Cẩn trọng trước nguy cơ bị thẻ đỏ IUU

Hồng Ánh - 07:51, 31/08/2023

TheLEADERNếu bị phạt “thẻ đỏ” của EU về hành vi khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định), hải sản Việt Nam không chỉ hết đường sang EU mà còn có thể bị hạn chế bởi chính sách tương tự của nhiều thị trường phát triển.

Cẩn trọng trước nguy cơ bị thẻ đỏ IUU
60 nhà máy chế biến cùng hàng vạn ngư dân làm ăn chân chính sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu Việt Nam bị thẻ đỏ IUU. Ảnh: Hoàng Anh

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sau 6 năm bị EU cảnh báo “thẻ vàng”, hoạt động quản lý khai thác thủy hải sản đã có những chuyển biến tích cực. Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam được đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá cao qua những lần thanh tra.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, nhiều hoạt động theo khuyến nghị của EC đã được thực hiện, ví dụ như cắt giảm số lượng tàu cá và giảm lực khai thác cá, rà soát, xem xét điều chỉnh giảm hạn ngạch giấy phép khai thác tàu cá, tiến hành lắp đặt thiết bị theo dõi hải trình, xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia…

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, việc thực hiện khuyến nghị của EC để gỡ thẻ vàng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục ở nhiều địa phương.

Cụ thể, tính đến nay, Việt Nam vẫn chưa hoàn thành đăng ký tàu cá, cấp giấy phép khai thác và cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Tình trạng tàu cá khai thác trái phép vẫn diễn ra, có nhiều trường hợp tàu đã lắp thiết bị giám sát hải trình nhưng lại lặng lẽ ngắt kết nối khi ra khơi.

Tình trạng tàu cá hoạt động sai vùng, sai ranh giới diễn ra khá thường xuyên nhưng khó có thể bị xác minh và xử lý. Nếu tình trạng tiếp diễn mà không có dấu hiệu khắc phục, Việt Nam có thể không những không được gỡ thẻ vàng mà còn bị EU phạt thẻ đỏ.

Theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu bị phạt thẻ đỏ, thủy sản Việt Nam sẽ bị thiệt hại khoảng gần 500 triệu USD mỗi năm. Ngoài việc không được xuất khẩu sang EU, thủy hải sản Việt Nam cũng có thể bị hạn chế xuất khẩu sang một số thị trường tiên tiến khác như Mỹ và Nhật Bản, vốn có quy định tương tự về chống IUU.

Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của 60 nhà máy đang tham gia chế biến, xuất khẩu vào EU cũng như sinh kế của những ngư dân làm ăn chân chính và tuân thủ pháp luật.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, Phó thủ tướng Chỉnh phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, việc thủy hải sản bị cảnh báo thẻ vàng ảnh hưởng lớn đến uy tín quốc gia.

Phó thủ tướng đánh giá, các địa phương nỗ lực chưa đồng đều, có những địa phương quản lý nghề cá tốt, nâng cao tỷ lệ truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác như tỉnh Cà Mau, tuy nhiên còn không ít địa phương chậm trễ, thiếu quyết liệt.

Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch, nêu rõ những nhiệm vụ cần thực hiện để tiếp đoàn kiểm tra của EC, làm sao sớm gỡ được thẻ vàng.

Cùng với đó, Bộ Công an có nhiệm vụ củng cố hồ sơ, truy tố các vụ việc môi giới đưa ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy hải sản trái phép. Bộ Quốc phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát để không tàu cá nào bị bắt ở nước ngoài.