Cách giữ người hay nhất: Giúp nhân viên là chính mình

Kiều Mai - 11:20, 11/11/2022

TheLEADERNgười lãnh đạo, người làm nhân sự cần giúp nhân viên tìm thấy chính bản thân trong doanh nghiệp giữa bối cảnh đầy lo âu, biến động, và khủng hoảng hiện sinh.

Nhiều áp lực với người làm nhân sự

Nếu được miêu tả bối cảnh hiện nay trong một từ, rất nhiều người biết đến từ VUCA – một thế giới đầy sự biến động (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity), và mơ hồ (Ambiguity).

“Nếu VUCA cho thấy sự biến động nhanh đến chóng mặt, miêu tả thế giới vĩ mô, thì BANI cho thấy sự chuyển động, vận hành trong mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân”, ông Vũ Đức Trí Thể, Giám đốc giải pháp Học viện Quản lý PACE, phân tích.

Theo đó, thế giới ngày nay là một thế giới mong manh (Brittle), mọi thứ cực kỳ dễ đổ vỡ, và ở đó, con người cũng trở nên mong manh hơn, đặc biệt là các nhân sự trẻ.

Không chỉ vậy, xung quanh cuộc sống đầy sự lo âu (Anxious), khi vây quanh con người là quá nhiều tin tức, quá nhiều thông tin, quá nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát.

“Một điều rất đặc biệt ở thế giới hiện nay là sự phi tuyến (Non-linear), khó dự đoán, không tuân theo quy luật”, ông Thể nhấn mạnh tại sự kiện HR Tech Conference 2022 do TopCV tổ chức.

Đơn cử như trước đây, nếu muốn nhân viên gắn kết, làm việc tốt hơn, thì doanh nghiệp lựa chọn tăng lương, tăng thưởng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc tăng lương, tăng thưởng không còn mang lại tác động mạnh mẽ như trước.

Không chỉ vậy, những doanh nghiệp trước đây từng được xem như đối thủ, thì nay lại có phần hợp tác.

“Điều này có nghĩa là giờ đây, có rất nhiều công thức, niềm tin, những giá trị không còn giống như trước. Một thế giới phi tuyến là thế giới không còn đi theo một kịch bản dễ thấy được, và rất khó hiểu”, ông Thể chia sẻ.

a
Ông Vũ Đức Trí Thể, Giám đốc giải pháp Học viện Quản lý PACE.

Ngoài VUCA, BANI, một từ rất mới có thể miêu tả những chuyển động trong thế giới này là PAID – áp lực (Pressure), kết nối 24/7 (Always on), quá tải (Information overloaded), và phân tâm (Distracted).

Trong tình hình đó, theo ông Thể, người làm nhân sự phải đối mặt với cùng lúc tác động từ Covid-19 và từ bối cảnh chung, khi việc vận hành nhân sự bị đảo lộn, nhân viên trở nên mong manh hơn, biến động hơn – với tỷ lệ nhảy việc cao.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp còn “đau đầu” với khoảng cách thế hệ trong môi trường làm việc, va đập trong tư tưởng và góc nhìn giữa những người thuộc thế hệ khác nhau.

“Khi tiếp cận vấn đề nhân sự không phải bằng con mắt của người làm nhân sự, mà bằng con mắt của triết học, của người nghiên cứu giáo dục, tôi cho rằng những tình trạng trên xuất phát từ một thứ gọi là khủng hoảng hiện sinh – tức là sức sống, là điều ở bên trong ngay thời điểm này”, ông Thể chia sẻ quan điểm.

“Khủng hoảng nhân sinh là khủng hoảng mà con người không biết mình là ai, nên làm gì cũng không thấy vui, thấy hạnh phúc, dẫn tới tình trạng liên tục thay đổi để tìm kiếm. Kết quả là nhảy việc liên tục”.

Với doanh nghiệp, rất nhiều lãnh đạo, nhiều công ty cũng gặp phải khủng hoảng hiện sinh, khi không thể định hình được doanh nghiệp là gì, từ đó, không thể định vị được tại thị trường bên ngoài.

Điều gì thu hút nhân tài?

Theo ông Thể, điều thu hút nhân tài chính là chính nghĩa của doanh nghiệp, bởi sứ mệnh thì doanh nghiệp, lãnh đạo nào cũng có, nhưng sứ mệnh, lãnh đạo đó có phải là điều chính nghĩa hay không, thì không chắc doanh nghiệp nào cũng có.

“Chính là ngay thẳng, nghĩa là lẽ phải. Tức là khi tham gia một doanh nghiệp, người tài sẽ luôn suy nghĩ rằng điều đó có giúp cho họ trở nên chính hơn không, có giúp nhân viên đi theo được lẽ phải của cuộc đời không”.

Có thể nói, sự thu hút nhân tài ở một doanh nghiệp chính là sứ mệnh tử tế của doanh nghiệp đó. Cuộc cạnh tranh trong nhân sự không hẳn là việc cạnh tranh, giành giật về con người, mà là quá trình điều chỉnh doanh nghiệp trở thành một doanh nghiệp chính nghĩa.

“Có lẽ, đó là lý do vì sao Đường Tăng là lãnh đạo, chứ không phải Tôn Ngộ Không, bởi Đường Tăng là người có chính nghĩa, nên thu hút được những người tài sẵn sàng phò tá”, ông Thể lấy ví dụ.

Ở góc độ nhân sự, điều thu hút nhân tài là thương hiệu nhà tuyển dụng – lời hứa về giá trị mang lại cho nhân viên, thể hiện danh dự của doanh nghiệp, của người làm nhân sự.

Trong bối cảnh nhiều thay đổi, nếu doanh nghiệp nào giữ được lời hứa với khách hàng, với nhân viên, thì doanh nghiệp đó sẽ có lợi thế cạnh tranh. “Văn hóa bây giờ không chỉ là một khía cạnh đạo đức, mà đã trở thành lợi thế cạnh tranh”, vị giám đốc giải pháp Học viện Quản lý PACE nhấn mạnh.

Cách giữ chân nhân viên tốt nhất

Ông Thể nhận định một nơi làm việc có thể giữ chân nhân tài phải là nơi cho người nhân viên có cảm giác thuộc về, cảm giác được gắn kết.

“Thích hay không thích không phải là câu chuyện diễn tả bằng lý trí. Sự gắn kết mới là nguyên nhân sâu xa, là điều giúp nhân viên ở lại bền vững với một doanh nghiệp. Một nhân viên gắn kết thì thường sẽ gắn bó”, ông phân tích.

Điều làm nên sự gắn kết chính là cách đối đãi của doanh nghiệp đối với nhân viên, cách tạo ra trải nghiệm cho nhân viên ở chốn công sở.

“Người lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo nhân sự cần giúp nhân viên tìm được chính mình trong công việc, trong nơi làm việc – đây là cách giữ người hay nhất. Hãy làm cho nhân viên tìm thấy bản thân trong từng việc họ làm, trong từng giai đoạn – từ khâu tuyển dụng, làm việc, cho tới đào tạo, và thậm chí là khi họ chuyển công tác”.

Theo đó, một người lãnh đạo cần phải biết cách khơi dậy niềm tin trong nội bộ, biết cách dẫn dắt đội ngũ thông qua một tầm nhìn, và biết cách thực thi các chiến lược được đề ra, cũng như biết cách phát huy tiềm năng bên trong mỗi con người.