Chiến lược chặn dịch, chặn lỗ và mở đường

Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Saigon Food - 09:37, 10/04/2020

TheLEADERLà doanh nghiệp lớn nhanh từ một doanh nghiệp nhỏ và đã trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình phát triển, có chút ít kinh nghiệm “khi có dịch là thực phẩm bán chạy” Saigon Food đã thích ứng nhanh với hoàn cảnh và cũng dễ dàng thay đổi. Ngay lúc dầu sôi lửa bỏng, Saigon Food đã đưa ra một kế hoạch, nâng lên thành chiến lược hành động là “ngăn chặn” và “mở đường”.

Chiến lược chặn dịch, chặn lỗ và mở đường
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Saigon Food

Một số định chế tài chính quốc tế, như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB), mới đây đã nhận định hậu quả do đại dịch Covid-19 đang gây ra có thể mức độ trầm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. 

Trước thử thách đầy khó khăn này, các doanh nghiệp Việt chúng ta cần đưa ra những kế hoạch hành động kịp thời để ứng phó, để tự cứu mình trước khi nhận được sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của nhà nước cũng như trước khi tình hình kinh doanh ngày càng xấu đi.

Sức khỏe” của một doanh nghiệp được định lượng bằng khả năng thích ứng và cơ chế “miễn dịch”

Thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối diện trước mắt là tình trạng gián đoạn thương mại, tạm dừng sản xuất nhưng khi đại dịch được khống chế, ảnh hưởng của nó vẫn sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian dài sau đó nữa, chứ không chỉ vài ba tháng tới với nhiều viễn cảnh u ám: Phá sản, thất nghiệp, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm trầm trọng… Vậy nên, lúc này các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhất thiết phải lập kế hoạch thay đổi cho dài hạn để ứng phó với khủng hoảng cả về nguồn cung, nguồn cầu lẫn giải pháp điều tiết dòng tiền.

Quan sát những “ông lớn” của nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, chúng ta đã cảm nhận suy thoái kinh tế đang trở thành nguy cơ lớn như thế nào. Nguy cơ đó đã đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp phải tự thay đổi mình, nếu không muốn nếm trái đắng. 

Những bài học kinh điển về kinh doanh trước đây dường như không còn ý nghĩa mấy với những gì đang diễn ra khi các thương hiệu hàng đầu sẵn sàng chuyển hướng, thay vì trung thành với những sản phẩm, dịch vụ cốt lõi đã tạo nên tên tuổi của mình. 

Một đại gia về công nghệ máy ảnh như Fujifilm bắt đầu sản xuất thuốc trị cúm, trong khi tập đoàn số 1 Việt Nam là Vingroup sớm tiếp cận và đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất máy thở, máy đo thân nhiệt.

Thực tế đó cho thấy việc chuyển đổi mô hình kinh doanh và cả mô hình làm việc, đang là cứu cánh cần thiết nhất trong thời điểm này. Nó giúp doanh nghiệp tồn tại và cũng là cách thể hiện trách nhiệm với cộng đồng khi chung tay cùng xã hội vượt qua khủng hoảng của đại dịch.

Trong dòng dịch chuyển đó, Saigon Food không là một ngoại lệ. Là doanh nghiệp lớn nhanh từ một doanh nghiệp nhỏ và đã trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình phát triển, có chút ít kinh nghiệm “khi có dịch là thực phẩm bán chạy” Saigon Food đã thích ứng nhanh với hoàn cảnh, và cũng dễ dàng thay đổi. Ngay lúc dầu sôi lửa bỏng, Saigon Food đã đưa ra một kế hoạch, nâng lên thành chiến lược hành động là “ngăn chặn” và “mở đường”.

Đầu tiên là ngăn chặn, bao gồm chặn dịch và chặn lỗ. Ngay từ đầu, công ty đã có những biện pháp quyết liệt để ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo an toàn, an tâm đến với toàn thể cán bộ, nhân viên, cho khách hàng, song song đó là việc đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng gấp đôi của ngành thực phẩm trong mùa dịch.

Để chặn lỗ, Saigon Food đã quyết định không triển khai hai dự án mới đã được hoạch định, ấp ủ từ hơn một năm nay, bởi nếu triển khai có quá nhiều rủi ro về thị trường lại bị phân tán nguồn lực. Doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn chấp nhận sẽ dừng một mảng kinh doanh chưa hiệu quả, mặc dù đã đầu tư khá nhiều nguồn lực trong ba năm qua.

Cũng như cơ thể con người, “sức khỏe” của một doanh nghiệp được định lượng bằng khả năng thích ứng và cơ chế “miễn dịch”. Doanh nghiệp nào biết thích ứng nhanh với hoàn cảnh và chịu thay đổi, doanh nghiệp đó sẽ tồn tại. Nếu chỉ nhìn vào những khó khăn, chúng ta dường như chỉ thấy mặt tiêu cực của vấn đề thời khủng hoảng do đại dịch. Nhưng nếu bình tâm, tĩnh trí, chúng ta sẽ nhận ra những điểm sáng mới, cơ hội mới.

Cho nên Sài Gòn Food đang và sẽ nỗ lực “mở đường” cho những cơ hội mới về phát triển sản phẩm. Chúng tôi đã phát hiện một số nhu cầu mới trong đại dịch nên nhanh chóng tập trung để phát triển các dòng sản phẩm mới theo nhu cầu mới. Trước mắt đó là nhóm thực phẩm bổ dưỡng, tăng cường sức khỏe cho người tiêu dùng trong thời dịch bệnh, chúng tôi sẽ tiến hành mở rộng thêm dòng sản phẩm cháo bổ dưỡng với không chỉ vài loại như tổ yến, nhân sâm hiện nay mà còn nhiều loại khác… 

Bên cạnh đó, chúng tôi còn tăng cường phát triển dòng sản phẩm bữa ăn tươi chế biến sẵn đông lạnh, người dùng chỉ cần hâm nóng lên là có thể ăn ngay. Ngoài ra, Saigon Food cũng đang nghiên cứu những dòng sản phẩm thời hậu dịch, một trong những ý tưởng đang được cân nhắc là sản phẩm dành cho người có nhu cầu giảm cân.

Về kênh phân phối, trong khi hoạt động thương mại theo các kênh phân phối trực tiếp đang có nhiều rủi ro, người tiêu dùng e dè, việc phát triển kênh thương mại điện tử được xem như giải pháp bổ sung hết sức hữu hiệu. Đó là sự thích ứng không chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn hiện tại. 

Chắc chắn, những tiện lợi từ kênh thương mại điện tử do thời thế bắt buộc phải vận dụng trong mùa dịch sẽ tạo thói quen mới cho người tiêu dùng. Chính sự tiện lợi và hiệu quả của hình thức đặt online, giao hàng tận nơi sẽ còn được duy trì, phát triển mạnh mẽ hơn nữa thời hậu dịch và trong tương lai. Các dòng sản phẩm đông lạnh của Sài Gòn Food lâu nay tưởng chừng như không phù hợp với kênh thương mại điện tử nhưng rõ ràng trong mùa dịch này đã chứng minh là có tiềm năng.

Không chỉ ứng phó với dịch bệnh từ bên ngoài, Saigon Food còn nâng cao khả năng “miễn dịch” cho doanh nghiệp về mặt nội lực bằng cách thay đổi phương thức quản trị hệ thống. Ngay trong giai đoạn đại dịch, ban lãnh đạo của Saigon Food đã có phản ứng nhanh bằng cách tiến hành rà soát, cơ cấu lại bộ máy, song song với việc điều chỉnh, thiết lập lại mục tiêu, kế hoạch kinh doanh của năm 2020 và chúng tôi đang tiến hành xây dựng nhiều kịch bản ứng phó thời hậu dịch.

Cách ly xã hội đã làm thay đổi lớn đến mô hình quản trị, nhưng cũng mở ra sự đa dạng linh hoạt trong hoạt động của doanh nghiệp và góp phần tiết kiệm chi phí. 

Tại Sài Gòn Food lúc này, thay vì 100% cán bộ, nhân viên phải đến công ty, một số các phòng ban được làm việc linh hoạt, một số nhân sự luân phiên làm việc online để chăm sóc con nhỏ, mẹ già, hầu hết nhân viên sales ngoài thị trường tiếp xúc với nhiều người không được vào công ty, từng phân xưởng phải cách ly riêng, từng khu vực có lối đi riêng và tất cả cuộc họp đều thực hiện online. 

Nếu như lâu nay chúng tôi kêu gọi mọi người “đừng bao giờ đi ăn một mình” để khuyến khích cán bộ công nhân viên kết nối, thân thiện vui vẻ với nhau trong giờ ăn thì giờ đây nhà ăn phải ngăn vách, cách tường.

Tuy nhiên, “xa mặt nhưng không cách lòng” nhiều năm qua, Saigon Food đã đầu tư cho hoạt động truyền thông nội bộ rất hiệu quả thông qua những ứng dụng như Facebook, Viber, Zalo,… Đây chính là lúc, các kênh truyền thông này đã phát huy tác dụng một cách tối đa trong công tác phòng chống dịch, điều phối công việc, cập nhật những diễn biến tình hình sản xuất, hoạt động kinh doanh, những chỉ đạo nhanh luôn được truyền thông, trao đổi nhanh chóng trên nhóm mỗi ngày, mỗi giờ. Nhờ thế, mọi thứ gần như được vận hành một cách thông suốt và liên tục.

Theo đó, nhà quản lý vận dụng triệt để kỹ năng giao việc, chỉ đạo từ xa, điều phối công việc của nhân viên không theo kiểu “có mặt đặt tên” mà theo khối lượng công việc được giao. Về phía nhân viên, yêu cầu đặt ra lúc này chính là tính kỷ luật, sự chủ động và tinh thần trách nhiệm trong công việc. Nhờ thế, trong thời cách ly, mọi hoạt động của công ty gần như được vận hành gần như bình thường trong điều kiện bất thường.

Yêu cầu thay đổi mang tính tình thế này đòi hỏi tinh thần hợp tác, đồng lòng từ cả nhà quản lý lẫn nhân viên. Nếu nhìn ở tầm vĩ mô đó là chúng tôi đang học hỏi theo mô hình của sự đồng lòng chống dịch như chống giặc từ Chính phủ đến từng người dân trong cả nước. Sự đồng lòng đã mang đến những thành công bước đầu.

Nếu bạn không thể đi ra ngoài hãy đi vào bên trong

Là một yếu nhân trong cơn đại dịch bản thân tôi cũng phải tự cách ly làm việc tại nhà. Nói thật, có chút lo lắng hụt hẫng bước đầu vì chưa có sự chuẩn bị và bất kỳ kinh nghiệm gì trong cách điều hành này nhưng tôi vẫn phải ứng phó nhanh để duy trì mọi hoạt động, có thể là nhờ lâu nay Sài Gòn Food cũng đã ứng dụng nhiều phần mềm trong quản trị nên tất cả mọi thông tin, ký duyệt và kể cả họp online cho nên mọi việc vẫn khá trôi chảy. 

Mỗi ngày, tôi vẫn nghiêm túc ngồi vào bàn làm việc đúng giờ và giải quyết tất cả công việc thông qua máy tính và dĩ nhiên tôi cũng đòi hỏi nhân viên làm việc tại nhà cũng phải nghiêm túc như vậy mới có thể tương thích, đáp ứng yêu cầu trong quá trình làm việc.

Nếu nhìn ở một mặt tích cực nhờ cách ly xã hội và làm việc tại nhà, mỗi ngày tôi đã tiết kiệm được gần 2 giờ di chuyển để có thời gian tập thể dục nhiều hơn tăng cường sức khỏe và có thêm thời gian để chăm sóc cho gia đình và tiết kiệm chi phí phục vụ của công ty như xe đưa rước, điện , nước….

Đại dịch Covid-19 đang gây tác động nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội toàn cầu, kẻ thù vô hình có sức tàn phá khủng khiếp, nhưng chính nó đã làm thay đổi tư duy và thói quen của mỗi người, mở ra những cánh cửa, hướng đi mới mà mỗi chúng ta chưa từng nghĩ đến…

Chưa bao giờ con người suy ngẫm về sự tàn phá thiên nhiên nghiêm túc như lúc này, chưa bao giờ các bậc phụ huynh có nhiều thời gian cho con trẻ nhiều như thế này, chưa bao giờ những doanh nhân chấp nhận ở nhà lâu như thế này, chưa có bao giờ sinh mệnh con người mong manh như thế…

Nếu bạn không thể đi ra ngoài hãy đi vào bên trong. Đi vào bên trong để tìm ra hướng đi mới để thay đổi, thay đổi từ những nếp nghĩ, thói quen cho đến hành động… Bởi thế, Covid-19 không chỉ được xem như cuộc khủng hoảng tự nhiên mà là một biến động nhân sinh, làm thức tỉnh cả nhân loại trước yêu cầu thay đổi, thích nghi để tồn tại.