Cách tiếp cận mới cho động cơ phát triển bền vững

Phạm Sơn - 14:14, 26/09/2022

TheLEADERNếu trước đây, doanh nghiệp được điểm mặt như “thủ phạm” gây ra những bất ổn về môi trường, xã hội thì hiện tại, doanh nghiệp được xem là một phần không thể thiếu để tạo ra giải pháp cho những bất ổn đó.

Cách tiếp cận mới cho động cơ phát triển bền vững
Ông Hồ Công Hòa, Phó trưởng ban nghiên cứu các vấn đề xã hội CIEM, trao đổi tại hội thảo Chuyển đổi tư duy và hệ thống để tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp bền vững do VBCSD tổ chức

Từ lâu nay, mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững tồn tại như một điều hiển nhiên, rất khó có thể xóa nhòa. Nhiều doanh nghiệp, trong quá trình sản xuất kinh doanh, với mong muốn tăng cao lợi nhuận, giảm thiểu chi phí, đã có những hành vi như khuyến khích tiêu dùng nhanh, tận khai tài nguyên, lạm dụng lao động…

Cũng vì vậy, suốt nhiều năm qua, doanh nghiệp luôn bị coi là một trong những “thủ phạm” gây ra sự thiếu bền vững của nền kinh tế, xã hội, dù cho có nhiều doanh nghiệp từ xưa đến nay vẫn luôn tuân thủ tốt pháp luật, cũng như thể hiện vai trò tích cực trong việc giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Công Hòa, Phó trưởng ban nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đến hiện tại, Việt Nam đang có sự thay đổi, coi doanh nghiệp không chỉ là “đối tượng” mà còn là “đối tác” trong vấn đề phát triển bền vững.

Nói cách khác, Nhà nước đã thừa nhận vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với sự nghiệp phát triển bền vững.

Điều này xuất phát từ việc doanh nghiệp Việt Nam, trong thực hành phát triển bền vững, thực hiện các tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị) đã vượt xa so với mức độ “tuân thủ pháp luật”.

Lấy ví dụ như đối với Vinamilk, nếu thời gian đầu thực hành ESG với hành động là xây nhà máy xử lý nước thải vì “sợ” bị thanh kiểm tra, thì đến hiện tại đã có những hành động “ở tầm cao hơn”, có thể kể đến như chương trình “1 triệu cây xanh”.

Một lý do khác ở chiều ngược lại là nếu doanh nghiệp không có sự thay đổi, không có những hoạt động mang tính trách nhiệm cao hơn thì Nhà nước cũng không thể ban hành ra những chính sách mới hướng tới phát triển bền vững.

Đánh giá cao sự thay đổi về mặt tư duy và cách tiếp cận của Nhà nước, tuy nhiên, theo ông Hòa, cần phải có những chính sách sao cho phù hợp với cách tiếp cận ấy. Cụ thể, nếu coi doanh nghiệp là đối tác, chính sách của Nhà nước cần xây dựng theo hướng mang tính khuyến khích.

“Thực hành ESG, xây dựng báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG là việc tự nguyện, vì vậy chính sách phải được xây dựng theo hướng khuyến khích sự tự nguyện ấy”, ông Hòa lý giải.

Cụ thể, chuyên gia đến từ CIEM đề xuất xây dựng những chính sách mua sắm công xanh, tín dụng xanh, ngân hàng xanh…, cụ thể là lồng ghép tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn bền vững vào công tác lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư hay tiếp cận tín dụng.

Như vậy, doanh nghiệp khi muốn đấu thầu, muốn tham gia đầu tư hay muốn tiếp cận tín dụng cần phải có báo cáo về phát triển bền vững. Nói cách khác, với những chính sách được ban hành theo hướng này, cơ hội mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh được mở rộng với những doanh nghiệp thực hiện báo cáo ESG nhưng hầu như không dành cho những doanh nghiệp không thực hiện.

Thực tế, trên thế giới đã và đang xuất hiện những chính sách theo hướng tạo cơ hội cho doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc và có trách nhiệm cao với sự nghiệp phát triển bền vững, có thể kế đến như chính sách thuế carbon xuyên biên giới của châu Âu.

Với chính sách này, doanh nghiệp bắt buộc phải mua tín chỉ carbon cho “dấu chân carbon" của sản phẩm nhập vào châu Âu, bất kể những phát thải đó đến từ khâu nào, ở quốc gia nào trong chuỗi cung ứng.

Chính sách này không ép buộc doanh nghiệp phải bền vững hóa chuỗi cung ứng, tuy nhiên lại đặt ra bất lợi lớn cho doanh nghiệp nếu không thực hành phát triển bền vững, do đó doanh nghiệp “không muốn làm cũng không được”.

Đối với Việt Nam, chính sách thuế carbon xuyên biên giới chính thức được áp dụng kể từ năm 2026. Đây cũng là một động lực quan trọng để doanh nghiệp triển khai các hoạt động hướng đến tuân thủ tiêu chuẩn ESG.