Chống dịch quyết liệt nhưng không làm kinh tế tê liệt

Phương Linh - 12:11, 07/08/2020

TheLEADERKhông cách ly xã hội trên phạm vi cả nước như giai đoạn trước, ở đợt tái bùng phát dịch Covid-19 lần này, Chính phủ đang cho thấy quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Chống dịch quyết liệt nhưng không làm kinh tế tê liệt
Phun khử khuẩn tại thành phố Hội An. Ảnh: Nguyễn Sơn Thuỷ

Thay đổi lớn trong cách chống dịch

Sau 99 ngày cả nước yên ả không ghi nhận thêm ca mắc mới, hơn 10 ngày qua, bắt đầu từ ca nhiễm đầu tiên tại Đà Nẵng, dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại và có những diễn biến phức tạp hơn.

Tính đến sáng 7/8, Việt Nam có 750 ca ca nhiễm Sars-Cov-2, trong đó đã có 10 người tử vong. Đà Nẵng trở thành điểm nóng của đại dịch với 214 trường hợp, với ngày cao điểm có tới 45 ca mắc mới.

Hơn 5 tháng trước, cả nước cũng trong cao điểm chống dịch. Khi xuất hiện ca bệnh số 17 tại Hà Nội, thành phố đã cách ly hàng loạt các khu vực đông dân, nơi bệnh nhân lưu trú trước khi nhập viện.

Cùng với sự phức tạp của ca bệnh số 17, tình hình căng thẳng ở Bệnh viện Bạch Mai với 19 ca dương tính và dự báo dịch bệnh có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã ngay lập tức ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể, Thủ tướng đã yêu cầu thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh. Phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Mọi người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.

Còn nhớ tại thời điểm đó, Việt Nam mới ghi nhận 204 trường hợp nhiễm Covid-19. Còn trên phạm vi toàn cầu, mới chỉ có 720.000 người mắc bệnh, gần 3.500 người tử vong tại 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Với những chủ trương quyết liệt của Chính phủ trong chống dịch của giai đoạn trước, khi Covid-19 tái diễn trong gần nửa tháng qua tại Đà Nẵng với những diễn biến nghiêm trọng và phức tạp hơn, không ít người lo lắng về khả năng một đợt giãn cách xã hội mới.

Nếu như ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai mới chỉ có chưa đến 20 người nhiễm bệnh thì điểm nóng ở ổ dịch Đà Nẵng đang cho thấy sự nguy hiểm hơn nhiều với hơn 100 ca nhiễm. Đáng nói, với đặc thù là thành phố du lịch, số lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đúng mùa cao điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mang mầm bệnh về địa phương.

Bằng chứng là kể từ khi dịch tái bùng phát tại Đà Nẵng, một số địa phương khác như TP. HCM, Quảng Nam, Thái Bình, Đồng Nai, Hà Nam cũng phát hiện những ca nhiễm mới có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng.

Nghiêm trọng hơn, với dịch Covid-19 tái diễn, Việt Nam cũng ghi nhận 10 trường hợp tử vong. Tuy đây là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền nặng, song cũng cho thấy mức độ trở lại nguy hiểm của đại dịch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.

Tuy nhiên, cách phòng chống dịch hiện nay đã khác giai đoạn trước. Mặc dù số ca nhiễm tăng nhanh nhưng không có cách ly xã hội toàn quốc, mà chỉ thực hiện ở Đà Nẵng và thành phố Hội An. 

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/8, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ lần này là vừa chống dịch vừa đảm bảo hoạt động kinh tế xã hội bị ảnh hưởng thấp nhất.

Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung phân loại sớm và tăng cường khả năng xét nghiệm, chỉ phong tỏa nơi tâm dịch, giãn cách xã hội ở vùng dịch, phân loại và kiểm soát phòng chống dịch, để các hoạt động kinh tế xã hội diễn ra bình thường. Đối với các địa phương không có lây nhiễm tại cộng đồng thì thực hiện khoanh trong phạm vi bán kính vừa đủ để quản lý, phân loại và kiểm soát phòng chống dịch.

Theo ông Dũng, khoanh vùng dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, chỉ tập trung phong tỏa những nơi có dịch, cách ly nguồn dịch. Những nơi không có lây nhiễm trong cộng đồng mà chỉ có người trở về từ các vùng dịch thì khoanh vùng phạm vi ở mức độ vừa đủ, hạn chế giãn cách một cách tràn lan.

"Điều này nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội", ông Dũng nói.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành không được chủ quan, lơ là, lỏng lẻo để dịch bệnh tràn lan, bùng phát, mất kiểm soát; nhưng cũng cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. Không được tuyên bố giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là khi chưa có ổ dịch, dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế xã hội.

Tinh thần của Thủ tướng trong chống dịch lần này là không để lây lan trên diện rộng, không để những ổ dịch mới khi phát hiện không được ngăn chặn; không được chủ quan nhưng không được hoang mang, dao động, bị động.

Những địa phương chưa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vẫn phải bảo đảm sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy nền kinh tế, nhất là những trung tâm kinh tế lớn cũng như các thành phố và các địa phương trong cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù các nguồn lây lan trong cộng đồng vẫn chưa được kiểm soát, nhưng Việt Nam đã không áp dụng cách ly xã hội trên toàn quốc như giai đoạn đầu tháng 4. Các chỉ đạo của Chính phủ đều thống nhất quan điểm khoanh vùng chống dịch nhưng không "ngăn sông cấm chợ".

Ngoài tâm dịch Đà Nẵng, nơi đã áp dụng trở lại Chỉ thị 16 về cách ly xã hội, chỉ có một số ít địa phương khác áp dụng biện pháp này như Quảng Nam, Đắk Lắk. Song, khác biệt so với lần trước là chỉ thị này cũng không được các địa phương áp dụng trên toàn tỉnh mà chỉ triển khai tại các thành phố, huyện có ca nhiễm trong cộng đồng.

Các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM dù đã phát hiện ca nhiễm với lịch trình di chuyển phức tạp nhưng cũng chưa áp dụng Chỉ thị 16 trở lại. Người dân cũng không nhận được các tin nhắn khuyến khích ở nhà như trước đây.

Thay vào đó là các biện pháp hạn chế một số hoạt động tập trung đông người, các dịch vụ không thiết yếu, bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, hướng dẫn cách ly tại nhà đối với một số người có nguy cơ nhiễm bệnh.

Về giao thông vận tải, đến nay mới có sân bay tại Đà Nẵng và các bến xe khách đường dài tại thành phố này đóng cửa đối với hoạt động vận tải hành khách. Các hoạt động giao thông giữa các địa phương vẫn được thực hiện thay vì "đóng băng" toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách như trước đây, cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì hoạt động kinh tế xã hội.

Giải bài toán mục tiêu kép

Thực tế cho thấy, Chính phủ không áp dụng các biện pháp cách ly cực đoan trong đợt dịch hiện tại. Nguyên nhân trước hết là do Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm chống dịch hiệu quả trong giai đoạn trước với các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn khiến Việt Nam không triển khai "cách ly xã hội" rộng khắp có lẽ là do lo ngại ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Theo đó, việc dịch Covid-19 kéo dài hơn nửa năm qua đã khiến nền kinh tế vốn dựa vào xuất khẩu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương, đợt dịch đầu năm Việt Nam phải giãn cách xã hội toàn quốc hơn 20 ngày đã gây tác động rất nhiều đến sản xuất kinh doanh. Kết quả tăng trưởng của quý II rất thấp, ngành du lịch và ngành vận tải hành khách bị tác động đầu tiên.

Không chỉ Đà Nẵng mà các địa phương, các hãng lữ hành, vận chuyển hàng không đều bị huỷ chuyến đi, huỷ hợp đồng du lịch. Mặc dù tăng trưởng của ngành du lịch trong tháng 7 vừa qua đã có mức tăng tưởng bứt phá so với tháng 6 nhưng cũng không "thấm vào đâu" so với những thiệt hại phải hứng chịu.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến tháng 6 năm 2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Họ là những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Ảnh hưởng do giảm thu nhập đối với người lao động chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng, tương ứng 17,6 triệu người.

Theo ông Phương: "Chưa bao giờ các dự báo về kinh tế lại khó như bây giờ. Có quá nhiều yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế, nhất là các yếu tố liên quan đến dịch Covid-19. Nếu Việt Nam bị làn sóng Covid-19 thứ hai thì tác động của nó đến nền kinh tế rất khủng khiếp".

Đây cũng chính là lý do khiến Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt, quyết tâm dùng mọi hình thức dập dịch bằng được, nhưng vẫn phải song song thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế.

Đặt mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, tuy nhiên, hai nhiệm vụ này có thể phát triển song song hay không vẫn đang còn là một câu hỏi khó trả lời.

Nhận định về điều này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu không phủ nhận, việc thực hiện giãn cách xã hội như giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát trước đó đã gây thiệt hại rất lớn cho sự phát triển kinh tế. Toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh gần như tê liệt.

Bài học từ Singapore cho thấy, khi dịch bùng phát trong khu công nhân Singapore có 380.000 người, quốc gia này đã ngay lập tức đã thực hiện đóng của toàn quốc. Hệ quả là toàn bộ nền kinh tế phải chi trả hơn 100 tỷ đô la Singapore, giải cứu nền kinh tế, trong khi 99% số lây nhiễm Covid-19 là trong khu công nhân.

Sau này, khi đánh giá lại, nhiều chuyên gia của Singapore về kinh tế, y tế đều cho rằng chỉ cần cách ly khu trung tâm ký túc xá công nhân, không cần đóng của mọi hoạt động toàn quốc gây phát sinh chi phí quá lớn cho nền kinh tế.

Do đó, theo ông Hiếu, việc tính toán thực hiện giãn cách, phong toả thế nào là rất quan trọng. Với cách thức mới trong chống dịch của Việt Nam hiện nay, việc Chính phủ không có những giải pháp chống dịch mạnh mẽ như giai đoạn trước, tất nhiên kinh tế sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển. Người dân vẫn đi lại ăn uống, tiêu dùng... tất cả những điều đó sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Dẫn kinh nghiệm của các nước, ông Hiếu chia sẻ, lo ngại các biệt pháp giãn cách xã hội để chống dịch sẽ ảnh hướng đến phát triển kinh tế cũng chính là lý do khiến Tổng thống Mỹ đang muốn mở của lại trường học.

Theo đó, khi trường học đóng cửa, trẻ em ở nhà, cha mẹ cũng không thể đi làm. Điều này khiến hoạt động sản xuất bị hạn chế, thiệt hại kinh tế là rất kinh khủng. Do đó, việc mở cửa lại trường học sẽ giúp hoạt động sản xuất trở lại bình thường. Giáo viên sẽ trở lại trường làm việc để nhận lương thay vì trợ cấp từ chính phủ. Bên cạnh đó các hoạt động khác liên quan đến trường học như thực phẩm, dịch vụ vận tải đưa đón trẻ tới trường cũng sẽ tái khởi động. Kéo theo đó là cả một nền kinh tế sẽ hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng nhấn mạnh, cái giá phải trả của việc hạn chế các biện pháp giãn cách xã hội là tiềm ẩn khả năng lây nhiễm dịch bệnh. Nếu không kiểm soát được để dịch bệnh lây nhiễm trên diện rộng, khi đó, ngay lập tức sẽ phải đóng cửa toàn xã hội, thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều.

Việc thả lỏng giãn cách xã hội đang là một rủi ro lớn, nhưng nếu đóng cửa nền kinh tế sẽ gây thiệt hại rất nặng nề. Mục tiêu chống dịch và phát triển kinh tế dường như đang rất mâu thuẫn, khó có thể trung hoà.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Hiếu cho rằng, trước mắt Chính phủ cần thực hiện quyết liệt các biện pháp chống dịch tại những điểm nóng, tránh để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Trong trường hợp dịch bùng phát, có lẽ sẽ phải thực hiện một trong hai giải pháp cực đoan hoặc giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước như trước đây, hoặc vẫn mở cửa để kinh tế phát triển, chấp nhận để dịch bệnh lây lan..

Tuy nhiên, ông Hiếu nghiêng về giải pháp kiểm soát tốt dịch bệnh, bởi chỉ khi dịch bệnh được kiểm soát, tâm lý người dân yên tâm, kinh tế mới phục hồi và phát triển ổn định. Còn nếu để dịch bùng phát, lúc đó sẽ rất nguy hiểm, thiệt hại kinh tế có thể sẽ lớn hơn nhiều lần.