Cần có nguyên tắc rõ ràng về đối tượng hỗ trợ

Kim Yến - 09:44, 04/05/2020

TheLEADERCần rõ ràng về đối tượng được hỗ trợ và phải làm sao đến được với doanh nghiệp nhanh nhất. Sự cứu giúp doanh nghiệp phải đặt trên cơ sở doanh nghiệp nào chịu tác động lớn nhất của dịch.

Cần có nguyên tắc rõ ràng về đối tượng hỗ trợ
TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách công và quản lý Fulbright.

Nhấn mạnh nguyên tắc của gói cứu trợ là nên thuận theo quy luật thị trường, và phải đến tay doanh nghiệp trước khi quá muộn, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách công và quản lý Fulbright nhìn nhận, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải nín thở từ lâu, cần có máy trợ thở kịp thời, nếu không sẽ chết hàng loạt. Và trợ thở cũng phải đi theo quy luật thị trường. 

Bài toán về giá khẩu trang hay tham nhũng ở CDC Hà Nội là bài học đắt giá khi đi ngược quy luật thị trường, trục lợi chính sách, không duy trì sự công bằng.

Phân tích sâu về nguyên tắc căn cơ của gói hỗ trợ và đề xuất nhóm đối tượng doanh nghiệp cần ưu tiên nhất, ông Vũ Thành Tự Anh cho biết: “Cần rõ ràng về đối tượng được hỗ trợ và phải làm sao đến được với doanh nghiệp nhanh nhất. Sự cứu giúp doanh nghiệp phải đặt trên cơ sở doanh nghiệp nào chịu tác động lớn nhất của dịch. Bởi theo khảo sát của VCCI và Ban IV, khoảng 1/3 số doanh nghiệp không “nín thở” được quá 3 tháng, 2/3 không chịu được quá 6 tháng. 

Như vậy, nếu tình hình tiếp tục xấu đến hết tháng 5, có thể 1/3 doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể, phá sản, tạo ra cú sốc khủng khiếp cho toàn nền kinh tế. Đó là những đối tượng cần hỗ trợ.

Các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước “kêu ca” rất nhiều để được cứu trợ. Mặc dù không phủ định thực tế là nhiều tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng hỗ trợ không khéo sẽ đi theo vết xe đổ của năm 2008-2009, các tập đoàn nhà nước làm ăn thua lỗ rất lớn, gây ra gánh nặng tài chính cho đất nước đến giờ này vẫn chưa giải quyết xong. Đây là bài toán rất lớn đang đặt ra với Chính phủ.

Nhìn lại khủng hoảng 2008-2009, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân phản hồi rằng ngay cả khi khủng hoảng qua rồi mà họ vẫn chưa nhận được đồng tiền cứu trợ nào của Nhà nước cả, đa số họ là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hy vọng lần này chúng ta không lặp lại sai lầm từ các cuộc khủng hoảng trước, để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vượt qua được giai đoạn dưỡng thương này, chuẩn bị phục hồi và phát triển.

Vậy nên ưu tiên cho doanh nghiệp nào? Đầu tiên, cần ưu tiên cho những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất. Sau đó, trong mỗi lĩnh vực này, cần ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% việc làm trong khu vực chính thức, qua đó giúp duy trì sinh kế cho hàng chục triệu người bao gồm cả gia đình của họ. Các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp lớn có sức chịu đựng lớn hơn cần ưu tiên nguồn lực cứu trợ cho những doanh nghiệp dễ bị tổn thương hơn”.

Chia sẻ về những nền tảng để kinh tế Việt Nam có thể phục hồi, ông Tự Anh cho biết, 3 năm gần đây tăng trưởng kinh tế tương đối tốt nên nền kinh tế có sức để chống chọi. Tuy nhiên, vì cơn sóng thần Covid-19 quá mạnh nên dù có chuẩn bị đi chăng nữa thì chắc chắn cũng sẽ có đỗ vỡ.

“Sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trước hết phụ thuộc vào thành công trong nỗ lực chống dịch bệnh, để ngăn chặn khủng hoảng y tế không trở thành khủng hoảng kinh tế, và nhờ đó bảo vệ được sinh mạng của người dân, sức khỏe của doanh nghiệp, và niềm tin của xã hội.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam là lựa chọn hàng đầu của chiến lược “Trung Quốc +1” của các doanh nghiệp FDI, mà chiến lược này chắc chắn sẽ còn xảy ra mạnh mẽ hơn sau đại dịch. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam có thể phục hồi. 

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, để một phần thay thế Trung Quốc trong chuỗi giá trị và hệ thống sản xuất toàn cầu còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện, trong đó quan trọng nhất là lực lượng lao động có kỹ năng, cơ sở hạ tầng công nghiệp và giao thông vận tải, và năng lực của chính quyền trung ương và địa phương của Việt Nam.

Một bài học quý giá qua khủng hoảng lần này là nội lực đóng vai trò quan trọng, không chỉ trong điều kiện bình thường, và càng trở nên then chốt trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu. Vì vậy, động lực để kinh tế Việt Nam phục hồi phụ thuộc rất lớn vào niềm tin của doanh nghiệp và người dân. Thực tế là ở Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân chiếm tới hơn 95% nhưng chính sách không được bình đẳng so với doanh nghiệp nhà nước và FDI. Hơn lúc nào hết, nội lực sâu rễ bền gốc của nền kinh tế phải đến từ doanh nghiệp tư nhân.

Một xu thế diễn tiến rất nhanh và chắc chắn sẽ trở thành chủ đạo sau khủng hoảng là sự phát triển của nền kinh tế số gồm thương mại điện tử, thanh toán điện tử, fintech, khám bệnh điện tử, học tập trực tuyến... Để bắt nhịp với những phát triển này, Việt Nam phải đẩy mạnh cao độ nền tảng công nghệ thông tin, nếu không, mãi mãi doanh nghiệp Việt chỉ là “trâu chậm uống nước đục”.

Kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng cho thấy, nông nghiệp và nông thôn vẫn sẽ là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Việc trở thành nước xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao không chỉ tăng cường bệ đỡ này mà còn là lối ra bền vững trong nhiều thập niên kế tiếp. 

Để thực hiện điều này, cần có một hệ thống chính sách hoàn chỉnh cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hướng tới công nghệ hóa, công nghiệp hóa và thị trường hóa nông nghiệp, nhờ đó tạo nên sự bứt phá cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao vượt lên từ khủng hoảng.

Cuối cùng, cơ sở của tất cả các động lực kinh tế trên là hệ thống thể chế và chính sách. Thể chế cần được thiết kế với tầm nhìn coi khu vực doanh nghiệp tư nhân thực sự là động lực phát triển, sau đó các chính sách phải thực sự phục vụ và đồng hành cùng phát triển của khu vực này. Chỉ có thế, các doanh nghiệp tư nhân trong tất cả các lĩnh vực mới thoát được “vòng kim cô” để thực sự trở thành động lực quan trọng mới, mạnh mẽ và bền vững của nền kinh tế Việt Nam.