Bộ Tài chính nói gì về chỉ số công khai ngân sách Việt Nam thấp?

Quỳnh Chi - 08:00, 30/03/2018

TheLEADERTheo đại diện Vụ Ngân sách, Bộ Tài chính, Việt Nam có những đặc thù riêng như hệ thống ngân sách lồng ghép, một hệ thống mà rất ít các nước trên thế giới có. Do đó, việc tính toán các chỉ số công khai ngân sách cần tính đến tính đặc thù của từng quốc gia.

Bộ Tài chính nói gì về chỉ số công khai ngân sách Việt Nam thấp?
Bà Đinh Mai Anh, Vụ Ngân sách, Bộ Tài chính phát biểu tại sự kiện công bố chỉ số OBI 2017.

Theo công bố Chỉ số công khai ngân sách 2017 (OBI), Việt Nam ghi được 15/100 điểm xếp hạng ở trụ cột thứ nhất về công khai ngân sách, so với mức trung bình toàn cầu là 42/100 điểm xếp hạng.

Ở trụ cột thứ hai về sự tham gia của công chúng, Việt Nam chỉ ghi được 7/100 điểm xếp hạng, trong khi mức trung bình toàn cầu là 12 điểm. Trong đánh giá năm 2015, chỉ số này của Việt Nam là 42 điểm, so với mức trung bình của thế giới là 25 điểm.

Theo các chuyên gia đến từ Tổ chức đối tác ngân sách quốc tế (IBP), những con số này cho thấy công chúng được cung cấp ít thông tin về ngân sách, việc công bố thông tin và tài liệu ngân sách chưa kịp thời hoặc công bố chậm hơn các thông lệ tốt của quốc tế, các tài liệu được công bố còn chưa đủ thông tin như chuẩn mực.

Bà Đinh Mai Anh, Vụ Ngân sách (Bộ Tài chính) cho biết, Luật Ngân sách nhà nước ban hành năm 2015 và có hiệu lực từ đầu năm 2017 đã có những sửa đổi theo hướng tiếp cận và mang lại những hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên bà cho rằng, khảo sát OBI và POBI 2017 được thực hiện vào thời điểm cuối năm 2016 trong bối cảnh Luật Ngân sách nhà nước chưa được áp dụng dẫn đến điểm số của Việt Nam chưa được cải thiện.

“Tại thời điểm này chưa có quy định công bố dự thảo ngân sách dẫn đến việc Việt Nam mất rất nhiều điểm về công khai minh bạch (trọng số 53/109 câu hỏi)”, bà Mai Anh cho biết.

Các thông tin trước đây chỉ có trong dự toán quyết toán với các con số rất cứng nhắc, khó hiểu thì nay đã được yêu cầu công khai và đặt trong sự so sánh với giai đoạn trước.

Cụ thể, khi công khai dự toán cần so sánh với tình hình thực hiện ngân sách năm trước, khi công khai thực hiện theo từng quý cần phải so sánh dự toán năm để thấy được sự tiến bộ trong năm và phải so sánh với cùng kỳ năm trước đó.

Khi công khai quyết toán cần so sánh với dự toán để thấy được kết quả thực hiện theo các mục tiêu đã đặt ra. Cùng với đó yêu cầu có các báo cáo và thuyết minh, giải trình ngân sách nhằm tăng tính minh bạch giúp người đọc dễ hiểu, dễ tiếp cận về bố trí chi tiêu ngân sách.

Bên cạnh đó, việc tham gia của người dân cũng đã được thể hiện trong điều 16 của Luật Ngân sách nhà nước, trong các nghị định và thông tư hướng dẫn luật giúp người dân có nhiều cơ hội trong việc tham gia vào quá trình ngân sách.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong năm qua, bộ này đã mở chuyên mục hỏi – đáp với cơ quan chuyên trách là Cục Tin học để tiếp nhận các ý kiến của người dân. Các câu hỏi được ghi nhận, tổng hợp và gửi đến các cơ quan liên quan trả lời và giải đáp ngay. Bên cạnh đó, các cơ quan phải tổng hợp báo cáo kết quả hàng quý và chấn chỉnh kịp thời ngay các vấn đề còn tồn tại.

“Năm ngoái, chỉ số tham gia của người dân là 42/100 và xếp vào nhóm các nước có sự chia sẻ thông tin cho người dân rất cao nhưng năm nay đã tụt xuống chỉ còn 7 điểm là một điều khó chấp nhận”, bà Mai Anh nói.

Bộ Tài chính nói gì về chỉ số công khai ngân sách Việt Nam thấp?
Chỉ số công khai ngân sách của Việt Nam so với khu vực OBI 2017.
Chỉ số công khai ngân sách thấp, Bộ Tài chính nói gì
Sự tham gia của công chúng ở các quy trình ngân sách của Việt Nam so với khu vực.

Đại diện Bộ Tài chính cho hay, chỉ số này tụt giảm mạnh như vậy có thể là do thay đổi về phương pháp đánh giá vì trong năm qua Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực và tiến bộ. 

Do đó, nhóm nghiên cứu cần có sự chia sẻ với các quốc gia cũng như có sự tham vấn sớm hơn để họ có hướng điều chỉnh và giải quyết vấn đề từ đó có được kết quả chính xác và khả quan nhất, đồng thời tăng tính hữu ích của báo cáo đánh giá.

Cũng theo bà Mai Anh, bộ câu hỏi xây dựng trong khảo sát OBI cần mang tính toàn diện và bao quát được tất cả những yêu cầu chung đối với các quốc gia nhưng cũng phải tính đến tính đặc thù của từng quốc gia.

Chẳng hạn, một trong những yếu tố khiến Việt Nam tụt điểm về công khai ngân sách là do chưa công bố kịp thời. Việt Nam có những đặc thù riêng như hệ thống ngân sách lồng ghép, một hệ thống mà rất ít các nước trên thế giới có. Chính đặc thù này đã khiến Bộ Tài chính mất một thời gian rất dài để tổng hợp báo cáo quyết toán từ cấp xã, huyện cấp tỉnh đến cấp Trung ương.

Giải thích việc Việt Nam chưa thực hiện công bố báo cáo giữa kỳ, bà Mai Anh cho biết, trên thực tế có xây dựng và có công khai tuy nhiên chưa đáp ứng được thông lệ quốc tế là đưa ra các thông tin định lượng về dự báo kinh tế vĩ mô cũng như kết quả ngân sách cho 6 tháng còn lại và ước tính cho cả năm.

Đặc thù của Việt Nam là hai kỳ họp trong năm của Quốc hội diễn ra vào tháng 5 và tháng 10. Kỳ họp vào tháng 5 có đưa ra báo cáo kết quả thực hiện của bốn tháng đầu năm nhưng thời gian còn quá sớm để đánh giá cũng như đưa ra dự báo cho cả năm nên chỉ có thể thực hiện tại kỳ họp cuối năm cho nên chưa thực hiện được như thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, bà Mai Anh cũng lý giải thêm cho việc báo cáo ngân sách công dân kèm báo cáo ngân sách Việt Nam hàng năm có phần chậm trễ. Theo đại diện Bộ Tài chính, các báo cáo này thường được thực hiện, biên soạn và công bố vào tháng đầu tiên của năm dự toán. 

Tuy nhiên 9 tháng đầu năm 2016 tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến mức ước tính thu ngân sách cả năm ở mức rất thấp. Tình hình này đã được phản ánh ở báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp tháng 10/2016.

Song xuất phát từ các nỗ lực, kinh tế quý IV/2016 đã có những cải thiện đáng kể, tăng trưởng nhanh, thu ngân sách tăng cao hơn mức kỳ vọng. Do đó, khi đáng lẽ Bộ Tài chính phải xây dựng báo cáo ngân sách công dân cùng báo cáo ngân sách chi tiết vào tháng 1/2017 thì lúc này tất cả các thông tin đã lỗi thời và cần phải cập nhật lại.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã quyết định không công bố báo cáo ngân sách công dân tại thời điểm đó đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát và báo cáo tổng thể, trình cấp trên có thẩm quyền thông tin cập nhật nhất và có bức tranh sáng sủa hơn cho người dân.

“Chúng tôi đã quá cầu toàn, muốn cung cấp cho người dân bức tranh kinh tế xã hội và tình hình ngân sách trung thực và cập nhật nhất đến người dân nên có muộn hơn yêu cầu của OBI”, bà Mai Anh cho biết.