Chuyển biến tích cực tại thị trường lao động TP.HCM hậu giãn cách

Anh Khang - 15:00, 26/10/2021

TheLEADERNhu cầu nhân lực quý cuối năm tại TP.HCM sẽ chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh - thương mại, dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ cũng như công nghệ thông tin.

Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 đã giúp giảm thiểu tình trạng tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, qua đó tái tạo việc làm cho người lao động, kích cầu tiêu dùng và kích thích đầu tư trở lại từ khu vực tư nhân.

Mặt khác, những tháng cuối năm là thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực, tận dụng khoảng thời gian còn lại để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Song song đó, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán cũng góp phần kích cầu hoạt động tiêu dùng trong thời gian tới.

Do vậy, nhu cầu nhân lực quý IV/2021 tại TP.HCM sẽ có nhiều chuyển biến tích cực sau thời gian dài thành phố thực hiện giãn cách xã hội, theo nhận định của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM.

Dự báo nhu cầu nhân lực quý cuối năm sẽ đạt mức tối đa gần 57.000 việc làm, trong đó tập trung ở các nhóm nghề bao gồm kinh doanh – thương mại (chiếm hơn 23% nhu cầu), dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ ( gần 12%); công nghệ thông tin (7,5%).

Ngoài ra, một số ngành khác cũng ghi nhận nhu cầu tuyển dụng thời điểm cuối năm, như cơ khí – tự động hoá, vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng, dịch vụ thông tin tư vấn – chăm sóc khách hàng.

Trung tâm Dự báo cho biết trong những tháng cuối năm, ngoài tuyển dụng lao động làm việc toàn thời gian, doanh nghiệp cũng có nhu cầu ở một lượng lớn lao động bán thời gian phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết.

Nhu cầu nhân lực chủ yếu tập trung ở phân khúc lao động qua đào tạo, chiếm gần 90%, trong đó nhu cầu tuyển dụng ở trình độ đại học trở lên chiếm 21%; cao đẳng chiếm gần 20%, trung cấp chiếm hơn 26%, còn lại là sơ cấp.

Trong quý III vừa qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM nói riêng và khu vực miền Nam nói chung, các biện pháp giãn cách, cách ly xã hội được nâng thành mức cao nhất.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đã chịu áp lực không nhỏ khi phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy hoạt động, tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc có xu hướng tăng, người lao động thiếu việc làm, bị cắt giảm giờ làm, buộc thôi việc dẫn đến giảm, mất thu nhập.

Việc vận hành các phương thức của doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” đã làm giảm đáng kể lượng lao động tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, để duy trì lượng đơn hàng, các doanh nghiệp đã ra sức giữ chân lao động cũ cũng như tuyển dụng lao động bổ sung phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Để có thể nhanh chóng phục hồi, trong thời gian này, Trung tâm Dự báo cho biết các doanh nghiệp đã bắt đầu xây dựng lại kế hoạch hoạt động, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ nhân sự, trong đó có cả kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới để thay thế những lao động đã nghỉ việc do dịch bệnh hoặc về quê.

Tuy vậy, với lượng lao động nhập cư về quê ồ ạt trong thời gian qua đã gây trở ngại rất lớn cho việc sắp xếp lại nhân sự trong doanh nghiệp.

Mặt khác, doanh nghiệp và người lao động bắt đầu quen dần với các hình thức làm việc tại nhà, làm việc trực truyến, nhiều doanh nghiệp cũng dần thay đổi mô hình kinh doanh cũng như cách thức tuyển dụng để có đủ nhân sự phù hợp trong tình hình hiện nay.

Đại dịch đã góp phần thúc đẩy các xu hướng tự động hóa và số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ hỗ trợ sẽ càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Đây được nhận định là cơ hội cho doanh nghiệp tìm những hướng đi mới hiệu quả hơn để hoạt động trong bối cảnh bị tác động bởi dịch.

Đối với người lao động, ngoài kiến thức chuyên môn, cần phải nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, tay nghề và tác phong công nghiệp. “Đây là những yếu tố có giá trị bền vững để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong thời gian tới trước những thay đổi của thị trường lao động do dịch Covid-19 mang lại”, Trung tâm Dự báo nhấn mạnh.