Cách duy nhất cứu doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế

Phương Linh - 09:16, 15/09/2021

TheLEADERChuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, từng bước mở cửa từng phần nền kinh tế là giải pháp duy nhất cho tăng trưởng kinh tế lúc này.

Cách duy nhất cứu doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng

Đầu tháng 7/2021, khi được hỏi về triển vọng tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ông chưa nhìn thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”.

Thời điểm đó, đại dịch Covid-19 mới bùng phát trở lại tại TP.HCM và dịch bệnh chưa diễn biến nghiêm trọng như hiện tại.

Hai tháng sau, một điều đáng buồn là câu trả lời của vị chuyên gia này về tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm vẫn vậy, chỉ có nhiều hơn những trăn trở, suy tư của ông về những khó khăn chưa từng có mà nền kinh tế đang phải đối diện.

Khi mà số ca nhiễm mới trên cả nước đã vượt 10.000 ca/ngày, một mốc cực kỳ nguy hiểm, ông Hiếu chia sẻ rằng, ông không bi quan nhưng cũng không thể lạc quan trong tình hình hiện nay.

Sự lạc quan là rất khó khi mà cả nền kinh tế Việt Nam đang hứng chịu những tác động quá mạnh bởi dịch bệnh. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng do giãn cách xã hội và các biện pháp phòng dịch của Chính phủ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Đơn cử như với nông nghiệp, sản phẩm người nông dân sản xuất ra đang gặp khó khăn rất lớn trên con đường đến tay người tiêu dùng và thị trường xuất khẩu.

"Đáng nói, không chỉ đứt gãy đầu ra, đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất cũng bị gián đoạn. Chuỗi cung ứng sản xuất của người nông dân, doanh nghiệp bị đứt gãy ở cả hai đầu", ông Hiếu phân tích.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng chỉ ra rằng, việc đứt gãy lực lượng lao động sản xuất cũng là vấn đề lớn. Tại nhiều tỉnh thành phố có dịch bệnh bùng phát mạnh, đặc biệt là tại miền Nam, người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất không thể đến nơi làm việc do giãn cách xã hội. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại không thể chịu nổi chi phí cho giải pháp 3 tại chỗ, điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất công nghiệp trong tháng 8/2021 đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước

Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách xã hội liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 lên tới 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó TP.HCM có 24 nghìn doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong 8 tháng đầu năm 2021, có 30,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%. Trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, yếu tố tác động lớn nhất đến doanh nghiệp và nền kinh tế từ nay đến cuối năm là vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng và lực lượng lao động.

Nền kinh tế năm nay sẽ bị tác động rất lớn bởi dịch bệnh khi cả 3 lĩnh vực chủ đạo là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều hầu như ngưng trệ.

"Tăng trưởng kinh tế năm 2021 là điều rất khó đoán định và đưa ra dự báo. Chừng nào chuỗi cung ứng được hồi phục lại, người lao động trở lại doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh, chừng nào thị trường xuất khẩu hồi phục lại, khi đó nền kinh tế mới có thể phục hồi", ông Hiếu nhấn mạnh.

Cần từng bước mở cửa nền kinh tế

Trước thực trạng các doanh nghiệp đang rất khó khăn như hiện nay, ông Hiếu cho rằng, giải pháp duy nhất cho tăng trưởng là mở cửa từng phần nền kinh tế.

"Chúng ta không thể mãi đóng băng và phong tỏa như thế này! Hai đầu tàu của kinh tế Việt Nam là TP.HCM và Hà Nội, nếu tiếp tục đóng cửa một tháng nữa, thiệt hại về kinh tế sẽ rất lớn, trong khi sức chống chịu của doanh nghiệp có hạn", vị chuyên gia này nhận định và đưa ra ba giải pháp cấp bách để “cứu” doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Thứ nhất, các thông tin về dịch bệnh, cứu trợ người lao động khó khăn, tiêm chủng, y tế và kinh tế xã hội cần được công bố một cách chính xác để người dân nắm được tình hình thực tế. Có như vậy, công tác chống dịch và phát triển kinh tế mới có thể thực hiện hiệu quả. Các cơ quan quản lý nhà nước không nên có tâm lý lo sợ sự bất ổn cho người dân khi đưa ra những thông tin chính xác về dịch bệnh.

Bên cạnh đó, để từng bước kiểm soát được đại dịch, Chính phủ cần đưa số ca nhiễm mới xuống dưới 10.000 người/ngày và giữ ở mức đó ít nhất một tuần. Đồng thời số lượng người tử vong cũng phải giảm liên tục trong ít nhất một tuần để chứng tỏ việc dịch bệnh đã được kiểm soát.

Còn nếu các số liệu về ca nhiễm mới và tử vong liên tục biến động lên xuống thì rõ ràng là chúng ta chưa kiểm soát được dịch để dần mở cửa nền kinh tế.

Thứ hai, theo ông Hiếu, Chính phủ cần đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng. Tại TP.HCM, hiện phần lớn người trưởng thành đã được tiêm 1 mũi vaccine, tuy nhiên, tỷ lệ người được tiêm mũi thứ hai vẫn còn rất ít.

Các cấp chính quyền địa phương không chỉ tại TP.HCM mà trên cả nước cần tăng tốc trong cuộc chiến vaccine nhằm sớm đưa xã hội sống chung an toàn với dịch bệnh.

Thứ ba, như đã nói ở trên, giải pháp quan trọng nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế lúc này theo ông Hiếu là từng bước mở cửa từng phần nền kinh tế.

Vừa qua, trong TP.HCM đã có dự thảo về mở từng phần, song vị chuyên gia này cho rằng, văn bản này chỉ mang tính hành chính, phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị. Điều đó là tốt nhưng rõ ràng, thành phố chưa có một mô hình vĩ mô về việc sẽ mở cửa như thế nào.

Để có một chương trình mở cửa cụ thể, trước hết các địa phương cần nghiên cứu, xem xét xem các đối tượng nào được nới lỏng giãn cách trước tiên. Đơn cử như trước hết cần cho phép người dân được đi lại, sau đó đến các nhân viên giao hàng, phương tiện công cộng xe bus, taxi và doanh nghiệp.

Đối với việc cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại, các cơ quan quản lý cũng cần xem xét dựa trên mức đóng góp của họ với GDP của thành phố, sử dụng bao nhiêu lao động. Các tiêu chí đưa ra phải được định lượng và định tính, trên cơ sở đó mới có các quyết định về việc mở cửa cho các doanh nghiệp nào trước, doanh nghiệp nào sau.

Các địa phương cần có kế hoạch rất cụ thể, chi tiết về việc mở cửa từng thành phần của nền kinh tế để đảm bảo vừa giúp khôi phục hoạt động kinh tế cho doanh nghiệp, người dân, vừa đáp ứng yêu cầu sống chung an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh bình thường mới, ông Hiếu nhấn mạnh.