Các tập đoàn lớn đang lãng phí khoảng 50% chi phí truyền thông

Quỳnh Như - 09:55, 18/08/2018

TheLEADERMột khảo sát do Nielsen tổ chức với tất cả Giám đốc Sale và Marketing của các tập đoàn lớn trên thế giới cho thấy, có khoảng 30% đến 50% chi phí truyền thông bị lãng phí, 40% mục tiêu chiến dịch không đúng với yêu cầu.

Các tập đoàn lớn đang lãng phí khoảng 50% chi phí truyền thông
Rất ít người trong ngành có thể đo lường được chính xác tác động cụ thể của từng phương tiện đối với doanh thu bán hàng.

Các chuyên gia nhìn nhận, hiện nay nhiều khách hàng sử dụng hơn một thiết bị điện tử, do đó, xu hướng tiếp thị online là phải thực hành trên đa phương tiện. Ví dụ, một quy trình tiêu dùng du lịch: 

Thứ Ba: 8 giờ sáng, tại tàu điện ngầm, họ sẽ vào các trang web về du lịch bằng smartphone để xem thông tin - 10 giờ sáng, họ sẽ tìm kiếm các giá vé máy bay hợp lý bằng deskop tại nơi làm việc - 1 giờ trưa, họ sẽ tìm kiếm thông tin các hoạt động vui chơi ở địa phương muốn đến du lịch bằng tablet khi ăn trưa.

Thứ Tư: 3 giờ chiều, họ sẽ đặt vé máy bay bằng smartphone tại nơi làm việc - 9 giờ 30 tối, họ sẽ xem về quảng cáo khách sạn trên TV ở nhà. 

Thứ Năm: 8 giờ sáng, họ sẽ đặt chỗ khách sạn bằng laptop tại nhà.

Khoảng 50% chi phí truyền thông của các tập đoàn lớn đang bị lãng phí
Bà Nguyễn Phương Thảo, Quản lý cao cấp của Nielsen Việt Nam

“Xu hướng quan trọng thứ hai chính là tiếp thị đa kênh (Omni Channel), kết hợp giữa phương thức marketing – sale truyền thống và công nghệ, hợp nhất offline và online. Omni Channel giúp tối đa hoá doanh thu nên đây là xu hướng mà các doanh nghiệp buộc phải theo, chứ không phả là lựa chọn nên hay không nên”, bà Nguyễn Phương Thảo – Quản lý cao cấp của Nielsen Việt Nam bình luận trong Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2018 do VECOM tổ chức vừa qua.

Cuối cùng, để cạnh tranh, các doanh nghiệp cần có khả năng xử lý dữ liệu, học tập và phân phối thời gian thực nhằm cung cấp trải nghiệm khách hàng có liên quan; bằng cách sử dụng máy học – trí thông minh nhân tạo – marketing thời gian thực.

Tuy nhiên, theo bà Thảo, không phải cứ đi theo các xu hướng trên thì các chiến dịch tiếp thị của doanh nghiệp sẽ thành công.

Thứ nhất, do có quá nhiều kênh/công cụ, khiến thông điệp truyền thông của doanh nghiệp có thể bị rối loạn. Thế nên, để luôn mang lại những giá trị thiết thực cho người tiếp nhận thông tin, đảm bảo tất cả mọi người đều vui vẻ tiếp nhận thông tin mà doanh nghiệp đưa ra đồng thời luôn duy trì sự tiếp nhận, dẫn tới yêu thích thương hiệu và trở thành khách hàng trung thành là điều không hề dễ dàng.

Thứ hai, marketing đa phương tiện sẽ đồng nghĩa với việc đo lường rất khó khăn và vì không thể đo lường chính xác hiệu quả, nên các chiến dịch truyền thông bị lãng phí khủng khiếp.

Việc đo lường hiệu quả từ những chiến dịch marketing trên các kênh online cũng rất khó khăn. Ví dụ: không thể đo được chính xác nếu 1 người xài tới 3 thiết bị điện tử. Hay các thước đo cũng không đồng nhất, có nơi tính view, có chỗ lại tính like/click/share hoặc flash click. Thế nên, rất khó để biết các kênh tác động tới doanh số bán hàng như thế nào.

Trong một khảo sát do Nielsen tổ chức, tất cả Giám đốc Sale và Marketing của các tập đoàn lớn trên thế giới đều cho rằng, hoạt động tiếp thị vô cùng quan trọng với sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng chỉ 4 trong số họ tự tin khẳng định các chiến dịch quảng bá của mình hiệu quả.

Có khoảng 30% đến 50% chi phí truyền thông bị lãng phí, 40% mục tiêu chiến dịch không đúng với yêu cầu. Ví dụ: có một nhãn dung dịch vệ sinh phụ nữ nọ, 80% mục tiêu trong chiến dịch truyền thông của họ sai đối tượng, trong đó có 40% là nam giới.

Giải pháp mà Nielsen đưa ra là: sử dụng nhiều công cụ đo lường, sau đó lấy kết quả của tất cả các công cụ, bằng các nghiệp vụ chuyên môn về phân tích data sẽ cho ra hiệu quả cụ thể của cả chiến dịch lẫn từng kênh tác động lên doanh thu bán hàng. 

Hiện tại, đang có hẳn 12 công cụ đo lường khác nhau giúp nhân sự marketing kiểm soát hoạt động các chiến dịch và có thể gắn kết kết quả của chúng để có một dữ liệu hoàn chỉnh. Có thể kể ra đây: sales lift, impressions, social media engagement, click throught rates, custumer surveys, brand awareness, bounce rates, cpc…

Ngoài các công cụ trên, doanh nghiệp có thể sử dụng thêm mô hình đa biến để biết chúng có tác động cụ thể đến chuyện bán hàng như thế nào.

“Hiểu là một chuyện, biết sử dụng hiệu quả là một câu chuyện khác. Để cạnh tranh, các doanh nghiệp cần có khả năng xử lý dữ liệu, học tập và có khả năng phân phối hàng thời gian thực, nhằm cung cấp trải nghiệm khách hàng có liên quan; bằng cách sử dụng máy học – trí thông minh nhân tạo – marketing thời gian thực”, bà Thảo kết luận.