Cần cơ chế mở để chọn lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước

Thuỳ Linh - 16:04, 09/12/2021

TheLEADERTheo Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong, việc tuyển chọn nhân lực của cấp quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh quốc tế.

Cần cơ chế mở để chọn lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước

Trong thập niên 90, khối tập đoàn, tổng công ty nhà nước được xem là “quả đấm thép” dẫn dắt nền kinh tế với nhiều thương hiệu lớn Vinashin, Lilama, Licogi, các Cienco, nhưng theo nhận xét chung của nhiều chuyên gia, khối DNNN đang có sức ì và độ trễ lớn hơn nhiều so với khối doanh nghiệp tư nhân. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là các cán bộ chủ chốt.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, những nhiệm kỳ gần đây, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đã chỉ ra một số cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Một số vụ việc tiêu biểu từng xảy ra trong giai đoạn trước đây tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước như Vietinbank, Agribank, BIDV...; các tập đoàn, tổng công ty như Vinashin, Vinalines, Mobifone, PVN... cho thấy những hành vi lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để lũng đoạn tổ chức, bộ máy, trục lợi cá nhân.

Đơn cử, ông Diệp Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp HTX Thương mại TP. HCM  bị bắt tạm giam vì có sai phạm trong việc tăng vốn điều lệ tại Saigon Co.op.

Ông Dũng bị Thanh tra TP. HCM kết luận, có nhiều dấu hiệu vi phạm, nghiêm trọng nhất là “có dấu hiệu bị thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản chung Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung”.

Tình trạng tha hóa quyền lực biểu hiện ở mức nghiêm trọng, khi một số cán bộ lãnh đạo, quản lý DNNN móc nối, ăn chia lợi ích bất chấp các quy định của pháp luật, "ưu ái" người nhà đã gây bức xúc dư luận trong nhiều năm. Sự thiếu gương mẫu của bộ phận cán bộ cấp cao trong công ty mẹ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền khi phần lớn công ty con đều có sai phạm.

Tại một diễn đàn về khối các DNNN tổ chức mới đây, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam đã chỉ ra một thực tế là quy trình tuyển chọn và bố trí cán bộ quản lý DNNN chưa phù hợp với sự hoạt động của một doanh nghiệp theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; còn nặng về quy trình tuyển chọn có tính hành chính.

Trong nhiều trường hợp thực hiện “đúng quy trình” nhưng không đúng thực chất, dễ xảy ra tình trạng "đặt nhầm chỗ" khiến các nhân sự không phát huy được tối đa năng lực chuyên môn.

Đáng chú ý, “quy trình” nhiều trường hợp trở thành bình phong cho những sai phạm, vụ lợi, khuất tất trong lựa chọn, bố trí cán bộ. Tư duy quản lý hành chính và quan hệ thân hữu (kể cả quan hệ lợi ích và không loại trừ các yếu tố tiêu cực, chạy chức, chạy quyền) vẫn chi phối không nhỏ trong việc tuyển chọn, bố trí cán bộ quản lý DNNN.

"Quy hoạch cán bộ là chọn người thay thế trong tương lai sẽ không chọn được người tài, người lãnh đạo đổi mới, sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro người giỏi mà chỉ chọn được những người tuân thủ. Nếu lựa chọn như vậy thì mất đi cơ hội lựa chọn những người có tài trong toàn xã hội, lãng phí nguồn lực", TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận xét thêm.

Còn nhớ, cách đây nhiều năm, thông tin tuyển dụng ưu tiên người nhà của Agribank đã gây xôn xao dư luận. Cụ thể, theo thông báo tuyển dụng tại thời điểm đó, con cán bộ đang công tác tại Agribank được ưu tiên cộng 30 điểm (thang điểm 100) trong kỳ thi tuyển.

Dù ngay sau đó ngân hàng đã quyết định dừng kế hoạch cộng điểm cho “con ông cháu cha” này nhưng cũng đã vô tình lộ ra “góc khuất” trong công tác tuyển dụng nhân sự tại ngân hàng có 100% vốn Nhà nước này.

Bổ sung thêm những vướng mắc trong công tác nhân sự tại DNNN, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết, việc tuyển chọn nhân lực của cấp quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh quốc tế.

Ngoài ra, việc bổ nhiệm cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước còn chịu sự điều chỉnh của quy định không bố trí phân công các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp nếu không phải là cấp ủy viên hoặc cùng cấp.

Do vậy, ông Nghiêm Xuân Đa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước cho rằng, công tác quy hoạch cán bộ cần phải bảo đảm tính "mở" và "động", mở rộng dân chủ và công khai, không khép kín, sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý, đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.

Nhìn chung, việc quản lý DNNN phải đảm bảo hai mục tiêu chính tạo ra lợi nhuận, phát triển vốn và làm đúng chính sách của Nhà nước. DNNN vẫn sẽ được hỗ trợ, được “ưu ái” nhưng chỉ dành cho “người thắng cuộc” – những đơn vị làm ăn hiệu quả.

Do đó, phải đặt các DNNN vào thị trường, buộc phải tự cạnh tranh thì mới có thể nâng cao được hiệu quả kinh doanh, đem lại lợi ích thật sự cho nền kinh tế. Và để làm được điều này, cần phải có những người điều hành chuyên nghiệp, có năng lực thực tiễn, thể hiện được uy tín thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm và kết quả đánh giá cán bộ.