án điện gió trên biển, vị trí đầu tư nhà máy tại vùng biển xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình chưa có tên trong danh mục nguồn điện của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 ban hành kèm theo Quyết định 428/QĐ-TTg của Thủ tướng; chưa có trong Quy hoạch điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025 có xét đến 2035, hợp phần I-Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110 KV được Bộ Công thương phê duyệt hồi tháng 12/2018. 

Ngoài ra, dự án chưa có trong Quy hoạch điện gió tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Bộ Công thương phê duyệt.

Trong diện tích khảo sát 2.000ha trên biển, có khoảng 110ha chồng lấn khu vực khảo sát đăng ký dự án gió ngoài khơi theo đề xuất của Công ty CP Năng lượng Dầu khí Châu Á; phần diện tích còn lại (khoảng 1.890 ha) không chồng lấn các khu vực khảo sát đăng ký dự án gió ngoài khơi của các nhà đầu tư khác.

Tuy nhiên, theo Sở Công thương đánh giá, vị trí dự án cách bờ khoảng 1 km là quá gần bờ, khả năng ảnh hưởng đối với đánh bắt thủy hải sản, đường hàng hải,...

Bên cạnh đó, dự án điện gió này chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực được Thủ tướng, Bộ Công thương phê duyệt. Việc đấu nối lưới điện tại khu vực dự án chưa được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. 

Tại khu vực xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình và khu vực lân cận đã có nhiều dự án điện hiện hữu, các dự án điện gió, điện mặt trời đã được duyệt quy hoạch, các dự án được Bộ Công thương tổ chức họp thẩm định. 

Do đó, khả năng tiếp nhận, truyền tải thêm nguồn điện từ dự án điện gió theo đề xuất lên lưới điện truyền tải hiện hữu tại khu vực là không thể đáp ứng được.

Ngoài ra, hiện chưa có quy định cụ thể cho loại hình điện gió trên biển (ngoại trừ quy định về giá mua điện gió tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng và quy định về ranh giới biển phân biệt dự án điện gió trên biển và dự án điện gió trong đất liền tại Thông tư 02/2019/TT-BCT của Bộ Công thương) và chưa có quy định cụ thể về khảo sát dự án điện gió trên biển, về kỹ thuật, khoảng cách an toàn đối với khu vực lân cận trên biển, diện tích sử dụng mặt biển,… đối với điện gió trên biển.

Việc xem xét chủ trương khảo sát đo gió trên biển, đăng ký đầu tư dự án điện gió trên biển chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể các vấn đề về đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn hàng hải, môi trường sinh thái, tài nguyên biển, quy hoạch không gian biển, quy hoạch dầu khí (nếu có),... 

Ngày 19/3/2020, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng về bổ sung quy hoạch các dự án điện gió. 

Theo đó, đối với tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 không có dự án điện gió mới bổ sung quy hoạch điện lực. Thủ tướng đã có ý kiến thống nhất tại công văn 693/TTg-CN ngày 9/6/2020.

Dự án có nguồn vốn đầu tư lớn (nhà đầu tư dự kiến khoảng 2 tỷ USD). Theo quy định, nhà đầu tư phải chứng minh tỷ lệ vốn chủ sở hữu của dự án trên tổng mức đầu tư theo quy định. 

Qua rà soát các nội dung liên quan, Sở Công thương xác định việc đầu tư dự án điện gió trên biển theo đề xuất của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đắk Nông là chưa đủ điều kiện để báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.

Đối với dự án điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao (xã Phan Rí Thành, Hòa Thắng và thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình).

Dự án (diện tích khảo sát khoảng 1.205 ha) chưa có tên trong danh mục nguồn điện của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030; chưa có trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 – 2025 có xét đến năm 2035; Hợp phần I – Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110 kV phê duyệt hồi tháng 12/2018.

Khu vực đề xuất dự án (khoảng 1.205 ha) có phần lớn diện tích (khoảng 1.035 ha) chồng lấn các khu vực quy hoạch titan tiểu khu Lương Sơn II (đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030; hiện Bộ Tài nguyên và môi trường đã cấp phép thăm dò cho Tổng công ty Đông Bắc) và dự án điện gió Hòa Thắng 1.3, dự án điện gió Phan Rí Thành (đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch; dự án điện gió Phan Rí Thành đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho Tổng công ty Xây dựng số 1– Công ty CP Khảo sát, nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy điện gió năm 2008).

Phần diện tích còn lại (khoảng 170 ha) nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (quặng titan) đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 6/5/2014.

Dự án điện mặt trời theo đề xuất của nhà đầu tư hiện chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực được Thủ tướng, Bộ Công thương phê duyệt. 

Việc đấu nối lưới điện tại khu vực dự án chưa được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Việc đấu nối, truyền tải lên lưới điện truyền tải hiện hữu tại xã Phan Rí Thành, Hòa Thắng và thị trấn Chợ Lầu và khu vực lân cận đã có nhiều dự án điện (đã được duyệt quy hoạch, thẩm định, trình phê duyệt bổ sung quy hoạch). 

Do đó, khả năng tiếp nhận, truyền tải thêm nguồn điện từ dự án điện mặt trời theo đề xuất lên lưới điện truyền tải hiện hữu là không thể đáp ứng.

Còn theo đánh giá của UBND huyện Bắc Bình (nơi dự án đăng ký đầu tư), toàn bộ vị trí khu đất dự án là đất sản xuất nông nghiệp ổn định của hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trong đó có đất sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc xã Phan Hiệp). Việc thực hiện dự án sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất và đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, vị trí khu đất chồng lấn vào đất chăn nuôi tập trung, đất trồng cây công nghiệp, đường liên xã, đường huyện lộ; chồng lấn vào quy hoạch các công trình, dự án như: hệ thống cấp nước ngọt của Công ty Rạng Đông đang xin lập thủ tục đầu tư đi qua với diện tích khoảng 1,5 ha; tuyến đường quy hoạch Phan Hiệp - Chợ Lầu với diện tích khoảng 3,4 ha; tuyến đường quy hoạch Phan Rí Thành - Bình Tân; nằm ngoài quy hoạch phát triển điện mặt trời…