Chuyên gia UNESCO: 'Sự phát triển của kinh tế không phải kẻ thù của di sản'

Minh Thư – Thu Uyên - 08:05, 12/04/2019

TheLEADERViệt Nam đang có đầy đủ những điều kiện cần thiết để xây dựng một nền kinh tế sáng tạo và phát triển bền vững.

Chuyên gia UNESCO: 'Sự phát triển của kinh tế không phải kẻ thù của di sản'
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trao đổi với TheLEADER về phương thức bảo tồn và tận dụng giá trị của di sản nhằm đạt được mục tiêu trên.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của di sản trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia?

Ông Michael Croft: Mối liên kết giữa kinh tế và văn hóa là vô cùng quan trọng. Hà Nội luôn được coi là thành phố của văn hóa trong đó, sự sáng tạo là cốt lõi. Bởi lẽ, mọi nền văn hóa, mọi di sản đều có điểm khởi đầu rồi theo thời gian được phát triển và cải tiến. Mọi người cảm thấy thu hút và cố gắng gìn giữ một thứ gì đó trong thời gian dài, bởi họ cảm nhận được sự kết nối. 

Về khía cạnh văn hóa, tôi nghĩ nơi đây hội tụ những nét văn hóa tinh thần đa dạng, chúng ta có thể cảm nhận được điều này, đây cũng là động lực tuyệt vời để Hà Nội phát triển một nền kinh tế sáng tạo.

Một nền kinh tế sáng tạo sẽ mang tới nhiều giá trị! Trước hết, nó tác động đến tất cả lĩnh vực vì đổi mới là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế. Bởi vậy, mọi người luôn nghĩ cách để đổi mới trong mọi việc. Hà Nội đang đón hàng triệu du khách mỗi năm và sự đổi mới trong du lịch sẽ mang đến cho họ những góc nhìn mới, những trải nghiệm mới. Thay vì chỉ dạo phố, du khách cần những hoạt động đa dạng hơn như ghé thăm cửa hàng lưu niệm hay xem múa rối nước. 

Gần đây tôi đã đi xem vở “Tinh hoa Bắc Bộ”, vở diễn thật tuyệt vời và đây cũng chính là ví dụ điển hình cho những gì tôi muốn nói đến. Những màn biểu diễn văn hóa mới, nền công nghiệp văn hóa mới sẽ thu hút và khiến du khách quay trở lại.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng công nghiệp văn hóa là nền công nghiệp thu hút lực lượng lao động trẻ lớn nhất. Việt Nam là một nền kinh tế trẻ, do đó càng có thêm lý do để đầu tư phát triển nền kinh tế sáng tạo.

Có ý kiến cho rằng sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế có thể mang lại những tác động xấu đến các di sản. Ông nhìn nhận như thế nào về nhận định này?

Ông Michael Croft: Chắc chắn sự phát triển của nền kinh tế sẽ ảnh hướng lớn đến các di sản, tuy nhiên, sự phát triển và di sản vốn không phải kẻ thù mà là bạn. Bởi vì di sản và văn hóa có thể tác động tới sự phát triển và đó mới là cách nhìn nhận vấn đề đúng. 

Đặc biệt, trong quá trình hội nhập, bảo tồn di sản và phát triển kinh tế là hai yếu tố song hành. Thúc đẩy phát triển văn hóa là một phần tất yếu trong công cuộc phát triển nền kinh tế sáng tạo. Sự phát triển cần được tiếp diễn trên phạm vi rộng theo hướng tôn trọng và thúc đẩy nền văn hóa. Nếu được như vậy, cả hai lĩnh vực sẽ đều được hưởng lợi.

Theo ông, bên cạnh yếu tố kinh tế, nhận thức còn hẹp của người trẻ về di sản có được coi là một rào cản khác cho quá trình bảo tồn di sản tại Việt Nam không?

Ông Michael Croft: Người trẻ cần có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với di sản. Mỗi thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ đều có cách nhìn nhận và thể hiện bản sắc dân tộc riêng. Di sản văn hóa phi vật thể được coi là di sản sống, mỗi chúng ta đều cảm thấy gắn bó với một di sản cụ thể. Theo thời gian, chúng có thể bị xuống cấp hoặc rơi vào quên lãng, đây hoàn toàn là một quá trình bình thường và thuận theo tự nhiên.

Vậy nên những gì cần làm là thúc đẩy, khuyến khích người trẻ gắn bó với di sản, nhưng đồng thời để họ thỏa sức thể hiện bản sắc theo cách riêng. Chẳng hạn, khi người trẻ tiếp xúc với tranh dân gian hoặc các loại hình biểu diễn truyền thống, họ thật sự cảm nhận và sau đó lý giải chúng theo cách riêng. Họ thay đổi chúng và khiến chúng trở nên hiện đại hơn. Vì thế, người trẻ vẫn luôn có mối liên hệ với di sản, với những giá trị cốt lõi ban đầu nhưng cần có những cách thể hiện gần gũi, phù hợp với họ hơn.

Quá trình bảo tồn di sản có được xem là một phần của phát triển bền vững không?

Ông Michael Croft: Đúng vậy. Đối với mọi người, thành phố nơi bạn sống sẽ luôn đem lại cảm giác thân thuộc, gắn bó, tạo nên một phần bản sắc, cá tính của bạn. Vì thế, vấn đề không nằm ở diện mạo của thành phố với những tòa nhà cao tầng mà là trong cách mọi người giao tiếp với nhau.

Hà Nội là một thành phố lớn nhưng lại đem tới cảm giác gần gũi như một ngôi làng, mọi người vô cùng thân thiện và cởi mở với nhau, đây là một nét đặc trưng riêng của Hà Nội. Văn hóa riêng tạo nên sự khác biệt của từng vùng đất, đó là lý do tại sao văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, đặc biệt là theo hướng hòa hợp với môi trường và điều kiện sống.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Ông Michael Croft: Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã có một bước đi đúng với chương trình nghị sự 2030, đây là một khuôn khổ phổ quát, toàn cầu cho sự phát triển bền vững những năm tới. SDG (Sustainable Development Goal) - mục tiêu phát triển bền vững là mục tiêu mà chúng ta vẫn luôn nói đến. Chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều hoạt động nhằm bảo vệ môi trường đang diễn ra tại Hà Nội. Những hoạt động này bước đầu đã tạo nên những tín hiệu đáng mừng.

Mùa thu năm nay, trong kế hoạch phát triển bền vững của chính phủ, UNESCO rất vui khi được làm việc với thành phố về chương trình nghị sự này. Chúng tôi cũng hiểu rằng phát triển bền vững là mối quan tâm hàng đầu đối với lãnh đạo Hà Nội.

Ông có khuyến nghị gì cho việc xây dựng kế hoạch này?

Ông Michael Croft: Tôi cho rằng, UNESCO và các đối tác quốc tế khác phải hợp tác chặt chẽ với Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong hợp tác. Hà Nội có rất nhiều đối tác và điều này đôi khi dẫn tới khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung. Vì thế, khuyến nghị đầu tiên là các đối tác quốc tế cần có những trao đổi rõ ràng hơn.

Mặt khác cũng cần có sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân trong vấn đề phát triển bền vững. Dưới góc nhìn của UNESCO, khu vực tư nhân nắm giữ một nguồn lực lớn, sở hữu nhiều ý tưởng hay và là đối tác trung tâm trong quá trình phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!