Cảnh báo nhiều thách thức với tăng trưởng kinh tế 2022

Phương Linh - 13:18, 26/05/2022

TheLEADERTrong bối cảnh nền kinh tế vừa đứng dậy sau dịch bệnh, doanh nghiệp và người dân còn rất khó khăn, rủi ro lạm phát và vướng mắc về nguồn vốn đang là những thách thức rất lớn cho tăng trưởng kinh tế 2022.

Cảnh báo nhiều thách thức với tăng trưởng kinh tế 2022
Nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo về nhiều thách thức với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Theo đó, trước hết là rủi ro lạm phát. Chủ tịch nước cho rằng, dấu hiệu lạm phát đang ngày càng rõ nét khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, các yếu tố đầu vào tăng kéo theo nhiều khó khăn chung của nền kinh tế.

Thứ hai, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng đang "bốc hơi" hàng tỷ USD trong thời gian gần đây. Các cơ quan quản lý cần biện pháp, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa để ổn định kênh này, giúp dòng vốn đến với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.

Đối với doanh nghiệp hiện có hai kênh quan trọng, một là tín dụng, hai là trái phiếu. Trái phiếu bản chất không phải xấu, chỉ có điều phải điều phối, kiểm soát thế nào cho tốt, bởi những thị trường vốn này rất quan trọng đối với doanh nghiệp.

Về gói kích thích kinh tế, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương xử lý một số vấn đề và thấy được khó khăn của doanh nghiệp, người lao động. Tuy nhiên, Chủ tịch nước nhận định, một số việc triển khai còn chậm; doanh nghiệp, người lao động được hưởng lợi còn ít.

Cảnh báo nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế 2022
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đến năm 2025, Việt Nam thoát ra khỏi các nước có thu nhập trung bình thấp, 2030 là nước có thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. 

Để đạt được mục tiêu, cả nước phải có sự tăng trưởng cao liên tục, trách nhiệm này rất nặng nề vì với tốc độ tăng trưởng (6-7%) thì đến năm 2045 chúng ta mới bằng quy mô của nền kinh tế Hàn Quốc hiện nay. 

Chúng ta đã mất 2 năm (2020-2021) không đạt mục tiêu tăng trưởng, do đó để đạt được mục tiêu hùng cường, phát triển, thu nhập cao thì cần có những giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ với cơ chế chính sách đồng bộ, quyết liệt hơn để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng.

Trước tình hình trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được. Bởi tác động của đại dịch trong thời gian dài đã tiêu hao gần hết tiết kiệm của người dân, tích luỹ của doanh nghiệp cũng như các quỹ của Nhà nước.

"Phát triển hướng về người dân để người dân đỡ khó khăn, vất vả hơn là nhiệm vụ của chúng ta. Khó khăn của người dân vẫn là vấn đề chúng ta tiếp tục quan tâm để mọi người, mọi nhà, mọi doanh nghiệp có sức sống, thu nhập, tích lũy. 

Chính vì thế, chính sách, cơ chế phải sát, cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chính sách đưa ra phải tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều vấn đề kinh tế xã hội cần có sự đồng bộ trong quản lý, điều hành, chỉ đạo để các địa phương có sức sống mới", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cần triển khai đồng bộ các giải pháp để tạo động lực cho tăng trưởng

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, mục tiêu kiểm soát CPI tối đa 4% trong năm 2022 là một thách thức lớn. Nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Trước tình hình này, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần quan tâm, đánh giá kỹ lưỡng hơn về kinh tế vĩ mô; việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội; tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chi phí đầu vào tăng…

Đóng góp ý kiến cụ thể về nội dung này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến sự biến động của giá cả thị trường. 

Trong đó, tình trạng tăng vật tư nguyên liệu là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là nông dân. Đồng thời có những chính sách quan tâm hỗ trợ, đặc biệt trong thời điểm thực hiện phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Ở khía cạnh khác, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong bối cảnh hiện nay, đại biểu Nguyễn Đình Việt – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm tới những khó khăn về nguồn vốn và chi phí vốn vay; giá xăng dầu, chi phí sản xuất tăng cao; rủi ro thiếu hụt nguồn cung đầu vào…, việc theo dõi, dự báo, điều hành ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn tình hình thế giới và mức độ ảnh hưởng đến Việt Nam. Việt Nam với yếu tố là nền kinh tế mở thì nhập khẩu lạm phát là nguy cơ hiện hữu rất lớn, cần lưu ý để có đối sách phù hợp.

Hiện nay, dù Chính phủ, Quốc hội có nhiều nỗ lực kiềm chế giá xăng thông qua quỹ bình ổn giá hay điều chỉnh chính sách thuế cũng như đảm bảo nguồn cung, nhưng điều này rất khó có thể kiểm soát hoàn toàn.

Thay vào đó, đại biểu Hùng đề nghị Chính phủ lưu ý kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào khác, ví dụ như điện. "EVN cam kết 2022 không tăng giá điện, nhưng cam kết này thực hiện rất khó vì đầu vào của điện là than, khí hiện giá đã tăng cao. Các nước như Singapore, Malaysia đều đã tăng giá điện 6-9%, một số nước châu Âu cũng tăng giá điện", ông Hùng cho biết.