Cách làm mới để kích cầu du lịch

Kiều Mai - 08:54, 04/04/2021

TheLEADERTuy cầm cự được nhờ du lịch trong nước, ngành du lịch vẫn cần làm mới mình cho đến khi giao thương quốc tế trở lại hoạt động bình thường.

Du lịch quốc tế, nguồn thu chính của ngành du lịch Việt Nam, đã sụt giảm mạnh trong năm ngoái dưới tác động của Covid-19. Dù tạo được những “luồng gió mát” nhờ du lịch trong nước, Việt Nam vẫn sẽ phải phụ thuộc vào các thị trường quốc tế với tổng mức chi tiêu lên đến 12 tỷ USD.

Nhờ áp dụng chính sách “không ca nhiễm”, cộng với nền kinh tế trong nước hiện đang ổn định và các biện pháp chủ động, quyết liệt của Chính phủ, đến năm 2024 ngành du lịch Việt Nam sẽ có thể phục hồi về mức trước khủng hoảng, theo nhóm tác giả bao gồm Margaux Constantin, Matthieu Francois và Thao Le trên Mckinsey.

Trong quá trình các doanh nghiệp lữ hành xây dựng định hướng phục hồi, các tác giả nhận định cần giải quyết những rủi ro và quan ngại liên quan đến Covid-19, cũng như những bất cập và xu thế vốn đã tồn tại từ trước khi khủng hoảng xảy ra.

Theo đó, Việt Nam có thể áp dụng một số biện pháp khi bắt đầu bước vào hành trình hồi phục.

Chú trọng du khách trong nước

Nhóm tác giả của Mckinsey nhận định có thể vực dậy nhu cầu trong nước bằng cách tập trung vào những điểm đến đang thịnh hành và phối hợp cùng chính quyền địa phương, công ty lữ hành trực tuyến, điểm du lịch, khách sạn và hãng hàng không.

Các hoạt động du lịch ngoài trời để du khách có thể tận hướng ánh nắng, bãi biển, núi non và thiên nhiên là những lựa chọn hàng đầu cho du khách Việt Nam sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ hồi giữa tháng 5 năm ngoái, với lượng khách tấp nập tại các sân bay tại hai trung tâm du lịch lớn là TP.HCM và Hà Nội.

Để khai thác triệt để hơn cơ hội du lịch trong nước, các công ty du lịch cần chú trọng đến những sản phẩm dịch vụ phù hợp khả năng chi trả của khách, đồng thời duy trì các sản phẩm và trải nghiệm chất lượng cao.

Cân nhắc mô hình giá mới để phục hồi nhu cầu

Theo nhóm tác giả, kích thích nhu cầu và đẩy mạnh số lượng bằng các biện pháp giảm giá và trước bán hàng là những chiến thuật quan trọng trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi, đặc biệt là đối với những công ty cung cấp dịch vụ hạng sang do vẫn chưa thể sớm khai thác nhu cầu khách quốc tế.

Tuy nhiên, khủng hoảng cũng đã buộc các công ty du lịch phải dẹp kịch bản bán hàng truyền thống sang một bên. Những công cụ như lịch sử đặt chỗ hay xu hướng đặt chỗ vốn thường được khai thác làm tham chiếu để tối ưu hóa giá và quản lý doanh thu thì nay có thể không còn nhiều ý nghĩa nữa.

a
Nếu Việt Nam có thể duy trì tỷ lệ lây nhiễm thấp, ngành du lịch có thể phục hồi lại vào năm 2024, nhờ sự trở lại của du lịch trong nước.

Trong bối cảnh nhu cầu cạn kiệt này, giảm giá là một con dao hai lưỡi, vừa cần thiết nhưng cũng vừa nguy hiểm. Doanh nghiệp cũng có thể tìm cách bán sản phẩm theo gói để có cơ hội bán chéo và bán thêm, đồng thời đa dạng hóa nguồn doanh thu, củng cố sản phẩm cao cấp và khả năng thu được mức giá cao hơn.

Ví dụ, các khách sạn 5 sao tại Hà Nội và TP.HCM có thể bán gói “staycation” cho gia đình, kèm theo phòng nghỉ cao cấp là dịch vụ xe sang đưa đón và giảm giá dịch vụ ăn uống.

Các công ty du lịch và khách sạn có thể phối hợp với nhau để cung cấp trọn gói dịch vụ từ vé máy bay, vé tàu, xe limousine hoặc xe bus, đến phòng nghỉ.

Ngoài ra cũng có thể khai thác những nhu cầu du lịch đắt tiền đang bùng nổ như du thuyền hay “farm stay”.

Một khi nhu cầu và độ tin tưởng gia tăng, các công ty du lịch tự nhiên sẽ có xu hướng chuyển trở về mô hình giá linh hoạt hơn dựa trên những tiêu chí như công suất buồng phòng khách sạn hay số lượng hành khách trên những chuyến bay quốc nội, và cách thức tăng trưởng để đạt được mức trước đại dịch.

Áp dụng công nghệ số

Ngay cả trước khi đại dịch xuất hiện, người tiêu dùng đã sử dụng kênh số ngày càng nhiều để đặt chỗ du lịch. Năm 2018, đặt chỗ trực tuyến đã chiếm đến 19% tổng số tour và quy mô thị trường. Đại dịch nổ ra đã khiến việc sử dụng thiết bị di động và công cụ số càng trở nên thiết yếu.

Hợp tác chiến lược, ví dụ các công ty đại lý lữ hành trực tuyến cung cấp dịch vụ đặt vé qua tin nhắn hoặc các nền tảng mạng xã hội, cũng là một cơ hội giúp tăng khả năng thâm nhập thị trường.

Đồng thời, các công ty lữ hành cần củng cố các “điểm chạm” và trải nghiệm trực tuyến để tăng cường trải nghiệm khách hàng. Điều này không còn quá mới mẻ, đơn cử trang web chính thức của Tổng cục Du lịch đã có tour ảo đến những điểm du lịch phổ biến nhất cả nước, và một số hướng dẫn viên du lịch cũng đã tổ chức dẫn tour trực tuyến theo thời gian thực cho du khách quốc tế.

Không chỉ có vậy, doanh nghiệp cũng có thể tính đến chuyện áp dụng công cụ số vào những điểm mới trên hành trình của khách hàng.

“Cần nhìn nhận rằng những yếu tố thúc đẩy sự gắn bó của khách hàng đã thay đổi. Trong bối cảnh mọi thứ đều không chắc chắn thì du khách sẽ ưu tiên chọn khách sạn cho phép hủy chuyến hơn là khách sạn có thương hiệu hay giá thành tốt hơn”, nhóm tác giả lưu ý.

Trong trường hợp đó, có thể cho phép khách hàng tự lên lịch trình bằng cách sử dụng các công cụ số liên kết với nhau và hỗ trợ khả năng sửa hoặc hủy kế hoạch. Những giải pháp và chính sách cho phép khách hàng có sự lựa chọn và kiểm soát lịch trình của mình sẽ giúp xây dựng niềm tin và sự tin tưởng về lâu dài – vốn là điều kiện cần thiết để sớm kéo du khách trở lại.

Tạo dựng nền tảng cho nhu cầu của du khách nước ngoài đến Việt Nam

Để khai thác nhu cầu du lịch ra nước ngoài, các công ty lữ hành cần theo dõi tình hình triển khai bong bóng du lịch. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với Việt Nam, do phần lớn du khách nước ngoài đến từ các khu vực lân cận có quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ và có tỷ lệ lây nhiễm tương đối thấp.

Trong bối cảnh đó, các công ty lữ hành sẽ cần phải linh hoạt và nhanh nhạy để có thể sớm nắm bắt được nhu cầu du lịch quốc tế, và có sự chuẩn bị để đáp ứng những quy định nghiêm ngặt của cả Việt Nam và điểm đến về y tế và an toàn.

Vì lý do đó, trông đợi vào chính sách bong bóng du lịch không phải là một chiến lược khôn ngoan trong ngắn hạn, do số lượng chuyến bay quốc tế đến Việt Nam dự kiến sẽ vẫn còn thấp trong năm 2021, và nhu cầu du lịch nước ngoài sẽ khó có thể quay trở về mức của năm 2019 trước năm 2025.

Ngoài ra, nhóm tác giả cũng khuyến nghị biện pháp bổ sung những trải nghiệm mới cho du khách, không chỉ dừng lại ở cơ sở lưu trú, phân bổ lại đầu tư cho du lịch hướng tới những điểm đến đa dạng, phi truyền thống bên cạnh biện pháp xác định vai trò của Nhà nước trong quá trình phục hồi và đổi mới ngành du lịch.