Cây trồng biến đổi gen không chấm dứt được nạn đói trên thế giới
Nga Vũ
Thứ ba, 29/08/2017 - 15:01
Đây là một trong các kết quả nghiên cứu về cây trồng biến đổi gen được Tổ chức Quốc tế hành động vì nguồn gen (GRAIN) đưa ra trong hội thảo mới đây tại Hà Nội.
LTS: Cây trông biến đổi gen (BĐG) trên thế giới được phát triển trên nền tảng các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) và bắt đầu được nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp thế giới từ những năm cuối thập niên 1990. Sau hơn 20 năm, các loại cây trồng BĐG được thương mại hóa ngày càng tăng với diện tích trồng hàng năm trên toàn thế giới đã lên đến hàng trăm triệu ha. Cây trồng BĐG có những đặc tính như khả năng chịu hạn, khả năng kháng sâu bệnh, rút ngắn mùa vụ... từ đó giúp người trồng có được sản lượng cao hơn, chi phí sản xuất thấp hơn. Tuy nhiên trong hơn 20 năm phát triển của cây trồng BĐG, vẫn còn có các ý kiến tranh cãi về tính 2 mặt của cây trồng BĐG; trong đó câu hỏi cây trồng BĐG có thực sự an toàn với con người và có nguy cơ hùy hoại đa dạng sinh học vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. Tại hội thảo “Chia sẻ về biến đổi gen và đa dạng sinh học trong vùng” diễn ra tại Hà Nội vừa qua, Tổ chức Quốc tế hành động vì nguồn gen (GRAIN) đã đưa ra một số kết quả của nghiên cứu về cây trồng BĐG trên thế giới rất đáng chú ý của tổ chức này. TheLEADER lược ghi các nội dung này và giới thiệu đến bạn đọc.
Không chấm dứt nạn đói trên thế giới
Số liệu của Tổ chức Nông lương thực thế giới (FAO) đã chỉ rõ rằng rất nhiều nguồn lương thực được sản xuất để nuôi sống con người mỗi năm. Tuy nhiên, nạn đói vẫn luôn đồng hành với loài người. Nguyên nhân của nạn đói và đói nghèo không phải xuất phát điểm từ năng suất mà là từ việc thiếu quyền tiếp cận đất đai và các nguồn tài nguyên khác như: rừng, đất, nước. Một nguyên nhân cơ bản của đói nghèo là sự không bình đẳng trong phân phối các nguồn tài nguyên.Việc thúc đẩy canh tác các cây trồng BĐG theo góc độ thương mại hiện nay cũng không đóng góp vào công cuộc xóa đói và giảm nghèo, thậm chí không phục vụ được cho bất cứ nhu cầu ăn uống trực tiếp nào của con người. Trên thực tế, toàn bộ diện tích cây trồng BĐG bao gồm đậu nành, ngô, cải dầu và bông; và hầu hết các loại cây trồng BĐG như đậu nành, ngô và cải dầu được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi gia súc, nhiên liệu cho xe hơi, và dầu công nghiệp cho Hoa Kỳ và châu Âu, trong đó bông BĐG được sử dụng để sản xuất quần áo.Bên cạnh đó, có mối quan hệ nhân quả đã được làm rõ giữa cây trồng BĐG và nạn đói ở khu vực nông thôn. Ở các nước như Brazil và Argentina, những "sa mạc xanh" khổng lồ của ngô và đậu nành BĐG đã chiếm đoạt nguồn tư liệu đất đai của nông dân, nguồn tư liệu sản xuất chính trong sinh kế hàng ngày của họ. Hậu quả là những người dân ở khu vực nông thôn ngày càng nghèo và đói cùng cực. Các cây trồng BĐG đang được canh tác trên hàng triệu ha đất nông nghiệp màu mỡ.Ngày nay, với hàng triệu ha đang canh tác cây trồng BĐG trên toàn thế giới thì số người bị đói trên thế giới vẫn tăng lên một tỷ người!
Không cho năng suất cao hơn cây trồng bình thường
Trong một nghiên cứu tổng quát nhất, Liên minh các nhà khoa học có liên quan tại Hoa Kỳ đã phân tích lịch sử 20 năm cây trồng BĐG và đưa ra kết luận rằng: đậu nành và ngô kháng thuốc diệt cỏ không cho năng suất cao hơn các cây trồng này trồng theo phương pháp thông thường. Hơn nữa, 86% sản lượng ngô tăng trong 20 năm qua là nhờ các phương pháp trồng thông thường. Các nghiên cứu khác cho thấy sản lượng cây trồng BĐG thấp hơn so với cây trồng thông thường.Vấn đề chính là hai mươi năm qua và hàng triệu đô la được đổ vào các nghiên cứu đã tạo ra hai dòng sản phẩm BĐG có tính thương mại đó là tăng khả năng kháng thuốc diệt cỏ và kháng sâu bệnh Bacillus Thuringensis (BT) chứ không liên quan gì đến năng suất cao.
Làm tăng sử dụng hóa chất nông nghiệp có hại
Cây trồng BĐG kháng sâu bệnh được sản xuất bằng cách chèn vào cây giống một gen của vi khuẩn Bacillus thuringensis (Bt), một độc tố giết chết sâu bệnh/côn trùng do đó chúng không cần đến thuốc trừ sâu. Tuy nhiên với diện tích lớn trồng các giống Bt độc canh, các loài côn trùng/sâu bệnh vẫn tiềm ẩn khả năng sinh sôi nảy nở nhanh; khiến cho người nông dân vẫn phải sử dụng nhiều các hóa chất nông nghiệp có hại hơn.Cây trồng BĐG kháng thuốc diệt cỏ phải đi kèm với việc sử dụng thuốc diệt cỏ nhất định. Tuy nhiên cỏ dại vẫn phát triển và hoặc có thể các loại cỏ mới sẽ lai tạo chéo với các giống cây trồng biến đổi gen; và kháng lại thuốc diệt cỏ. Do đó vẫn làm tăng lượng sử dụng thuốc diệt cỏ.Lượng thuốc diệt cỏ glyphosate phun cho cây đậu nành BĐG ở Argentina đã tăng vọt từ 8 triệu lít năm 1995 lên trên 200 triệu lít cho đến nay; tức là, tăng hơn 20 lần. Tương tự ở Hoa Kỳ, năm 2011, lượng thuốc trừ cỏ phun cho cây BĐG kháng thuốc diệt cỏ cao hơn 24% so với cây trồng thông thường, GRAIN đã đưa ra dẫn chứng.
Ảnh hưởng đến quyền tự quyết định của người nông dân
Khi cây trồng BĐG được trồng gần cây trồng thông thường cùng loài sẽ dẫn đến nguy cơ thụ phấn chéo hay các cây cùng loài lai chéo với nhau.Tại Canada, việc cây cải dầu BĐG được trồng trên diện rộng đã làm biến đổi gần như toàn bộ các cây cải dầu thông thường. Tại Aragón, Tây Ban Nha, các tổ chức nông nghiệp và môi trường cho biết từ năm 2005 hơn 40% hạt giống hữu cơ được tìm thấy có gen bị biến đổi và không thể bán được là sản phẩm hữu cơ hay sản phẩm không biến đổi gen.Điều vô lý là các công ty sản xuất giống BĐG buộc nông dân phải trả tiền cho các hạt giống mà họ không hề trồng. Tại Hoa Kỳ, tập đoàn Monsanto đã đưa hàng trăm nông dân ra tòa vì đã cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của họ vì Monsanto tìm thấy gen biến đổi tại các cánh đồng của người nông dân. Điều này giúp Monsanto thu được hàng triệu đô la.
Nguy cơ gây hại đến sức khỏe và môi trường
Hiện tại vẫn đang còn rất nhiều tranh cãi xung quanh nguy cơ gây hại của thực phẩm BĐG đến sức khỏe và môi trường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những sinh vật BĐG khác nhau sẽ mang gen đã được biến đổi bằng nhiều cách khác nhau. Điều này có nghĩa là với mỗi loại thực phẩm BĐG, tính an toàn của chúng nên được đánh giá trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, không thể có một báo cáo chung về sự an toàn của tất cả các loại thực phẩm biến đổi gen.Tuy nhiên, trong các nghiên cứu gần đây nhất, Giáo sư Gilles-Éric Séralini đến từ trường đại học Caen Normandy, Pháp đã cho những con chuột ăn ngô BĐG kháng thuốc diệt cỏ glyphosate trong hai năm. Kết quả cho thấy ngoài các bệnh về gan và thận, khối u vú ở những con chuột cái thì những con chuột này có tỷ lệ tử vong cao hơn và nhanh hơn.Một nghiên cứu gần đây tại Đại học Leipzig (Đức) đã phát hiện nồng độ cao của chất glyphosate, thành phần chính trong thuốc diệt cỏ Roundup do công ty Monsanto sản xuất, trong các mẫu nước tiểu của người dân thành thị - cao gấp 5 đến 20 lần so với mức cho phép của nước uống.
Tình hình phát triển cây BĐG trên thế giới và Việt Nam
Số liệu nắm 2015 của Trung tâm Dịch vụ quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) cho thấy chỉ tính riêng năm 2014, cây BĐG được trồng tại 28 nước với tổng diện tích khoảng 181,5 triệu ha.
Số nước trồng cây BĐG tăng 4 lần, diện tích tăng hơn 100 lần so với năm 1996, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 3 - 4%. Trong đó Mỹ là quốc gia đứng đầu về diện tích cây trồng BĐG trên thế giới (73,1 triệu ha, chiếm 40%), tiếp đến là Brazil (42,2 triệu ha), Argentina (24,3 triệu ha), Ấn Độ (11,6 triệu ha), Canada (11,6 triệu ha).
Đến thời điểm đó, chỉ có 7 nhóm cây trồng BĐG được phép thương mại hóa (năng suất hạt, kháng côn trùng, kháng thuốc diệt cỏ, nâng cao chất lượng, kiểm soát sự thụ phấn...);trong đó cây đậu tương, bông, ngô và cây cải dầu được canh tác rộng rãi.
Đáng chú ý là số quốc gia đang phát triển đưa cây trồng BĐG vào canh tác ngày càng tăng, trong khi các nước phát triển (đặc biệt là các nước châu Âu) thì hạn chế mở rộng diện tích trồng cây và các sản phẩm BĐG được quản lý chặt chẽ. Trong khi Mỹ coi thực phẩm BĐG như sản phẩm truyền thống, không cần ghi nhãn thì các quốc gia châu Âu bắt buộc ghi nhãn thực phẩm có nguyên liệu BĐG (chiếm từ 0,9% trở lên).
Tại Việt Nam, năm 2005, thực hiện chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg triển khai "Chương trình trọng điểm phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020". Mục tiêu là phát triển công nghệ sinh học hiện đại, tập trung vào công nghệ gen, đưa một số giống cây trồng BĐG vào sản xuất và đến năm 2020 diện tích trồng trọt các giống cây trồng BĐG chiếm 30 - 50%.
Từ năm 2010, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn bắt đầu thực hiện thử nghiệm 7 giống ngô GMO. Đồng thời triển khai Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định số 38/2012 của Chính phủ, liên Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn - Khoa học công nghệ đã hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn ghi nhãn với thực phẩm có tỷ lệ thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5%.
Đến đầu năm 2015, 3 giống ngô BĐG đã được đồng loạt xuống giống tại 4 tỉnh phía Bắc và 4 tỉnh phía Nam và sản phẩm thu hoạch đã được đưa vào sử dụng đại trà ở Việt Nam. Đến tháng 8/2016, Bộ NN&PTNN đã cấp phép cho 21 giống ngô và đậu nành BĐG được phép trồng ở Việt Nam.
Tuy nhiên trên thực tế, sản phẩm BĐG đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ nhiều năm trước. Năm 2010, Trung tâm Quatest 3 đã thực hiện một khảo sát các mặt hàng nông sản nguyên liệu và một số sản phẩm chế biến lưu hành tại TP.HCM. Kết quả có 111/323 (chiếm gần 34,4%) mẫu sản phẩm dương tính với promoter 35S hoặc terminator nos, là một dạng của sản phẩm BĐG.
Về thực phẩm biến đổi gen (Genetically Modified Organism, gọi tắt là GMO) được phép kinh doanh ở Việt Nam, theo quy định từ tháng 1/2016 bắt buộc phải dán nhãn ghi rõ “biến đổi gen” bằng tiếng Việt trên bao bì các loại thực phẩm BĐG có ít nhất 1 thành phần nguyên liệu BĐG >5% tổng nguyên liệu đều phải ghi nhãn.
Tuy nhiên quy định này mới chỉ áp dụng được với các loại thực phẩm đóng gói sẵn như các loại trái cây, rau củ nhập ngoại...Còn đối với các loại thực phẩm tươi, khô, đông lạnh… các loại thức ăn chăn nuôi thì người tiêu vẫn chưa thể biết rõ về nguồn gốc sản phẩm có phải là BĐG hay không!
Hội thảo “Chia sẻ về biến đổi gen và đa dạng sinh học trong vùng” diễn ra trong ba ngày từ 25 đến 27/08/2017 tại Hà Nội do Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng (CENDI) phối hợp tổ chức với Tổ chức Quốc tế hành động vì nguồn gen (GRAIN) và các tổ chức nghiên cứu phát triển quốc tế trong khu vực ASEAN như MASIPAG, BioThai, SEADA, và Viện SPERI. Một trong những mục tiêu quan trọng của hội thảo là giúp nhận diện rõ thực trạng của cây trồng BĐG và GMO trong nỗ lực bảo tồn nguồn gen bản địa và đa dạng sinh học trong khu vực và trên thế giới.
Nhiều đơn vị cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý để thực hiện Thông tư 08/2017/TT-BCT về đăng ký, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng (TPCN) dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, hướng đến thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Bộ Y tế đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/2013/NĐ-CP (NĐ 178/2013) ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo hướng tăng mức phạt tiền bảo đảm có tính răn đe hơn.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với số tiền phạt 192 triệu đồng.
Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng đặt tại Quảng Ninh có công suất 120.000 xe/năm, sẽ đi vào chạy thử từ cuối năm 2024 và vận hành thương mại từ đầu năm 2025.
Bên cạnh việc có thêm “room” cho vay để đảm bảo mức trần quy định, hàng nghìn tỷ đồng từ các đợt tăng vốn cũng giúp các công ty gia tăng nội lực tài chính.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả thông qua việc áp dụng các cơ chế đặc thù, tập trung huy động nguồn lực trong nước và chuyển giao công nghệ hiện đại.
Lựa chọn thuê môi trường rừng làm du lịch phù hợp với các dự án có quy mô lưu trú nhỏ, tập trung khai thác các hoạt động trải nghiệm trong rừng với vốn đầu tư không quá lớn.