Chiến lược xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở Quảng Ninh

Quỳnh Chi - 08:11, 21/10/2020

TheLEADERLà một trong ba đột phá chiến lược đóng góp vào quá trình thay da đổi thịt của địa phương, nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Ninh ngày càng được nâng cao nhờ vào chủ trương và sự quyết liệt của chính quyền các cấp cũng như sự chung tay của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Chiến lược xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở Quảng Ninh
Đào tạo tại Đại học Hạ Long

Xác định nâng cao nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược, tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua đã đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác năm 2020 là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững.

Như ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã từng nói, cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh là hạt nhân trong xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Do đó, cần không ngừng đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành tốt nhất công việc được giao, đúng tiến độ và dứt điểm.

Quảng Ninh trong đánh giá, nhìn nhận của cả nước không chỉ là vùng đất của truyền thống kỷ luật và đồng tâm mà còn là địa bàn cực sôi động với những khát vọng đổi mới, sáng tạo được truyền lửa qua nhiều thế hệ.

Về đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, Quảng Ninh từng bước khắc phục những hạn chế, khó khăn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực địa phương. Tỉnh đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ.

Để thực hiện công tác tham mưu đối với lĩnh vực tổ chức cán bộ đúng theo quy định hiện hành và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 828/UBND-TH5 ngày 14/02/2020 hướng dẫn các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các hội có tính chất đặc thù thực hiện quy trình bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo quản lý không qua hình thức thi tuyển với quy trình bổ nhiệm gồm 5 bước.

Trong đó, việc bổ nhiệm lãnh đạo các cấp đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh theo quy định; tuân thủ chặt chẽ các quy định về quy trình, hồ sơ, số lượng cấp phó; có biện pháp kịp thời thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khỏe, có sai phạm không phải chờ hết thời hạn bổ nhiệm.

Cùng với đó, tỉnh cũng tiếp tục thực hiện tốt việc thí điểm thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; đổi mới công tác bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo theo nguyên tắc có cạnh tranh, công khai, minh bạch.

Để thực hiện thành công chủ đề công tác năm 2020 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Quảng Ninh cũng đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2020. Trong đó phê duyệt tổ chức 179 lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước, với tổng số 12.288 học viên.

Trong năm 2020, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công vụ, ngoại ngữ, tin học, văn hoá công sở, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. 

Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở tỉnh Quảng Ninh
Tỉnh Quảng Ninh chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác chuyên môn, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ, giáo dục, y tế, giao thông vận tải…

Xây dựng nguồn nhân lực sát nhu cầu doanh nghiệp

Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tàu của vùng kinh kế trọng điểm phía Bắc, đầu mối giao thương quan trọng của khu vực. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có khoảng hơn 20,2 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Hàng loạt doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang tìm về mảnh đất này với những cái tên như Vingroup, Sungroup, CEO, Amata, TCL, Foxconn, Texhong…

Theo tổng hợp của Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, 11 khu công nghiệp đã nằm trong quy hoạch phát triển đến năm 2020 của tỉnh được Thủ tướng phê duyệt với tổng diện tích là hơn 11.741 ha. Trong đó, mới có 6/9 khu công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng là đã thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, với tỷ lệ lấp đầy trên 60%.

Như vậy, dư địa thu hút “chim về làm tổ” với Quảng Ninh còn rất nhiều. Để thực hiện tốt điều này, công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp đã được Quảng Ninh chú trọng.

Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành cơ chế, chính sách riêng của tỉnh thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh. 

Trong đó, quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt tại Nghị quyết số 217/NQ-HĐND ngày 15/7/2015 đã góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống mạng lưới, quy mô giáo dục và đào tạo, nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quy hoạch nhằm phát triển nguồn nhân lực cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ là địa phương có nguồn nhân lực chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.

Để tạo đà cho phát triển bền vững, chất lượng nguồn nhân lực luôn được coi là yếu tố tiên quyết. Ưu tiên này được Quảng Ninh triển khai từng bước, bài bản, vừa đào tạo và bồi dưỡng, vừa thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực, ngành nghề tỉnh cần.

Thực hiện quy hoạch, Quảng Ninh đã tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục, ngân sách đầu tư cho giáo dục được duy trì ở mức khá cao. Cụ thể, ngân sách chi lĩnh vực giáo dục và đào tạo hằng năm chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó chi thường xuyên chiếm 30-35% chi thường xuyên của tỉnh. Mức chi này khá ổn định trong 5 năm qua.

Quảng Ninh đã xây dựng Đại học Hạ Long từng bước trở thành trung tâm thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực. Đồng thời, hoàn thành và đưa vào hoạt động các trung tâm dạy nghề cấp huyện trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở tỉnh Quảng Ninh 1
Các sinh viên tốt nghiệp khoá I của Trường Đại học Hạ Long

Đến nay toàn tỉnh Quảng Ninh có 42 cơ sở đào tạo nghề, trung bình tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp trên 34.000 người/năm. Đến hết năm nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo dự kiến đạt 85%, tăng 20,55% so với năm 2015, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ 45,5%. 

Quảng Ninh đã có nhiều chính sách đặc thù trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý có năng lực như cử đi đào tạo, thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, thu hút giáo viên ở các tỉnh khác về làm việc tại tỉnh.

Tỉnh Quảng Ninh xác định cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ vốn đòi hỏi nguồn lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, cùng với việc chủ động xây dựng Đại học Hạ Long và các trường dạy nghề chất lượng cao thu hút nguồn nhân lực trẻ về đào tạo, tỉnh cũng sẽ bố trí công ăn, việc làm, tạo điều kiện thuận lợi nơi ăn chốn ở cho nguồn nhân lực trên. 

Đây là việc làm quan trọng để nâng cao quy mô cũng như chất lượng dân số và cũng được coi là yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh, địa phương có hơn 1,3 triệu dân.

Nhằm tìm ra các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh thường xuyên chủ động tham vấn ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội, kết nối với các chuyên gia và các cơ sở đào tạo.

Quảng Ninh đặc biệt coi trọng vai trò gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với nhu cầu doanh nghiệp; liên kết, hợp tác với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo; sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; vai trò của các trường đại học, cao đẳng trong công tác nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới và chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp.

Đáng chú ý, mới đây tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở Văn hóa thể thao chủ trì thực hiện đề án "Xây dựng bộ tiêu chí người Quảng Ninh" trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đề án chỉ ra các đặc điểm văn hóa, con người Quảng Ninh hiện nay; xác định rõ những nhân tố tác động đến xây dựng con người Quảng Ninh trong bối cảnh kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xác định những định hướng giá trị và chuẩn mực của con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. 

Đề án cũng xây dựng bộ tiêu chí cơ bản người Quảng Ninh cần vươn tới và thực hiện; đề xuất các kiến nghị để tổ chức thực hiện bộ tiêu chí này trên địa bàn tỉnh.

Dự kiến, bộ tiêu chí này gồm có 3 chương 17 điều. Đây là cơ sở để làm chuẩn mực định hướng, đánh giá và điều chỉnh các hoạt động tổ chức và xây dựng con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.