Chuyện tài xế Việt Nam: Không dám bỏ nghề vì dưới là vợ, con, trên đầu là ngân hàng, Grab

Việt Hưng - 14:20, 27/04/2018

TheLEADERPhần đông tài xế chạy Grab ở Việt Nam đều phải chịu nhiều áp lực vô hình từ gia đình, xã hội, khách hàng, ứng dụng gọi xe, và thậm chí là cả ngân hàng.

17 giờ 30 phút chiều, tôi và một người bạn vội vã bắt chuyến xe Grab 4 chỗ đi từ phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội về đường Láng và phố Lê Thánh Tông. Anh bạn tôi về nhà trông con ốm, còn tôi có một cuộc hẹn quan trọng lúc 18 giờ 30.

Khoảng 2 phút sau đó, tài xế có mặt, điều khiển một chiếc Toyota Vios đời 2017 khá mới. Trên xe là một trung niên chạc 40 tuổi, anh đeo kính, áo phông, quần jean, nhạc vặn nhỏ, nhưng trông chừng nét mặt anh có phần không vui.

Ngay khi vừa lên xe, tài xế Grab đã căn vặn: “Các ông đi 2 điểm, thì lần sau bắt 2 xe đi. Từ đây ra đường Láng tắc, xong lại lộn về Lê Thánh Tông mất thì giờ. Mấy ông dở hơi”.

Theo lẽ thường - đường tắc, tài xế không vui, to tiếng, rất dễ xảy ra tranh cãi với hành khách. Tôi chắc mẩm, nếu ngồi đây không phải là tôi và anh bạn của mình, thì chưa biết chừng ngày mai tin tức sẽ có bài tài xế Grab cự cãi, hoặc xô xát với khách.

Trong phút chốc, anh bạn tôi đỡ lời: “Anh thông cảm. Đường tắc, bọn em bắt mãi không được xe, nên đành đi 2 điểm. Thôi, anh giúp bọn em nhé”.

“Ừ” một cái, anh tài xế bắt đầu dịu lại

Sau khoảng 5 phút im lặng, không ai nói với ai câu gì. Tôi mở lời, phần vì muốn không khí bớt căng thẳng: “Anh chạy Grab thế này lâu chưa?”.

Tài xế cho biết, anh tên T., theo nghề tới nay đã được gần 10 năm, còn kinh nghiệm chạy Uber, Grab là khoảng 2 năm. Chiếc Toyota Vios đang chạy là xe anh mới mua bằng chính số tiền mình tích góp được, trước đó là một chiếc KIA chạy taxi truyền thống.

Anh nói: “Bất đắc dĩ lắm, tôi mới phải chạy Grab. Trước kia làm taxi truyền thống, chạy khắp hang cùng ngõ hẻm ở Hà Nội đầu tắt mặt tối. Và phải tới khi Uber vào Việt Nam, cánh tài xế như bọn tôi mới có lúc xả hơi. Nhưng giờ Uber đi rồi, tôi bơ vơ, không sang Grab thì chỉ còn nước bán xe ở nhà mở quán trà đá. Vậy thì chán lắm”.

Theo anh T., về bản chất, hình thức tài xế phục vụ cho Uber, hay Grab là như nhau, thu nhập cũng không chênh lệch quá nhiều nếu làm việc chăm chỉ. Duy chỉ có điểm khác biệt là định vị của Uber khi vào Việt Nam là xe sang, đi xe lịch sự, nên cả người lái và khách hàng đều có sự tôn trọng lẫn nhau nhất định.

“Không tin, các cậu cứ đi hỏi 10 ông tài đã chạy Uber, thì 9 ông sẽ khẳng định cái này. Chắc chắn. Làm tài xế cho Uber thích hơn Grab, bởi khi có vấn đề khiếu nại, Uber sẽ phản hồi tốt hơn. Còn Grab làm ăn phong cách Đông Nam Á, chậm chạp, chán lắm. Phận đi làm thuê như bọn tôi, cứ thích được rõ ràng. Sở dĩ, Uber được lòng cả khách lẫn tài, vì họ đỡ làm người ta ức chế”, anh T. tâm sự.

Chuyện tài xế Việt Nam: Không dám bỏ nghề vì dưới là vợ, con, trên đầu là ngân hàng và Grab
Anh T. cho rằng, Uber được lòng tài xế Việt khi so sánh với Grab

Tương lai tài xế hậu thương vụ Grab thâu tóm Uber Việt Nam

Theo tài xế này, hậu thương vụ Grab thâu tóm Uber Việt Nam, cánh lái xe nói chung chỉ có một lựa chọn, đó là theo chân Uber sang Grab. Vì hầu hết những ai chạy Uber cũng đều chạy Grab kiếm thêm. Số còn lại có thể nghỉ chạy xe và tự kinh doanh riêng. Nhưng anh T. cho rằng, số lượng tài xế dám bỏ nghề không nhiều, vì phần lớn họ đều vay ngân hàng để mua xe. Nghỉ làm sẽ chỉ càng khiến cho cuộc sống họ khốn khó.

“Tôi làm tiếp cũng được, không làm tiếp cũng chẳng sao vì giờ xe mình chính chủ. Khổ là khổ mấy cậu tài mới, tay ngang nghe người ta nói, quảng cáo rầm rộ rồi rủ nhau đi lái xe. Đang làm Uber, Grab quen cả ngày toàn cầm điện thoại nghịch nghịch đợi khách thì làm sao quay về chạy taxi truyền thống được”, tài xế T. kể về chuyện nghề.

Theo anh, làm tài xế là phải lọ mọ, ở đây không có khách thì ngay lập tức phải chạy điểm khác. Chạy một thời gian phải cố gắng kiếm được khách quen, thậm chí là qua “cò” cũng phải chạy. Bởi nếu để thời gian nhàn rỗi thì vợ đói, con đói, ai nuôi?

Vì vậy, bản thân anh T. đặt ra nguyên tắc “BA KHÔNG”: không đứng yên một chỗ, không sợ tắc đường, và không được nản lòng.

Bởi theo anh, nếu tài xế chỉ “chạy chơi” và không có chiến thuật thì sẽ khó lòng đạt hiệu quả: “Có những ngày chạy thưởng, tôi phải loay hoay hết phố nọ, văn phòng kia. Cuốc tuy ngắn nhưng số lượng nhiều. Tới 5 giờ chiều thấy được 19 cuốc là tôi phi lên phố ngay. Lúc này đường tắc cũng phải chạy, đông cũng phải chạy, vì 8 giờ tối là hết thưởng rồi. Tính ra 22 cuốc ngắn, nhận thưởng 200 ngàn. Thu về 1,2 triệu đồng, thì 200 ngàn thưởng bù trừ 350 ngàn tiền triết khấu, cũng tạm được”.

Tất nhiên, anh T. không phủ nhận, việc chạy thưởng cũng khiến không ít tài xế chịu áp lực lớn về tâm lý, cộng thêm giao thông ở Việt Nam phức tạp, dẫn tới tình trạng nóng nảy, cự cãi với khách hàng diễn ra gần đây.

“Ừ thì đi làm dịch vụ, tôi phải chịu. Nhưng sự thật là nhiều khi khách hàng thiếu thông cảm lẫn tôn trọng mình. Khách yêu cầu đón ở Nhà thờ lớn, nhưng hỏi ra thì lại đứng ở Viện phụ sản. Chỉ khi họ sai, họ mới nói mình thông cảm. Vậy nếu bình thường, ai thông cảm cho mình?”, tài xế ngậm ngùi.

Tài xế Grab không dám bỏ nghề vì chịu nhiều áp lực 1
Hậu thương vụ Grab thâu tóm Uber Việt Nam, tài xế này cho rằng Grab gần như sẽ độc quyền

Không chạy được thì bán xe, đợi ứng dụng Việt Nam lớn mạnh thì biết tới bao giờ!

Dù không ai bảo ai, nhưng theo anh T., phần đông tài xế chạy Uber, Grab ở Việt Nam phải chịu ít nhất 4-5 áp lực vô hình: từ gia đình, xã hội, khách hàng, ứng dụng gọi xe, và thậm chí là cả ngân hàng.

Do đó, mỗi ngày ra đường với họ thực sự là một cuộc chiến sinh tồn. Hôm nay ăn gì? Ngủ đâu? Có đủ tiền lời trả lãi ngân hàng hay không luôn là những câu hỏi thường trực. Kể về đồng nghiệp của mình, bản thân anh T. đã chứng kiến không ít người phải bán xe trả nợ, vì không thể chịu thêm áp lực về tiền bạc:

“Không chạy được thì người ta bán xe, chứ đợi ứng dụng Việt Nam lớn mạnh như nhiều bên tuyên truyền thì biết tới bao giờ. Tôi có nghe về VATO, hay một số ứng dụng gần đây. Nhưng tuyên truyền vậy, chứ làm gì có khách. Mà tài xế chúng tôi phải sống cái đã, mình không sống được, sao mà chờ được ứng dụng Việt Nam”.

Tài xế này cho rằng, nếu được kì vọng, anh mong những ứng dụng như Didi Chuxing của Trung Quốc hay Go-Jek của Indonesia vào Việt Nam hơn cả. Bởi đây đều là những tên tuổi lớn, và thực lực của họ đã được thị trường quốc tế công nhận.

“Ông Việt Nam có 100 triệu USD, so thế nào được với 5 tỷ USD của Grab. Kì vọng là nhắm mấy ông lắm tiền, nhiều của kia. Xét cho cùng, mình đi làm thuê, chỉ mong có công ty lớn, làm ăn nghiêm túc vào đầu tư. Chứ ủng hộ mồm thì không xong đâu”, anh T. nói.

Bàn về thương vụ Grab thâu tóm Uber Việt Nam, tài xế này cho rằng, sau đây Grab gần như sẽ độc quyền. Nhưng khách hàng vẫn hưởng lợi, chưa lo hết khuyến mãi, vì sau Uber, Grab vẫn còn phải cạnh tranh với taxi truyền thống.

Theo anh T., kịch bản tại thị trường gọi xe Việt Nam sẽ là khách hàng ra đường không vẫy được taxi sẽ buộc phải gọi Grab. Trong đó, người đầu tiên chịu ảnh hưởng sẽ là các tài xế, vì không phục vụ cho Grab sẽ chẳng biết phục vụ ai.

Tài xế này ngậm ngùi: “Khổ mấy thì tôi cũng phải chạy, làm hết đời, chạy xe cỡ 7-8 năm nữa là giải tán. Lúc ý xe này hết khấu hao là vừa”.

Tới đây, xe đã dừng ở phố Lê Thánh Tông. Tôi chào tạm biệt tài xế, chấm 5 sao cho anh và không quên nhắn nhủ: Chúc anh vững tay lái nhé!