CEO Truedoc: Khởi nghiệp lĩnh vực y tế không thể có đường tắt

Việt Hưng Thứ năm, 19/09/2024 - 12:14

Startup Truedoc sau khi sáp nhập cùng AiHealth đã nhận đầu tư từ quỹ TNB Aura và trở thành một "hiện tượng" của thị trường khởi nghiệp trong mùa đông gọi vốn.

Xuất thân từ ngành tài chính, điều gì đã khiến ông chọn gắn bó với ngành y tế?

CEO Lê Ngọc Hải: Ngay khi từ Singapore trở về Việt Nam, tôi đã chọn khởi nghiệp với một startup trong lĩnh vực y tế và sau này là TrueDoc. Trải qua hơn 5 năm, càng làm chúng tôi càng cảm thấy gắn bó.

Người làm y tế lâu năm đều hiểu đây là ngành đặc thù, đòi hỏi cần có sự kiên nhẫn. Nói cách khác, đã tham gia vào ngành y tế thì sẽ gắn bó rất lâu, và chắc chắn là không có “đường tắt”.

Xuất phát điểm của tôi là muốn mang lại giá trị cho cộng đồng, sau đó mới đến lĩnh vực y tế và Truedoc. Càng làm, chúng tôi nhận ra, lĩnh vực này quan trọng nhất là xây dựng niềm tin với người bệnh.

Đó cũng là lý do Truedoc đã dành ra tới 5 năm chỉ tập trung vào giải bài toán này. Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung vào bài toán cải thiện trải nghiệm người bệnh.

Cải thiện trải nghiệm người bệnh hay khách hàng là bài toán lớn với nhiều doanh nghiệp, không riêng lĩnh vực y tế. Phía Truedoc đã có lời giải chưa, thưa ông?

CEO Lê Ngọc Hải: Tôi cho rằng, với TrueDoc, cách tốt nhất để cải thiện trải nghiệm khách hàng là xây dựng vững đồng thời 2 mảng chuyên môn và công nghệ.

Về mặt chuyên môn, Truedoc coi đây là trụ cột chính giúp startup tạo ra một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện. Nghĩa là khách hàng cần dịch vụ gì, chúng tôi đều có thể cung cấp với chất lượng tốt.

Còn lại, yếu tố công nghệ sẽ đem tới trải nghiệm xuyên suốt, thuận tiện và dễ dàng hơn. Để bổ sung về mặt công nghệ, Truedoc gần đây đã tiến hành sáp nhập cùng AiHealth vốn có thế mạnh là đội ngũ lập trình viên giàu kinh nghiệm.

Từ đây, chúng tôi cùng nhau đặt ra mục tiêu là làm sao để đơn giản hóa trải nghiệm cho khách hàng, sẵn sàng xây dựng và cải tiến nhiều tính năng đáp ứng nhu cầu thực tế của người tiêu dùng Việt Nam. Trong đó, dễ dùng, dễ trải nghiệm là ưu tiên hàng đầu.

TrueDoc chọn bài toán đơn giản hóa trải nghiệm khách hàng

Trong số rất nhiều bài toán, tại sao TrueDoc lại chọn bài toán này, thưa ông?

CEO Lê Ngọc Hải: Sở dĩ chọn bài toán này, vì chúng tôi muốn xây dựng TrueDoc thành một điểm đến chăm sóc sức khoẻ toàn diện với nhiều dịch vụ có thể xử lý ngay trên ứng dụng, giúp người bệnh không cần phải đi xa.

Lâu nay, hành trình khám, chữa bệnh tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều thay đổi. Khi ốm nhẹ, người bệnh có thể chủ động mua thuốc tại nhà thuốc gần nhà, nghiêm trọng hơn thì vào viện, xét nghiệm thì cần gọi tới nhà, hoặc đến các cơ sở y tế phù hợp khác.

Nhưng để đơn giản hóa các dịch vụ này, thuận lợi cho cuộc sống hàng ngày, tạo ra trải nghiệm đồng nhất giữa hoạt động chăm sóc sức khỏe trực tuyến và truyền thống ở duy nhất một nền tảng, thì chưa nhiều đơn vị có thể làm được.

Tiến trình đơn giản hóa trải nghiệm khách hàng của TrueDoc đang diễn ra thế nào, thưa ông?

CEO Lê Ngọc Hải: Khi mở ứng dụng TrueDoc, bạn sẽ thấy ngay trang đầu tiên hiển thị tất cả những dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, từ tìm bác sĩ, đặt lịch khám, mua thuốc, mua sản phẩm sức khỏe, xét nghiệm tại nhà…

Hoặc bạn chỉ cần đánh chữ đau bụng vào thanh tìm kiếm trong ứng dụng, thì sẽ có ngay những gợi ý như gặp bác sĩ, mua thuốc, tư vấn mua thuốc, tìm thông tin…

Đích đến cuối cùng của TrueDoc là mang được những trải nghiệm tư vấn, khám chữa bệnh truyền thống lên môi trường trực tuyến, để khách hàng chỉ cần một điểm chạm là có thể giải quyết mọi nhu cầu chăm sóc sức khoẻ.

Tất nhiên, sẽ có những dịch vụ y tế Truedoc có thể trực tiếp đáp ứng, như tư vấn trực tuyến từ bác sĩ, dược sĩ, cung cấp thuốc... Còn những dịch vụ, tiện ích khác, TrueDoc sẽ sử dụng hệ thống cơ sở vật chất của chính startup, đồng thời tận dụng mạng lưới, hệ sinh thái của các đối tác bệnh viện, phòng khám để đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khoẻ khách hàng.

Ở môi trường truyền thống, việc đến bệnh viện, nhà thuốc khi có bệnh đã trở thành thói quen không cần giới thiệu thêm. Vậy ở môi trường trực tuyến, TrueDoc sẽ tiếp cận khách hàng, bệnh nhân thế nào, thưa ông?

CEO Lê Ngọc Hải: Ở môi trường trực tuyến, chúng tôi có nhiều điểm chạm để tiếp cận khách hàng. Nhưng hiệu quả và bền vững nhất là phương thức truyền miệng.

Có nghĩa, với mỗi khách hàng mà TrueDoc phục vụ, chúng tôi luôn cố gắng đem tới cho họ dịch vụ và trải nghiệm tốt nhất có thể. Từ những trải nghiệm này, chính khách hàng sẽ là cầu nối giới thiệu TrueDoc cho những người thân, người quen.

Vì thế mà chúng tôi đặt ra định hướng sẽ chăm sóc sức khỏe cho một gia đình ba thế hệ người Việt. Bắt đầu bằng việc startup chăm sóc tốt cho một người trong gia đình, để từ đó họ sẽ muốn dành dịch vụ này cho bố mẹ, con cái hay bạn bè thân thiết.

Chăm sóc sức khỏe cho một gia đình ba thế hệ? Ông có cảm thấy đây là một mục tiêu tham vọng?

CEO Lê Ngọc Hải: Nếu là thời điểm 5 năm trước, đây là điều chúng tôi chưa từng nghĩ đến. Còn ở hiện tại, tôi tự tin TrueDoc có thể phục vụ tập khách hàng lớn và đa dạng nhu cầu.

Chẳng hạn, chúng tôi vừa chăm sóc sức khỏe cho một doanh nghiệp logistics hàng đầu ở Việt Nam với quy mô 3.000 nhân viên. Trong số đó, khoảng 300 nhân viên đã mua dịch vụ TrueDoc cho bố mẹ và người thân. Tỉ lệ này khiến chúng tôi thực sự rất bất ngờ.

Tìm con đường bền vững

TrueDoc đã trụ vững sau 5 năm, trong khi nhiều startup chăm sóc sức khỏe đã phải rời bỏ thị trường. Theo ông, điều này có phản ánh gì về lĩnh vực công nghệ y tế tại Việt Nam?

CEO Lê Ngọc Hải: Lâu nay, y tế vẫn được xem là ngành không bị ảnh hưởng bởi suy thoái, nên nhiều quỹ đầu tư rất yên tâm với lĩnh vực này. Không thể phủ nhận, ở giai đoạn trước, nguồn vốn đầu tư vào các startup công nghệ y tế rất tốt.

Tuy nhiên, dưới những tác động của nền kinh tế nói chung, chiến lược đầu tư của các quỹ đã có nhiều thay đổi. Vì vậy, chúng ta cũng ít được chứng kiến sự bùng nổ của các startup nhận được vốn lớn.

Trước đây, tư duy làm startup là dùng vốn gọi được làm đòn bẩy để tạo ra doanh thu nhanh nhất có thể, hoặc bỏ tiền ra để có người dùng. Điểm yếu của tư duy này là doanh nghiệp phát triển không bền vững. Vô hình trung, startup đã chấp nhận đốt cháy giai đoạn, mà chưa gây dựng được niềm tin với người tiêu dùng.

Tới khi hết tiền, điểm yếu này lộ ra. Nhiều startup không thể chứng minh cho nhà đầu tư thấy nguồn vốn của họ được sử dụng hiệu quả, đồng thời cũng không tạo ra được mô hình kinh doanh bền vững.

Như tôi đã đề cập, y tế là một ngành đặc thù, cần xây dựng niềm tin lâu dài. Khởi nghiệp lĩnh vực y tế không giống như các công ty internet, hay công ty game với hàng triệu người dùng. Nên chăng, cách sử dụng vốn cũng rất khác.

Nói như vậy có đồng nghĩa ngành y tế không phù hợp với hoạt động gọi vốn khởi nghiệp? Hay đây chỉ đơn giản là thời điểm chưa phù hợp để các startup y tế tăng tốc, thưa ông?

CEO Lê Ngọc Hải: Tôi cho rằng, thời nào cũng vậy, dù là có nhiều vốn hay ít vốn thì bài toán quản lý vốn cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, một bài toán lớn hơn cả việc sử dụng vốn hiệu quả là startup cần gây dựng lòng tin với khách hàng, đối tác, cũng như cổ đông.

5 năm trước, TrueDoc tiếp cận và giữ chân khách hàng. 5 năm sau, chúng tôi vẫn phục vụ khách hàng đó tận tình, chu đáo. Qua thời gian, startup liên tục cải thiện chất lượng và liên tục cho ra đời những sản phẩm, dịch vụ mới. Đó chính là bài toán gây dựng lòng tin.

Trong giới khởi nghiệp, nhiều người thần tượng Grab, Uber bởi tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Phải chăng, TrueDoc khi chọn con đường phát triển bền vững là đang đi ngược với số đông?

CEO Lê Ngọc Hải: Tôi cũng ngưỡng mộ những doanh nghiệp như Grab, Uber, khi họ tạo ra một mô hình kinh doanh hấp dẫn, khiến ai cũng muốn sử dụng. Nhưng y tế không thể đi theo con đường như vậy, không phải cứ bỏ tiền là có người dùng.

Khởi nghiệp lĩnh vực y tế là một con đường dài, không thể nóng vội. Vì vậy, phát triển bền vững là hướng đi duy nhất với TrueDoc.

Chúng tôi đã gây dựng từ đội ngũ y bác sĩ, các đối tác, bệnh viện, phòng khám, đơn vị bảo hiểm, cho tới xây dựng hệ sinh thái dịch vụ, sản phẩm toàn diện và hơn hết là nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Nảy mầm trong mùa đông gọi vốn

Đồng ý TrueDoc đã chọn cho mình con đường bền vững. Nhưng với việc gần đây startup gọi được vốn ngoại, chắc chắn sẽ đi kèm những điều kiện về tăng trưởng. Vậy điều này có gây mâu thuẫn với chiến lược hiện tại không, thưa ông?

CEO Lê Ngọc Hải: Một câu hỏi rất hay. Ngay trước cuộc trò chuyện này, tôi đã có một bữa trưa thân mật với đại diện TNB Aura. Nói về các quỹ đầu tư mạo hiểm, hiện tại đã có nhiều sự thay đổi trong hoạt động quản lý đầu tư và dòng tiền.

Chúng tôi gọi đây là một thay đổi lớn, khi trước kia nhiều người nghĩ đầu tư vào startup là bỏ tiền "mua" doanh thu. Còn hiện tại, suy nghĩ này đã khác. Câu hỏi mà các quỹ đầu tư đặt ra là startup đã có lãi hay chưa, startup hoạt động có bền vững không?

Nhiều người tin rằng giới khởi nghiệp bước vào "mùa đông" gọi vốn vì các quỹ đầu tư đã hết tiền. Nhưng thực tế, các quỹ vẫn có tiền, chỉ là sẽ không dễ giải ngân như trước.

Điều kiện để các quỹ đầu tư giải ngân đã khó hơn rất nhiều. Và một trong những yếu tố tiên quyết là các startup phải hướng tới việc đứng được trên đôi chân của mình, thay vì phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư.

Ông định nghĩa thế nào về việc startup cần đứng được trên đôi chân của mình? Nếu startup có thể tự đứng vững, thì vai trò của các quỹ đầu tư liệu có còn quan trọng?

CEO Lê Ngọc Hải: "Đứng được trên đôi chân của mình" có thể hiểu là startup đã có một định hướng, chiến lược rõ ràng, có khả năng sử dụng vốn hiệu quả, bền vững.

Có thể startup chưa có lãi ngay, nhưng cũng phải tiệm cận việc có lãi. Từ đây, vai trò của quỹ đầu tư là giúp thêm cho các startup, thay vì để các startup dùng tiền “mua” doanh thu như trước.

Nhìn vào câu chuyện của TrueDoc, việc startup gọi được vốn trong giai đoạn hiện tại có thể chứng tỏ chúng tôi đang đi đúng hướng.

Với việc gọi được vốn, đội ngũ TrueDoc có chuẩn bị cho một cú bứt phá trong thời gian tới?

CEO Lê Ngọc Hải: Chúng tôi có niềm tin vào việc TrueDoc sẽ có một cú bứt phá, nhưng điều đó sẽ đến sau ít nhất 18 - 24 tháng tới. Khi đó, nền kinh tế nói chung và lĩnh vực y tế nói riêng sẽ có thêm nhiều động lực tăng trưởng.

Động lực tăng trưởng này theo ông sẽ tới từ đâu?

CEO Lê Ngọc Hải: Trước hết, động lực đến từ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân đang gia tăng. Sau đó, là chính các sản phẩm công nghệ cũng cần gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Dễ thấy nhất là xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực y tế. Như tại Singapore, cơ quan quản lý nước này thậm chí đã công nhận AI có thể thay thế bác sĩ trong một số hoạt động khám, chữa bệnh nhất định.

Do đó, trí tuệ nhân tạo chắc chắn là một hướng đi mà TrueDoc không thể bỏ qua. Tuy nhiên, đây không phải câu chuyện một sớm, một chiều mà startup có thể làm được. Điều này chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian để nghiên cứu và hoàn thiện.

Vậy trong ngắn hạn, ông có thể chia sẻ gì về định hướng của TrueDoc?

CEO Lê Ngọc Hải: Trong phạm vi của cuộc nói chuyện này, tôi có thể nói rằng, TrueDoc đang hướng tới việc hoàn thiện hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe cho các doanh nghiệp, các gia đình và cá nhân sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Về mục tiêu tăng trưởng, chúng tôi hướng tới việc tăng trưởng ít nhất 300% trong năm nay, sau khi có sự giúp sức của TNB Aura Scout. Và quan trọng hơn là TrueDoc vẫn sẽ kiên định với mục tiêu tăng trưởng bền vững và củng cố niềm tin nơi người tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông!

Startup protein men vi sinh tự bỏ 100 tỷ đồng khởi nghiệp

Startup protein men vi sinh tự bỏ 100 tỷ đồng khởi nghiệp

Doanh nghiệp -  3 tháng
Protein men vi sinh được xem là mảng kinh doanh tiềm năng khi chưa có đối thủ nào ở Việt Nam làm được như startup Yeast Era của nhà sáng lập Lê Thanh Hoài Phương.
Startup protein men vi sinh tự bỏ 100 tỷ đồng khởi nghiệp

Startup protein men vi sinh tự bỏ 100 tỷ đồng khởi nghiệp

Doanh nghiệp -  3 tháng
Protein men vi sinh được xem là mảng kinh doanh tiềm năng khi chưa có đối thủ nào ở Việt Nam làm được như startup Yeast Era của nhà sáng lập Lê Thanh Hoài Phương.
Startup đưa thợ xây, thợ điều hòa lên thương mại điện tử

Startup đưa thợ xây, thợ điều hòa lên thương mại điện tử

Doanh nghiệp -  2 tháng

Startup Fivess mong muốn trở thành một trung gian kết nối các nhà thầu, nhóm thợ với khách hàng có nhu cầu thông qua nền tảng số.

Shark Bình chỉ ra điểm yếu chí mạng của startup nước hoa Chava

Shark Bình chỉ ra điểm yếu chí mạng của startup nước hoa Chava

Doanh nghiệp -  2 tháng

Shark Bình đánh giá cao tinh thần và sản phẩm của startup nước hoa Việt Nam, nhưng cho rằng kênh bán hàng đang có nhiều yếu điểm.

Startup mỹ phẩm Pơ Lang biến quả bơ Tây Nguyên thành 'thần dược'

Startup mỹ phẩm Pơ Lang biến quả bơ Tây Nguyên thành 'thần dược'

Doanh nghiệp -  2 tháng

Từ những quả bơ Tây Nguyên, startup mỹ phẩm Pơ Lang đã tạo ra dầu bơ, son bơ với mong muốn xuất khẩu và bán qua kênh thương mại điện tử.

Bất động sản Phú Quốc trở lại đường đua khi du lịch phục hồi

Bất động sản Phú Quốc trở lại đường đua khi du lịch phục hồi

Nhịp cầu kinh doanh -  1 giờ

Với lượng khách năm 2024 dự kiến vượt mốc trước đại dịch Covid-19, du lịch Phú Quốc bứt phá ngoạn mục, tín hiệu cho thấy bất động sản Phú Quốc nóng trở lại.

Chủ tịch SSI: Chưa thấy ai ly hôn mà chia tài sản là Bitcoin

Chủ tịch SSI: Chưa thấy ai ly hôn mà chia tài sản là Bitcoin

Leader talk -  6 giờ

Nếu Việt Nam bỏ lỡ làn sóng tài sản số lần này, không biết tới bao giờ mới có được cơ hội thứ hai, theo Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng.

Menas đưa nông sản Đà Lạt vào siêu thị Mena Gourmet Market

Menas đưa nông sản Đà Lạt vào siêu thị Mena Gourmet Market

Nhịp cầu kinh doanh -  6 giờ

Menas vừa ký kết hợp tác chiến lược với Ngọc Duy Group và Da Dream Farm nhằm đưa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao từ Đà Lạt vào hệ thống phân phối của Mena Gourmet Market.

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành sân bay Long Thành trong năm 2025

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành sân bay Long Thành trong năm 2025

Tiêu điểm -  8 giờ

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu hoàn thành sân bay Long Thành vào cuối năm 2025 trong chuyến kiểm tra hiện trường lần thứ năm tại dự án trọng điểm quốc gia này.

Elcom chen chân vào Tây Hồ Tây giữa làn sóng nguồn cung tăng mạnh

Elcom chen chân vào Tây Hồ Tây giữa làn sóng nguồn cung tăng mạnh

Bất động sản -  8 giờ

Những năm tới sẽ cho thấy liệu thị trường có thể hấp thụ được nguồn cung mới hay không và Tây Hồ Tây có thực sự trở thành trung tâm kinh doanh hàng đầu như kỳ vọng.

Rủi ro tăng trưởng kinh tế 2025 từ nhiệm kỳ 'Trump 2.0'

Rủi ro tăng trưởng kinh tế 2025 từ nhiệm kỳ 'Trump 2.0'

Tiêu điểm -  9 giờ

Tăng trưởng kinh tế 2025 của Việt Nam được dự báo sẽ đối mặt với căng thẳng thương mại toàn cầu khi ông Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ chính thức.

Khai trương Trung tâm ngoại ngữ quốc tế Sao Mai tại TP.HCM

Khai trương Trung tâm ngoại ngữ quốc tế Sao Mai tại TP.HCM

Nhịp cầu kinh doanh -  9 giờ

Việc khai trương Trung tâm ngoại ngữ quốc tế Sao Mai tại TP.HCM đánh dấu sự mở rộng hoạt động mảng đào tạo, xuất khẩu lao động của Sao Mai Group.