Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam: "Chúng ta có thể đi trước trong lĩnh vực Internet vạn vật"

Đức Anh - 07:25, 09/03/2018

TheLEADERTheo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet, Việt Nam không chỉ bắt kịp công nghệ tương đối tốt mà còn có khả năng đi trước trong lĩnh vực Internet kết nối vạn vật. Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ của các yếu tố bên ngoài, bản thân doanh nghiệp cũng cần phải giải quyết vấn đề nội tại.

Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam: "Chúng ta có thể đi trước trong lĩnh vực Internet vạn vật"
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam.

Dù chưa thống nhất nhưng hiện nhận thức chung của cộng đồng về vai trò và tác động của Internet kết nối vạn vật (IoT) đến đời sống kinh tế - xã hội đang ngày một rõ ràng. IoT được đánh giá sẽ góp phần đem lại những lợi ích chung đáng kể như sự tiện lợi, an toàn và hiệu quả.

Mặc dù đứng trước những cơ hội rất lớn từ IoT, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp trẻ nói riêng vẫn đang loay hoay trong việc tiếp cận và áp dụng. TheLEADER đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam về vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về thực tế nắm bắt IoT ở Việt Nam hiện nay?

Ông Vũ Hoàng Liên: Theo tôi, người Việt Nam nắm bắt công nghệ tương đối tốt. Nếu chúng ta có phương pháp tốt, cộng đồng có sự liên kết cũng như sự ủng hộ từ phía Nhà nước thì không loại trừ khả năng chúng ta còn có thể đi trước trong lĩnh vực này.

Để thật sự thúc đẩy được, ngoài vai trò quan trọng của Nhà nước, cần phải quay trở về bản thân doanh nghiệp, bao gồm bên sản xuất cung cấp giải pháp và bên ứng dụng. Cho đến nay, bên phát triển giải pháp, cung cấp dịch vụ đang cho thấy sự chủ động hơn.

Trong khi đó, năng lực tiêu dùng đúng ra là cái phải đi trước, tạo ra động lực cho sự phát triển chung nhưng có vẻ như tại Việt Nam, năng lực này vẫn còn nhiều yếu điểm, khiến quan hệ tương hỗ tạo ra sức đẩy chưa thực sự được như mong muốn.

Vẫn còn không ít người chưa thực sự hiểu rõ khái niệm IoT hay cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Vậy làm thế nào để IoT có thể xâm nhập sâu hơn, thưa ông?

Ông Vũ Hoàng Liên: Hiểu được và hiểu một cách đồng nhất thì tốt. Nhưng theo tôi, quan trọng là doanh nghiệp cần quan sát nhu cầu xung quanh, quan sát xem công nghệ nào có thể phục vụ cho nhu cầu ấy. Ngoài ra, cần biết cách liên kết với các doanh nghiệp xung quanh, các cộng đồng, tổ chức khác nhau và ngay cả với cơ quan quản lý.

Dù là IoT hay là 4.0 thì đều là cơ hội công nghệ dành cho các doanh nghiệp.

Đối với tôi, tôi chỉ nghĩ rất đơn giản. Tất cả những công nghệ trung gian được đưa vào nhằm phục vụ tối đa cho cuộc sống là IoT, là 4.0.

Hay có thể nói một cách hơi lãng mạn. Lâu nay chúng ta chỉ nghĩ về quan hệ giữa người và người thì bây giờ, trong xu hướng mới, làm thế nào để đánh thức phần hồn của các thực thể xung quanh. Khi đánh thức được phần hồn đó, con người sẽ được gia tăng giá trị khi giao tiếp với thực thể vật lí. Đấy chính là cơ hội.

Để ứng dụng IoT, có cần nhiều tiền vốn không, thưa ông?

Ông Vũ Hoàng Liên: Theo tôi, vốn luôn quan trọng nhưng lĩnh vực công nghệ nói chung và xu hướng IoT không đòi hỏi vốn quá lớn so với nhu cầu sản xuất kinh doanh của chính lĩnh vực này. 

Bài toán trong phát triển và mở rộng nằm ở việc doanh nghiệp có đánh giá được giá trị khi ứng dụng công nghệ hay không và có lấy lại được giá trị hay không.

Nếu như xác định đưa công nghệ vào, lấy lại được giá trị thì đấy là cách để hoàn vốn. Một khi đã nhìn được điểm hoàn vốn thì việc bỏ tiền ra đầu tư hay huy động mọi người đầu tư không phải là khó.

Doanh nghiệp còn vướng mắc là do khi đưa công nghệ vào, không biết hiệu quả ở chỗ nào và giá trị lấy lại quy đổi về mặt tài chính là gì và ở đâu.

Cũng có thể do doanh nghiệp ứng dụng nhưng lại không thật sự thực hiện đúng mục tiêu hoặc không đem lại hiệu quả như mong muốn. Điều này khiến bản thân những người rất tin vào công nghệ cũng không dám đầu tư.

Cám ơn ông!